Quảng Bình: Nuôi lươn không bùn, khi cầm chắc "cục lãi" 200 triệu thì nhiều người kéo đến xem
Chị Lê Thị Bảy (SN 1993, ở thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đánh liều thế chấp sổ đỏ, vay tiền về nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, trong vụ đầu tiên, chị đã thu về gần 200 triệu đồng.
|
Chị Lê Thị Bảy (ở thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) dành phần lớn thời gian trong ngày chăm sóc đàn lươn. Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của vợ chồng chị được nhiều nông dân đến tham quan... |
Đánh liều nuôi lươn không bùn trong bể xi măng
Trò chuyện với PV Dân Việt, chị Lê Thị Bảy (SN 1993, ở thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) khoe: "Vào đầu năm 2019, tôi đọc báo thấy người dân phía Nam nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế cao, sẵn không có việc làm, tôi liền nghĩ đến việc nuôi lươn để phát triển kinh tế".
"Nghĩ làm làm, tôi bàn với chồng tôi (anh Phạm Ngọc Tú, cùng tuổi) thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng để nuôi lươn. Sau đó, hai vợ chồng vay ngân hàng 200 triệu đồng rồi xây dựng 8 hồ nuôi lươn trong bể nổi xi măng và lắp đặt hệ thống nước sạch.
Cầm sổ đỏ đi vay ngân hàng người thân của tôi phản đối lắm, nhưng vợ chồng tôi nghĩ, liều ăn nhiều, nên quyết tâm làm. Để có kinh nghiệm nuôi lươn, tôi lên mạng tìm kiếm kĩ thuật nuôi và vào các trang nhóm mạng xã hội để đọc kinh nghiệm người nuôi lươn họ chia sẻ", chị Bảy nói.
Để có giống lươn chất lượng, chị Bảy cất công liên lạc vào tỉnh Đồng Nai để mua 10.000 con và thả nuôi vụ đầu tiên vào tháng 6/2020.
Nuôi lươn không bùn "thắng" đậm ngay "trận đầu"
Theo chị Lê Thị Bảy, ngày đầu nuôi lươn, chị phải túc trực bên hồ nuôi, quan sát đàn lươn để phát hiện sớm những bất thường còn xử lý.
Bằng kinh nghiệm học hỏi cùng với công sức dành cho đàn lươn, lươn của chị Bảy khỏe mạnh, phát triển nhanh, có cá thể lươn đạt đến 0,5 kg.
Sau một năm nuôi lươn, chị Bảy xuất bán trên một tấn lươn thương phẩm, toàn bộ số lươn được thương lái mua tận nơi, thu về gần 200 triệu đồng.
Thành công từ vụ đầu tiên, lại có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi lươn, chị Bảy nhập thêm 15.000 con giống mới.
Chị Lê Thị Bảy chia sẻ: "Nuôi lươn không mất nhiều công sức nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ. Việc nuôi trong bể xi măng có nhiều thuận lợi, như dễ dàng kiểm soát như thay nước, hạn chế bệnh và kiểm soát tốt sự phát triển của đàn lươn".
"Với các bể nuôi lươn hiện tại, mỗi ngày tôi thay nước 4 lần, cho lươn ăn 2 lần/ngày, mùa lạnh dùng bóng sưởi để đảm bảo độ ấm cho lươn, nếu không lươn sẽ chết. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần phải tách đàn, phân loại để lươn sinh trưởng đều", chị Bảy nói.
Chị Bảy cũng cho biết, thời gian tới, chị sẽ mở rộng hồ nuôi, gây giống lươn để cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó, chị Bảy cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, mở hợp tác xã để phối hợp với bà con nông dân trong vùng nuôi lươn cùng phát triển kinh tế.
"Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của chị Lê Thị Bảy bước đầu có những thành công nhất định, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm. Xã luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất để gia đình chị Bảy mở rộng mô hình" - ông Nguyễn Ngọc Minh – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.