Campuchia bán sang Việt Nam lượng nông sản khổng lồ, mặt hàng nào chiếm nhiều nhất?
Ngoài Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất, đạt 3,3 tỷ USD thì Campuchia cũng bán sang Việt Nam lượng nông sản khổng lồ trị giá 3,15 tỷ USD, trong đó hạt điều chiếm 65%.
|
Tổng diện tích điều niên vụ 2019 - 2020 của cả nước 302.500ha, sản lượng khoảng 339.800 tấn, đáp ứng 20% nhu cầu chế biến nên mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khoảng 1,4 triệu tấn điều thô từ Campuchia, Bờ Biển Ngà,... về chế biến. Trong ảnh: Nông dân Bình Phước thu hoạch điều. Ảnh: https://binhphuoc.gov.vn. |
Campuchia bán lượng hạt điều khổng lồ sang Việt Nam
Theo báo cáo xuất, nhập khẩu của Bộ NNPTNT, Mỹ và Campuchia đang là 2 thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất.
Thống kê của thấy, 10 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 35,6 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 54,0%.
Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất, đạt gần 3,3 tỷ USD, chiếm 9,2% thị phần (trong đó mặt hàng bông chiếm 36,4% giá trị); tiếp theo là Campuchia đạt khoảng 3,15 tỷ USD, chiếm 8,9% (mặt hàng điều chiếm gần 65%).
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập khẩu lượng hạt điều khổng lồ từ Campuchia. Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2021, Campuchia đã xuất khẩu sang Việt Nam 869.540 tấn hạt điều thô, chiếm 99,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của quốc gia này.
Số lượng hạt điều nhập khẩu từ Campuchia đã chiếm 58,3% tổng lượng hạt điều nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2020. Hiện, Campuchia có hơn 500.000ha trồng điều tại 10 tỉnh.
Trên thực tế, dù là ngành hàng tỷ đô nhưng từ trước đến nay ngành chế biến và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, diện tích điều trong nước mới đáp ứng được khoảng 20% cho nhu cầu chế biến.
Tại một hội nghị bàn giải pháp sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 được Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) thông tin, theo thống kê tổng diện tích điều niên vụ 2019 - 2020 của cả nước 302.500ha, tăng 5.300 ha; năng suất bình quân 12,1 tạ/ha; sản lượng khoảng 339.800 tấn.
Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn điều thô phục vụ chế biến. Hiện, quỹ đất dành cho các loại cây trồng về cơ bản đã ổn định, trong khi so về hiệu quả kinh tế, cây điều đang kém cạnh tranh so với các cây trồng khác nên việc mở rộng diện tích là khó khả thi.
Được biết, từ năm 2005, Việt Nam đã là một trong các thị trường nhập khẩu điều nguyên liệu lớn nhất thế giới, từ 25 quốc gia, trong đó Bờ Biển Ngà chiếm 36%.
Thời gian gần đây có thêm nguồn hạt điều nhập khẩu từ Campuchia và lợi thế đã thấy rõ về vị trí địa lý so với Bờ Biển Ngà.
Tuy nhiên, trước sự bất thường về số lượng nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cũng đã có Công văn số 4108/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đề nghị tăng cường kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia do lo ngại tình trạng trốn thuế của không ít doanh nghiệp bởi thuế suất thuế nhập khẩu từ Campuchia là 0%.
Nhập khẩu điều thô từ Campuchia về chế biến, Việt Nam thu 2,6 tỷ USD nhờ xuất khẩu điều
Do nhu cầu tăng cao từ các thị trường Mỹ, Trung Quốc, xuất khẩu điều của Việt Nam vẫn đạt kết quả ấn tượng.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt xấp xỉ 51.300 tấn, trị giá 341,1 triệu USD, tăng 8,9% về lượng và tăng 9,2% về trị giá so với tháng 8/2021.
Tính chung 9 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 427.300 tấn, trị giá 2,66 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng và tăng 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt 6.651 USD/tấn, tăng 11,6% so với tháng 9/2020.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hạt điều Việt Nam. Trong 9 tháng, xuất khẩu hạt điều sang Mỹ đạt 133.000 tấn, trị giá 777 triệu USD. Tiếp theo là Trung Quốc (60.000 tấn và 444 triệu USD, Hà Lan (53.000 tấn và 291 triệu USD)...
Hà Lan đang nổi lên là thị trường nhập khẩu nhiều hạt điều của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Eurostat, 7 tháng đầu năm 2021, Hà Lan nhập 35.400 tấn hạt điều, trị giá 205,62 triệu EUR (tương đương 238,52 triệu USD), tăng 2,1% về lượng, nhưng giảm 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
7 tháng đầu năm 2021, Hà Lan tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, Bờ Biển Nga, nhưng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Brazil.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hà Lan chiếm 82,29% trong 7 tháng đầu năm 2021, cao hơn so với mức 77,74% trong 7 tháng đầu năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới.
Quý IV thường là mùa cao điểm tiêu thụ hạt điều, các thị trường như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu. Còn trong nước, tình trạng giãn cách đang dần được nới lỏng, giúp hoạt động sản xuất và vận chuyển thuận lợi hơn.