Tại sao giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người trồng ngô lại mừng ra mặt?
Năm nay, những người trồng ngô ở Thanh Hóa, Đắk Lắk vui mừng ra mặt khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao nên các doanh nghiệp cũng thu mua ngô của bà con với giá tăng đáng kể.
|
Trồng giống ngô ứng dụng sinh học, nông dân Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk đỡ công quản lý sâu bệnh |
Chăm sóc nhàn, lợi nhuận tăng
Đã có 6 – 7 năm kinh nghiệm liên kết trồng ngô biến đổi gen, anh Nguyễn Bình ở thôn 8, xã Hòa Lễ, huyện Krông Pông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, so với canh tác giống ngô thường, cái lợi của trồng ngô biến đổi gen là nhẹ công phòng trừ sâu bệnh, tiêu diệt cỏ dại. Hiện, gia đình anh Bình đang trồng 1ha ngô lấy hạt làm ăn thức ăn chăn nuôi.
"So với giống ngô thường thì giống ngô ứng dụng công nghệ sinh học hiệu quả hơn hẳn trong quản lý sâu bệnh, diệt trừ cỏ dại chỉ trong một lần, trong khi giống ngô khác phải phun thuốc đến 2 lần" – anh Bình nói.
Cũng theo anh Bình, trong điều kiện chăm sóc như nhau thì năng suất của giống ngô thường và ngô biến đổi gen ít khác biệt nhưng nếu không đảm bảo điều kiện chăm sóc thì ngô ứng dụng công nghệ sinh học có năng suất cao hơn nhờ tính kháng sâu đục thân, đặc biệt là sâu keo mùa thu.
Cũng theo anh Bình, trong những năm gần đây với sự lây lan ngày càng rộng của các loại sâu hại, đặc biệt là sâu keo mùa thu, nếu đảm bảo được điều kiện chăm sóc, phòng trừ sâu keo mùa thu, sâu đục thân tốt thì năng suất của giống ngô thường và ngô biến đổi gen có thể không có nhiều khác biệt.
Tuy nhiên, nếu không đảm bảo công tác bảo vệ thực vật hiệu quả và kịp thời thì các giống ngô biến đổi gen ứng dụng công nghệ sinh học cho ra năng suất cao hơn nhờ cải thiện đặc tính kháng sâu đục thân, đặc biệt là sâu keo mùa thu
"Thời gian gần đây, sâu keo mùa thu phá hoại trên cây ngô nhiều nên nhiều người đã có xu hướng chuyển sang trồng giống ngô ứng dụng sinh học" – anh Bình nói.
Được biết, với 1ha gieo trồng ngô, mỗi năm anh Bình trồng 2 vụ, mỗi vụ anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Về vấn đề tiêu thụ, anh Bình bảo "tiêu thụ thì khỏi lo, chỉ sợ không có ngô mà bán".
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Hòa ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) cũng khẳng định, việc trồng ngô biến đổi gen sẽ giúp nhà nông bớt công quản lý cỏ dại, sâu hại.
"Tôi đã liên kết với doanh nghiệp trồng ngô biến đổi gen được 2 năm nay, nói chung giống ngô này kháng tốt với các loại sâu hại ngô chính, đặc biệt là sâu keo mùa thu. Tôi có 25ha diện tích ngô sinh khối trồng theo liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, nếu không kiểm soát tốt sâu đục thân, sâu keo mùa thu thì tôi không thể làm được diện tích lớn như vậy" – ông Hòa nói.
Được biết, nhờ liên kết trồng ngô sinh khối bán cho các doanh nghiệp, mỗi năm ông Hòa có thu 250 triệu đồng.
"Năm nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng nên người trồng ngô có lãi khá, tăng đáng kể so với năm trước", ông Hòa nói.
Tương tự, ông Trịnh Văn Tính ở xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hóa cũng rất ấn tượng vì giống ngô biến đổi gen có thể hạn chế sâu keo mùa thu, nên 6ha ngô của gia đình ông vẫn cho thu nhập ổn định.
Cần đẩy mạnh hỗ trợ nông dân
Là một trong những tỉnh có diện tích trồng ngô tương đối lớn ở miền Trung, những năm qua, trồng ngô biến đổi gen để quản lý tốt sâu bệnh đang là lựa chọn của nhiều nông dân tỉnh Thanh Hóa.
Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa) cho biết, toàn tỉnh có 40.000 – 45.000ha trồng ngô, năng suất bình quân 5 - 5,2 tấn/ha, với giá bán 8.000 đồng/kg thì mỗi hecta trồng ngô người dân có thu về khoảng 40 – 45 triệu đồng.
Đối với giống ngô biến đổi gen, ông Trung cho biết, diện tích năm 2020 đạt khoảng 2.500ha.
"Qua thực tế sản xuất, tôi thấy giống ngô ứng dụng công nghệ sinh học có một số lợi thế như hạn chế cỏ dại, hạn chế sâu đục thân, đặc biệt sâu keo mùa thu giảm đáng kể. Chính vì vậy, năng suất ngô tăng đáng kể, bà con chăm sóc cũng nhàn hơn" – ông Trung nói.
Lý giải về diện tích ngô ứng dụng công nghệ sinh học còn khiêm tốn, ông Trung cho rằng, về mặt quy trình quản lý nhà nước, địa phương luôn khuyến khích vì mọi hàng rào kỹ thuật chất lượng môi trường khi canh tác giống ngô này đều đảm bảo, được Bộ NNPTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận.
Trong khi đó, ngô không làm thức ăn trực tiếp cho người mà chỉ chế biến thức ăn chăn nuôi, hiện tại nguyên liệu ngô nhập từ nước ngoài về cũng chủ yếu là ngô biến đổi gen.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hỗ trợ nông dân vì các vùng trồng ngô chủ yếu là bà con ở vùng sâu vùng xa, đời sống còn nhiều khó khăn" – ông Trung nói.
Ngoài ra, hiện tại việc triển khai, giới thiệu các giống ngô biến đổi gen mới ra thị trường còn khá chậm - điều này hạn chế đáng kể khả năng nông dân có thể lựa chọn nhiều loại giống khác nhau thích hợp với điều kiện canh tác đặc thù của họ.
Theo các công ty nghiên cứu và phát triển các giống ngô, vòng đời của một giống ngô thương mại trung bình khoảng 5 – 7 năm để có thể cho năng suất và chất lượng tốt, do đó cần liên tục đưa ra các giống ngô mới để bà con nông dân chủ động hơn và có nhiều lựa chọn để nâng cao năng suất và gia tăng thu nhập cho chính họ và gia đình.