Dù mới triển khai, nhưng nhiều mô hình IPM ở tỉnh Tuyên Quang cho hiệu quả tích cực, được nông dân hào hứng đón nhận.
Tại xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa mùa năm 2021. Mô hình thử nghiệm trồng giống lúa mới VNR20. Có 30 hộ dân tại thôn 7, xã Minh Hương tham gia với quy mô 5ha.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tuyên Quang cho biết, tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ 100% thóc giống và tập huấn kỹ thuật sản xuất. Mô hình này được bà con nông dân áp dụng đúng quy trình hướng dẫn, đến nay đang cho thu hoạch.
Giống lúa VNR20 có ưu điểm nổi trội như ngắn ngày, thân cứng, chiều cao cây vừa phải, cây đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt, độ thuần đồng ruộng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; số hạt trên bông nhiều, gieo cấy được 2 vụ trong năm, chất lượng gạo ngon.
Việc áp dụng mô hình IPM trên cây lúa vụ mùa với giống mới VNR 20 đã giúp người dân canh tác tốt hơn, biết cách phòng trừ sâu bệnh sớm, thực hiện "4 đúng" trong sử dụng thuốc BVTV và là tiền đề để phát triển vùng lúa đặc sản xã Minh Hương theo hướng hữu cơ.
Cũng như Minh Hương, vụ mùa 2021, tổ dân phố Làng Chùa, thị trấn Lăng Can (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) có 30 hộ tham gia mô hình IPM trên cây lúa với tổng diện tích 3ha. Để mô hình phát triển tốt, đồng đều, các hộ dân gieo cấy cùng trà, cùng giống lúa VNR 20 và áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến và phòng trừ dịch hại mô hình IPM.
Sau 1 thời gian chăm sóc, 3ha lúa tham gia mô hình nhanh bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh khỏe, tổng số hạt/bông, số hạt chắc/bông cao hơn so với ruộng đối chứng. Mô hình IMP giúp người dân giảm chi phí sản xuất, đặc biệt chỉ sử dụng 1 lần thuốc BVTV, tạo ra sản phẩm an toàn, góp hần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cân bằng sinh thái. Năng suất lúa tại mô hình ước đạt 63,7 tạ/ha, cao hơn 8 tạ/ha so với ruộng đối chứng.
Năm 2021, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) triển khai 18 mô hình cấp huyện trên các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô, lạc, rau, chè, cây ăn quả. Đến nay, nhiều mô hình triển khai tại các địa phương được người nông dân đồng thuận hưởng ứng; diện tích cây trồng phát triển tốt.
Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Sơn cho biết, việc triển khai mô hình IPM nhằm giúp các hộ dân áp dụng biện pháp thâm canh bền vững, từ đó giảm sử dụng hóa chất, giảm nước tưới; luân canh cây trồng, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, xử lý rơm rạ để cải tạo đất, sử dụng giống chống chịu hiệu quả.
Gia đình ông Nguyễn Đức Cẩn, thôn 5, xã Tân Long, huyện Yên Sơn năm nay trồng 2 sào ngô theo mô hình IPM. Tham gia mô hình, ông được tập huấn các chuyên đề về IPM, thâm canh cây trồng bền vững, giảm thiểu nguy cơ do sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, ông nhận thức được làm theo IPM vừa đảm bảo được sức khỏe cho người trồng mà năng xuất cây trồng vẫn ổn định.
Việc áp dụng IPM trên cây trồng ở tỉnh Tuyên Quang là tiền đề vững chắc cho sản xuất VietGAP, hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 7 HTX, 18 tổ hợp tác tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn toàn tỉnh là 1.612 ha, gồm chè, lúa, cây ăn quả và rau màu các loại.