Chính phủ được chi 14,62 nghìn tỷ đồng tiền tiết kiệm cho phòng, chống dịch
10:11 - 24/09/2021
100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép Chính phủ chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng từ tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương để sử dụng cho phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc


Chiều 22/9, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, với tổng số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng.

Có phương án bố trí nguồn cho lực lượng chống dịch

Bộ trưởng Tài chính cho biết, để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, nguồn lực của trung ương đã sử dụng 22,27 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng Covid-19 cho khoảng 80 triệu dân trong năm 2021, dự kiến cần mua khoảng 170 triệu liều vắc xin, với tổng kinh phí khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng. Và hiện nhu cầu còn lại Trung ương phải chi trong thời gian tới khoảng 16,07 nghìn tỷ đồng. 

Theo phương án của Bộ Y tế, để đảm bảo công tác y tế đối với tình huống có 300 nghìn người nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian 28 ngày, cần chăm sóc y tế, dự kiến nhu cầu kinh phí chi từ ngân sách nhà nước khoảng 60,57 nghìn tỷ đồng…

Như vậy, tổng nhu cầu chi để mua vắc xin và chi cho công tác phòng chống dịch trong thời gian tới khoảng 36 - 40 nghìn tỷ đồng.

Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng 14,62 nghìn tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, dự kiến trước mắt sử dụng 4,9 nghìn tỷ đồng để chi hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch. Cụ thể, chi cho Bộ Quốc phòng là 1.000 tỷ đồng, Bộ Công an 900 tỷ, TP.HCM 2.000 tỷ, Bình Dương 500 tỷ, Đồng Nai 500 tỷ…

Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến nhận thấy, về cơ bản các khoản cắt giảm, tiết kiệm chi được Chính phủ nêu trong tờ trình đều thuộc phạm vi quy định tại Nghị quyết 30.

Cơ quan thẩm tra kiến nghị Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ vào dự phòng ngân sách trung ương để Chính phủ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về tính tuân thủ, bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích.

Về phương án sử dụng, ông Cường cho rằng, căn cứ xác định đối tượng được phân bổ và mức phân bổ chưa cụ thể. Để bảo đảm tính hợp lý, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể căn cứ đề xuất phân bổ như tờ trình.

“Qua làm việc với một số bộ ngành, căn cứ vào tình hình thực tế, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, mức độ hỗ trợ đối với những người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có đội ngũ y, bác sỹ còn hạn chế. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tính toán, có phương án bố trí nguồn hợp lý, công bằng, kịp thời để bảo đảm động viên những người đã và đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống dịch”, ông Cường lưu ý.

Khắc phục việc dự báo không sát

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đảm bảo việc thu hồi, cắt giảm, tiết kiệm nguồn kinh phí phải thực hiện đúng Nghị quyết 30 của Quốc hội.

Việc cắt giảm chi phí cho hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm, chi thường xuyên và thu hồi các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai không được ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách.

"Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục việc dự báo không sát dẫn đến dư tiền chính sách chưa sử dụng hết, báo cáo chậm các nội dung cần xin ý kiến của Ủy ban thường vụ, Quốc hội", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ bám sát diễn biến thực tế để điều hành theo thẩm quyền hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền, đảm bảo tăng thêm nguồn ngân sách trung ương và địa phương.

Từ đó thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa cho công tác phòng, chống dịch và duy trì khôi phục phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân; bảo đảm chế độ, chính sách cho người tham gia phòng chống dịch, nhất là những người đứng đầu.

Riêng về một số nội dung Chính phủ xin nguồn về cải cách tiền lương, ông Hải cho rằng, cần có ý kiến cơ quan có thẩm quyền và được Quốc hội cho phép.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành và các địa phương tổng hợp báo cáo kinh phí đã chi và nhu cầu nguồn vốn cho phòng, chống dịch; báo cáo ra hội nghị Trung ương và báo cáo tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội, khẩn trương xây dựng các văn bản sử dụng vắc xin ở địa phương.

 

Nguồn: VNN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn