(MTNT)- Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia trong 5 năm (2016 – 2020) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) mới công bố, tại một số khu vực nuôi trồng thuỷ sản, khu vực cửa sông, cảng biển, môi trường nước biển còn bị ô nhiễm cục bộ và mang tính thời điểm.
|
Môi trường nước biển còn bị ô nhiễm cục bộ và mang tính thời điểm. |
Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, có 74% lượng chất thải rắn của các địa phương có biển được thu gom; lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 122 - 163 triệu m3/ngày; có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung khu vực ven biển, kéo theo đó là sự phát triển các dịch vụ du lịch biển, hệ quả không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị (hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải) mà còn tác động đến không gian của các đô thị ven biển. Tác động rõ nhất có thể nhận thấy là sự thay đổi cảnh quan ven biển, điển hình như các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng tại các khu ven biển thời gian qua.
Đáng chú ý, môi trường trầm tích biển, các thông số kim loại khá thấp nằm trong ngưỡng quy định. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu của tích tụ hóa chất thuốc trừ sâu tại các cửa sông nguồn nước sử dụng chính cho sản xuất nông nghiệp (cửa sông Hồng tại Ba Lạt, cửa Định An, sông Cửu Long).
Bên cạnh đó, nguồn thải trên biển từ hoạt động nuôi trồng thuỷ hải sản và hoạt động từ du lịch biển là nguồn thải có mức độ tác động lớn nhất. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số vịnh, đầm phá ven biển. Sự gia tăng chất thải nhựa đại dương cũng là vấn đề lớn mang tính toàn cầu, trong đó có nước ta.