Trung tâm DVNN huyện Tân Uyên trồng 2000m2 dưa lưới trong nhà màng
Nhà màng trồng dưa lưới của Trung tâm DVNN huyện Tân Uyên nằm giữa đồi chè xanh tốt thuộc khu 1, thị trấn Tân Uyên (tỉnh Lai Châu).
Nhà màng có diện tích khoảng 2000m2, được dựng lên bởi khung sắt, màng bao xung quanh, mái phủ nilon. Bên trong nhà màng là những luống dưa lưới thẳng tắp, cây nào cây nấy cũng phát triển xanh tốt, ra quả to như vốc tay người lớn.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Bùi Văn Chung – Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Tân Uyên, cho biết: Trung tâm DVNN huyện Tân Uyên là đơn vị đầu tiên của tỉnh Lai Châu trồng dưa lưới trong nhà màng. Sau khi xây dựng xong nhà màng, tháng 10/2020, Trung tâm DVNN huyện Tân Uyên đưa cây dưa lưới vào trồng thí điểm.
"Vụ đầu, chúng tôi nhập hạt giống dưa lưới Hà Lan từ thành phố Đà Lạt về ươm, trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, do là vụ đầu tiên lại trồng trong lúc thời tiết bắt đầu trở lạnh, nên cây dưa lưới sinh trưởng và phát triển chậm, chết nhiều...".
Theo anh Chung, vụ này, Trung tâm phải bù lỗ. Tháng 4/2021, Trung tâm tiến hành trồng vụ dưa lưới thứ 2.
Và Trung tâm đã thành công khi cây dưa lưới sinh trưởng phát triển tốt, cho quả to đẹp, ăn ngon ngọt và rất thơm. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu và một số huyện trong tỉnh đánh giá cao khi đến thăm quan nhà màng trồng dưa lưới của Trung tâm...
Trên diện tích 2.000m2 nhà màng, Trung tâm DVNN huyện Tân Uyên trồng khoảng 5000 cây dưa lưới. Trước khi trồng, Trung tâm tiến hành làm đất, lên luống.
Vụ trước, Trung tâm đưa cây dưa lưới vào trồng trực tiếp xuống đất. Đối với vụ này, Trung tâm lại đưa cây dưa lưới vào trồng trong bầu, với giá thể chính là: Phân trâu, bò ủ hoai mục và sơ dừa.
Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới, anh Nguyễn Đình Tuyên – cán bộ kĩ thuật của Trung tâm DVNN huyện Tân Uyên, phấn khởi cho biết: "Đây là giống dưa lưới Hà Lan vỏ vàng, ruột xanh. Sau khi nhập hạt giống về, Trung tâm tiến hành ươm trong khay chuyên dụng...".
Khi cây dưa lưới lên 2 lá thật, thì Trung tâm đưa ra trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật. Sau khi trồng từ 5 – 7 ngày, Trung tâm bắt đầu vấn cây dưa lưới theo dây buộc trên giàn.
Khi cây dưa lưới phát triển tới chèo thứ 8 thì Trung tâm mới tiến hành thụ phấn cho cây. Mỗi cây thụ phấn 3 quả tương đương với 3 chèo khác nhau.
"Sau một tuần thì chọn, giữ lại 1 quả đẹp nhất, còn 2 quả xấu hơn thì vặt bỏ. Khi cây dưa lưới phát triển được 26 lá thì tiến hành bấm ngọn, để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả".
Theo anh Tuyên, mỗi cây dưa lưới chỉ nên để một quả. Làm như vậy, quả dưa lưới sẽ có mẫu mã đẹp hơn, chất lượng cũng tốt hơn bởi cây có đủ dinh dưỡng để nuôi quả.
"Trồng dưa lưới không đòi hỏi cao về kĩ thuật, những cần có sự tỉ mỉ. Người trồng phải thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây, từ đó có những tác động phù hợp...".
Vì trồng trong nhà màng nên cây dưa lưới tránh được sự tấn công của các loại côn trùng và các loại sâu. Trung tâm sử dụng chế phẩm sinh học để phun phòng trừ các loại bệnh hại cây dưa lưới theo định kỳ.
Khâu bón phân rất quan trọng, tùy từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây dưa lưới, mà Trung tâm có chế độ bón phân phù hợp.
Trung tâm lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trong nhà màng để tiện cho việc chăm sóc cây dưa lưới. Trung tâm phối trộn các loại phân đơn với phân bón NPK gatit theo tỷ lệ phù hợp và hòa với nước, để tưới cho cây dưa lưới hàng ngày qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây dưa lưới có một công thức tưới phân riêng.
Sản phẩm dưa lưới của Trung tâm DVNN huyện Tân Uyên không chỉ thơm ngon, ngọt mà còn đảm bảo độ an toàn cao, được khách hàng đánh giá cao.
Tháng 7/2021, Trung tâm thu hoạch vụ dưa lưới thứ 2, được hơn 7 tấn quả. Bán ra thị trường với giá bình quân 25.000 đồng/kg, Trung tâm DVNN thu gần 200 triệu đồng.
Ông Ngọ Doãn Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Uyên, cho biết: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng do Trung tâm DVNN huyện Tân Uyên thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đây là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Tân Uyên. Huyện Tân Uyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện phát triển.