Hà Nội: Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao
Đầu tư ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản xuất chính là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và hiệu quả sản xuất, kinh doanh... Thời gian qua, các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố không ngừng nỗ lực đầu tư khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, góp phần hoàn thiện tiêu chuẩn, nâng tầm sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Hiện, huyện Ba Vì có 47 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó, 34 sản phẩm đạt 4 sao: Sữa và các sản phẩm từ sữa, giò đà điểu, miến, sản phẩm chay... Nhiều sản phẩm đạt 4 sao của các đơn vị được quan tâm ứng dụng công nghệ cao trong các khâu chăn nuôi, chế biến...
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì Nguyễn Thị Mai cho biết, công ty liên kết với khoảng 20 hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, Công ty cùng các hộ chăn nuôi xây dựng hệ thống chuồng trại bảo đảm vệ sinh, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất như sử dụng máy vắt sữa; trong khâu chế biến, Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để sản phẩm đạt chất lượng tốt. Đến nay, với 20 sản phẩm sữa các loại, trong đó, 10 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, ngoài tiêu thụ mạnh tại thị trường Hà Nội, sản phẩm OCOP của Công ty còn được tiêu thụ ở thị trường các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP của địa phương, thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể đều ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, công suất, sản lượng...
Tương tự, tại huyện Đông Anh, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều sản phẩm OCOP của huyện đã xuất khẩu tới nhiều nước. Điển hình là sản phẩm ống hút từ rau, củ, quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng. Giám đốc Hợp tác xã Lê Văn Tám cho biết, với diện tích 1.500m2, hợp tác xã phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ - nguyên liệu chính tạo ra loại ống hút thân thiện với môi trường. Một điều đặc biệt của sản phẩm này là ngoài công dụng chính dùng để uống nước thì còn có thể xào, luộc, nhúng lẩu, rán... Ống hút được làm từ 100% nguyên liệu hữu cơ, dây chuyền sản xuất được chuẩn hóa nên bảo đảm chất lượng. Mỗi ngày, hợp tác xã sản xuất khoảng 50.000 ống hút, cung cấp cho nhiều cơ quan, quán cà phê giải khát trên địa bàn Hà Nội và một số siêu thị nước ngoài: Hàn Quốc, Đức...
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện không ngừng nỗ lực tìm tòi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng cao, đứng vững trên thị trường. Trung bình, giá trị sản phẩm OCOP sau khi đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật đều tăng 15- 25%...
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao là một trong những yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Để nâng tầm sản phẩm OCOP, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm nông, lâm sản; đặc biệt là những sản phẩm thế mạnh...
Thanh Hóa: Đẩy mạnh chế biến, giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch
Tỉnh Thanh Hóa có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, tuy nhiên, phần lớn sản phẩm nông sản đều được thu hoạch và tiêu thụ dưới dạng thô nên giá trị kinh tế, khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
Là địa phương có diện tích sản xuất lúa thương phẩm lớn, hằng năm, trên diện tích khoảng 9.000 ha, sản lượng lúa của huyện Yên Định đạt khoảng 55.000 tấn. Do đó, để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, UBND huyện Yên Định đã khuyến khích, hỗ trợ các HTX dịch vụ nông nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư máy sấy lúa để bảo đảm chất lượng hạt gạo. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định, cho biết: Trước đây hầu hết lúa sau thu hoạch trên địa bàn đều được sơ chế theo hình thức thủ công và chủ yếu là phơi khô trên nền gạch, hình thức này phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nên nếu thu hoạch gặp mưa kéo dài, lúa dễ bị mọc mầm hoặc mốc, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tỷ lệ hao hụt bình quân khoảng 11- 13%. Vì vậy, để chủ động trong việc sơ chế, bảo quản, nhằm hạn chế tổn thất, nâng cao chất lượng cho các loại nông sản, từ năm 2016, UBND huyện đã cân đối nguồn kinh phí từ các chương trình hỗ trợ 3 HTX, 1 doanh nghiệp đầu tư lắp đặt máy sấy nông sản. Đến nay, toàn huyện hiện đã có 9 máy sấy các loại nông sản và chất lượng sản phẩm được nâng lên đáng kể.
Bên cạnh ứng dụng công nghệ sấy, các loại nông sản như rau, củ, quả, sản phẩm thủy sản được các doanh nghiệp, HTX đầu tư bảo quản trong hệ thống kho lạnh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới có 16 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm; với tổng công suất khoảng 3.000 tấn. Trong đó, có 2 doanh nghiệp có kho lạnh bảo quản các sản phẩm thịt, tổng công suất 800 tấn và 14 doanh nghiệp có kho lạnh bảo quản sản phẩm thủy sản, tổng công suất 2.200 tấn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục đơn vị đầu tư kho lạnh nhỏ, công suất khoảng 30m3.
Để giải bài toán khó cho việc giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn cho công nghiệp chế biến; hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách ưu đãi từ vốn để đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản nông sản và đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân...
Thời gian qua, không chỉ các doanh nghiệp mà các HTX, cơ sở sản xuất nhỏ cũng đã quan tâm đầu tư thiết bị chế biến hiện đại từ khâu thu hoạch, bảo quản, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị nông sản. Tiêu biểu, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh, xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc), đầu tư 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống máy sấy thăng hoa sản xuất bột và trà rau má túi lọc; HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công (Như Xuân), đầu tư hệ thống nhà lạnh, công suất 20 tấn để bảo quản sản phẩm cây ăn quả...
Anh Nguyễn Văn Mư, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh, cho biết: Đặc thù sản phẩm rau, củ là dễ bị dập nát, hư hỏng, vì vậy bảo quản sau thu hoạch giữ vai trò quan trọng. Việc khử khuẩn để loại bỏ vi sinh vật nhiễm vào rau giúp loại trừ các tác nhân làm cho rau dễ bị phân hóa, mau hỏng. Bên cạnh đó, từ năm 2019, HTX còn sản xuất cây rau má, quy mô lớn và sản lượng đạt hơn 30 tấn/ha/năm. Ngoài việc tiêu thụ trực tiếp rau má tươi, HTX còn chuyển sang chế biến một phần nhờ ứng dụng công nghệ sấy khô, tán bột, làm giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm.
Được biết, để đẩy mạnh sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch trên địa bàn, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với ngành nông nghiệp, rà soát và cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ 5 HTX xây dựng nhà xưởng sơ chế, kho lạnh, tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, các địa phương lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp đầu tư hệ thống sơ chế. Đây được xem là động lực để các doanh nghiệp, HTX thúc đẩy công tác sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch; góp phần nâng cao giá trị kinh tế.
Bắc Ninh: Hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất
Ngay sau khi dịch COVID-19 trong tỉnh được khống chế, các địa phương dần nới lỏng giãn cách xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới. Cùng với tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Hội Nông dân (HND) tỉnh thực hiện tốt hoạt động quản lý, giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) giúp hội viên thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và sản xuất kinh doanh của hội viên, nông dân nói riêng. Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân khắc phục những tổn thất do dịch bệnh gây ra, từng bước khôi phục, phát triển sau dịch, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã chỉ đạo HND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng các dự án vay vốn phát triển sản xuất; tiến hành thẩm định, giải ngân kịp thời nguồn vốn Quỹ các cấp. Đồng thời tuyên truyền người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nâng cao ý thức tự giác trong bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế và tham gia tiêm phòng vắc xin….”.
Theo phân bổ ngân sách năm 2021, UBND tỉnh cấp bổ sung cho nguồn Quỹ HTND tỉnh 10 tỷ đồng; Trung ương Hội cấp bổ sung 3,6 tỷ đồng. Để kịp thời giải ngân nguồn vốn được bổ sung và nguồn vốn quay vòng, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh tổ chức họp bàn phân bổ nguồn vốn cho 8 đơn vị HND cấp huyện. Chỉ đạo HND các huyện, thành phố, thị xã lựa chọn, xây dựng các dự án vay vốn phát triển sản xuất trên cơ sở tiềm năng sẵn có của địa phương, bảo đảm tính hiệu quả trong đầu tư; giải quyết tốt việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động. Công tác xây dựng, thẩm định dự án và giải ngân được đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, 100% nguồn Quỹ của Trung ương và tỉnh cấp bổ sung được giải ngân cho 169 hộ thuộc 26 dự án vay. Lũy kế, tổng nguồn vốn Quỹ HTND do các cấp HND quản lý hơn 98,74 tỷ đồng đã giải ngân cho 1.384 hộ nông dân thuộc 323 dự án, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4.000 lao động.
Xã Việt Đoàn (Tiên Du) trong đợt này có dự án “Trồng cây ăn quả” và “Mở rộng mô hình trồng rau an toàn” được vay vốn từ nguồn bổ sung Quỹ HTND. Ông Vương Hữu Dũng, Chủ tịch HND xã Việt Đoàn khẳng định: “Đây là 2 mô hình sản xuất đang đem lại hiệu quả cao. Được tiếp cận nguồn vốn với mức phí ưu đãi 0,25%/tháng từ nguồn Quỹ HTND của tỉnh sẽ giúp 2 dự án này có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.
Nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thích ứng tốt với những tác động của dịch COVID-19, HND các cấp tăng cường tuyên truyền hội viên, nông dân thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất; khuyến khích tích tụ ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Từ đó từng bước thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ, quy mô lớn; tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất, kinh doanh phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Ban Thường vụ HND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội cần xác định rõ trách nhiệm trong đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động hỗ trợ vốn, kết nối liên kết cung ứng vật tư sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm; kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản; tập huấn kỹ thuật và kỹ năng quản trị tổ chức sản xuất giúp nông dân khởi nghiệp; chuyển đổi số, tham gia sử dụng dịch vụ thương mại điện tử; phối hợp đào tạo nghề và đào tạo lại nghề cho lao động nông thôn, tăng khả năng thích ứng trong điều kiện thay đổi do dịch bệnh.
Dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã và có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nói riêng và nền kinh tế - xã hội của cả nước nói chung. Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, tổ chức HND tỉnh sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng tỉnh phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.