Thời điểm để thay đổi
09:59 - 17/09/2021
Trong 35 năm qua, kinh tế hộ đã đem lại sức sống mới cho sản xuất nông nghiệp, tạo nên những dấu ấn ấn tượng về kinh tế - xã hội, là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội ở nhiều thời điểm.

Ngay tại thời điểm này, khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới và trong nước, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thì trong 8 tháng qua, xuất khẩu nông sản của chúng ta vẫn đạt trên 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất siêu 3,3 tỷ USD. Con số vô cùng ý nghĩa.

Xuất khẩu nông sản đạt trên 32,1 tỷ USD


Tuy vậy, trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp nói chung đã lộ những điểm yếu về nhiều mặt: Khai thác thế mạnh tiềm năng không toàn diện, chất lượng nông sản không đồng đều, khó đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao chậm,… Nguyên nhân đã được chỉ ra từ lâu. Đó là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, theo phong trào. Mặc dù nhiều giải pháp đã được các tư lệnh ngành nông nghiệp đưa ra tại nhiều phiên chất vấn tại nhiều kỳ họp của nhiều khóa Quốc hội gần đây, nhưng… việc triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, có chất lượng, có trách nhiệm. 
 

Những điểm yếu này bộc lộ càng rõ khi xảy ra đại dịch Covid-19 năm 2020 và lên “đỉnh” khi bùng phát đợt dịch lần thứ tư từ 27/4/2021 đến nay.
 

Còn nhớ, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đưa ra chiến lược “8 chuyển” (chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng; chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị; chuyển từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra; chuyển từ hỗ trợ kinh tế hộ sang hỗ trợ kinh tế tập thể; chuyển từ quan tâm đến xuất khẩu sang chú trọng hài hòa cả xuất khẩu với thị trường nội địa). Và ông cho rằng: Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã là vấn đề sống còn, là nền tảng để xóa đi hình ảnh nhỏ lẻ, manh mún, tự phát của nông nghiệp. Việc chuyển từ hỗ trợ kinh tế hộ sang hỗ trợ kinh tế tập thể là chiến lược tiếp cận mới, là đột phá khẩu.
 

Tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản mới đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Phải nhanh chóng kết nối các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, lưu thông, tiêu thụ nông sản. Tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân trên cơ sở ba trụ cột Nhà nước – Thị trường – Xã hội. Ông cho rằng, tất cả đều phải thay đổi, cả người sản xuất, người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều phải thay đổi. Thay đổi để phát triển hình ảnh, chất lượng, giá trị của nông sản Việt...
 

Làn sóng thứ tư dịch Covid-19 kéo gần 5 tháng qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Không chỉ người nông dân gặp khó, doanh nghiệp lao đao mà cơ quan quản lý cũng phải căng mình tìm giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Từ thực tế đó, thấy đây là thời điểm thích hợp để ngành nông nghiệp thực hiện chiến lược “8 chuyển” vì cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhất là người sản xuất đã thấu rõ việc phải thay đổi cung cách làm ăn, quản lý phù hợp với sản xuất lớn và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với internet vạn vật, blockchain,… Ở thời điểm này, lợi ích của liên kết, kết nối qua internet, áp dụng công nghệ trong điều hành, sản xuất, tiêu thụ,… là rất rõ ràng, ai cũng thấy rõ.
 

Nhiều chuyên gia cho rằng, để “8 chuyển” sớm vào cuộc sống, trước hết, ngành nông nghiệp cần lựa chọn sản phẩm, ngành hàng, địa bàn, địa phương, doanh nghiệp làm mô hình điểm và cơ quan chức năng chỉ đạo theo quan điểm phục vụ, hỗ trợ, giúp đỡ. Trên cơ sở thực tế, xây dựng lộ trình nhân ra diện. Để kế hoạch vận hành thông suốt, Bộ trưởng cần sớm chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng hệ thống cơ chế chính sách mới về những vấn đề liên quan trên cơ sở tiếp cận mới, phù hợp với “8 chuyển”, nhất là tập trung và tích tụ đất đai, phát triển kinh tế hợp tác và liên kết, đào tạo nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ hạ tầng sản xuất, hạ tầng thông tin và quảng bá thương hiệu.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn