Sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử: Kẻ khóc người cười
10:36 - 30/08/2021
Cũng là sản phẩm OCOP nhưng khi lên sàn thương mại điện tử, người thì bán rất chạy, đơn hàng tới tấp còn người thì ế ẩm.
Nhiều sản phẩm OCOP tại Hải Phòng đã lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều sản phẩm OCOP tại Hải Phòng đã lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đinh Mười.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai.

Vấn đề này sau đó đã nhanh chóng được các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP hưởng ứng do phù hợp với xu thế thị trường và một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến việc bán hàng trực tiếp bị ảnh hưởng.

Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng là đơn vị trực tiếp đứng ra hỗ trợ các chủ thể kết nối với Công ty TNHH F24 và Bưu điện TP Hải Phòng để đưa sản phẩm OCOP địa phương lên sàn thương mại điện tử.

Đến nay đã có 5 chủ thể hoàn thành đăng ký với tổng số 15 sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử như: Shopee, Nowfesh, Voso và Postmart.

Bên cạnh đó, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng cũng đang đứng ra kết nối giúp 45 doanh nghiệp nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử và đưa 106 mã hàng sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Một hội nghị kết nối đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đinh Mười.

Một hội nghị kết nối đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đinh Mười.

Về cơ bản, đây là kênh bán hàng tốt, và là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch.

Mặt khác, thông qua sàn thương mại điện tử còn giúp doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin hữu ích diễn biến của thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản,... để có thể điều chỉnh phương án kinh doanh phù hợp.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, cũng có nhiều vấn đề xảy ra ngoài dự tính khi có những sản phẩm bán rất tốt trong khi có những sản phẩm gần như “dậm chân tại chỗ” do đặc thù liên quan đến thực phẩm đông lạnh hoặc những sản phẩm liên quan đến lúa, gạo.

Anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc HTX mật ong rừng ngập mặn Tùng Hằng cho biết, dù mới vào đưa sản phẩm lên sàn thường mại điện tử được 2 tháng nhưng HTX bán được hơn 200 lít mật ong rừng ngập mặn, sự khởi đầu rất thuận lợi.

Trước đây, HTX chỉ kinh doanh thông qua những mối hàng quen biết truyền thống, họ lấy hàng rất đều và trong mọi hoàn cảnh đều tìm đến để mua, nhưng việc bán hàng chậm và không được nhiều.

Tuy nhiên, từ khi lên sản thương mại điện tử, hàng trăm lít mật ong được bán là những khách hàng mới, từ khắp mọi nơi. Những khó khăn về tiêu thụ hàng hóa cho HTX do dịch Covid-19 phần nào được xử lý.

“Bây giờ tôi mới cảm nhận được việc bán hàng cần phải áp dụng đa phương thức, trong đó tham gia thương mại điện tử là cần thiết. Đây là hướng phát triển tôi thấy rất tốt, bản thân tôi hiện nay đã cảm thấy mình có bước tiếp cận các kênh bán hàng hơi chậm”, anh Tùng phấn khởi.

Cũng là sản phẩm OCOP nhưng do đặc thù, một số sản phẩm lại không thể bán được hàng khi tham gia sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đinh Mười.

Cũng là sản phẩm OCOP nhưng do đặc thù, một số sản phẩm lại không thể bán được hàng khi tham gia sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đinh Mười.

Trái ngược với sản phẩm mật ong rừng ngập mặn của HTX Tùng Hằng và nhiều sản phẩm kinh doanh tốt, một số sản phẩm OCOP khác đã lên sàn thương mại điện tử như Chả Rươi, Gạo Ruộng Rươi,… thì ế ẩm thông qua kênh bán hàng này.

Chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại Thụy Hương buồn bã cho biết, do đặc thù của sản phẩm là gạo, người tiêu dùng cần dùng ngay và có thể mua bất cứ chỗ nào nên việc bán sản phẩm này qua các sàn thương mại điện tử có doanh số rất thấp, không như kỳ vọng.

Trong khi đó, đại diện một số sản phẩm liên quan đến thực phẩm đông lạnh thừa nhận, do khâu vận chuyển của đối tác khó đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo hàng hóa giữ được chất lượng nên sau khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, việc giao dịch gần như không được thực hiện.

Theo Chi cục phát triển nông thôn Hải Phòng, thành phố đang có 47 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP và hiện tại đang có 81 sản phẩm của 27 tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình.

Trong thời gian tới, ngoài thực hiện chức năng chuyên môn, các đơn vị sẽ tiếp tục kết nối, hỗ trợ các đơn vị, tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP có phương án tiêu thụ sản phẩm đa dạng

Qua đó, không chỉ giúp đơn vị, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP mà còn giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian trên kênh phân phối mới hiện đại và bền vững.

ĐINH MƯỜI
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn