Các đơn vị, HTX ở các vùng rau trọng điểm của Bình Định chuyển mạnh sang các loại rau ăn lá ngắn ngày nhằm nhanh chóng phục vụ thị trường trong bối cảnh dịch bệnh.
Tập trung rau ăn lá ngắn ngày
Anh Trần Bảo Diệp (sinh năm 1988) ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân, Bình Định), Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao La’sfarm Ân Phong có 2.000m2 nhà màng. Tước đây, anh dự kiến sẽ trồng dưa lưới, dưa leo, cà chua, trong đó chiếm nhiều nhất là dưa lưới với 1.500m2.
Thế nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát trên khắp cả nước, nhiều địa phương hạn chế việc đi lại, dự lường nguồn rau xanh nhập về Bình Định từ các tỉnh ngoài sẽ hạn chế, dẫn tới nguồn rau cung ứng cho người tiêu dùng trong tỉnh nguy cơ bị thiếu, nên anh đã chuyển nhiều diện tích sang trồng rau ăn lá.
“Ðể thích ứng với điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, những diện tích đất ngoài trời tôi đã cho chuyển sang canh tác rau ăn lá ngắn ngày như rau cải, dưa leo, rau gia vị... Trên diện tích này tôi phân chia làm nhiều luống, xuống giống rải thưa ngày để luân phiên thu hoạch, đảm bảo có hàng liên tục cung ứng cho người tiêu dùng. Khoảng gần 20 ngày nữa là số diện tích xuống giống đợt đầu sẽ cho thu hoạch”, anh Diệp cho hay.
Người trồng rau ở vùng sản xuất rau an toàn của HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) còn linh động trong sản xuất hơn vào thời điểm này. Theo ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp, trên địa bàn HTX có 13,5ha diện tích trồng rau xanh tập trung tại thôn Luật Chánh.
Hiện sức tiêu thụ rau trên thị trường rất mạnh nên bà con đang tranh thủ sản xuất. Để kịp thời phục vụ nhu cầu, bà con đã chuyển mạnh sang trồng các loại rau ăn lá, những loại rau cực ngắn ngày, chỉ 20 - 25 ngày là thu hoạch nhằm nhanh xoay vòng mùa vụ, tăng sản lượng thu hoạch.
Ông Phạm Long Thăng cho biết thêm, hiện hệ thống Co.opmart ở Bình Định thu mua rau rất mạnh, mức thu mua tăng khoảng 30 - 40%. Nếu như trước đây mỗi ngày siêu thị Co.opmart chỉ thu mua 300kg thì hiện tăng đến 450 - 500kg.
Để đảm bảo nguồn cung, HTX bố trí lại kế hoạch sản xuất. Nếu trước đây sau khi thu hoạch rau, đất được nghỉ khoảng 1 tháng rưỡi mới trồng lại vụ mới, nay thời gian đất nghỉ chỉ còn nửa tháng là bà con gieo giống mới.
Để bồi dưỡng cho đất, hiện bà con bón bổ sung thêm nhiều phân hữu cơ và phân chuồng hơn so với trước đây. HTX cũng đã đăng ký xây dựng phương án bình ổn giá trong mùa dịch với sản lượng cung ứng mỗi ngày khoảng 800 kg rau xanh các loại.
Cước vận chuyển rau tăng 4 - 5 lần
Ở vùng rau VietGAP Thuận Nghĩa thuộc Thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định), hơn 220 hộ dân trồng rau ở đây hiện cũng đang tăng tốc quay vòng các vụ rau ăn lá để kịp cung ứng cho thị trường.
Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, hiệ HTX cung ứng ra thị trường đến 1,5 - 2 tấn rau/ngày đạt tiêu chuẩn VietGAP. Rau xanh VietGAP của nông dân ở đây trồng đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tín nhiệm, nên việc tiêu thụ rất hanh thông. Không chỉ các siêu thị, nhà hàng trên địa bàn tỉnh, mà cả tiểu thương tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ cũng mua mạnh rau xanh Thuận Nghĩa.
HTX Thuận Nghĩa khẳng định, hiện hệ thống siêu thị ở Quy Nhơn và tiểu thương thu mua rau xanh rất mạnh, dù sức tiêu thụ có mạnh mấy HTX vẫn dư sức cung ứng. Ngoài cung ứng cho thị trường, bà con trồng rau ở đây còn hướng lòng về vùng dịch TP.HCM.
"Vừa rồi, theo vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định và huyện, bà con trồng rau trên địa bàn mỗi người đóng góp 30 - 40 kg rau các loại, những người không trồng rau thì mua rau đóng góp vào để gửi ủng hộ bà con vùng dịch trong TP. HCM 4 xe tải gần 4 tấn rau”, ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa chia sẻ.
Nông trại Yuuki Farm của anh Trịnh Hưng Công ở thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu (Thị xã An Nhơn, Bình Định) được bố trí thành nhiều khu riêng biệt trồng củ quả, ngũ cốc và các loại rau ăn lá. Tuy nằm trong vùng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhưng rau của nông trại anh Công hiện vẫn vận chuyển về TP Quy Nhơn tiêu thụ thuận lợi, không có gì trắc trở, duy chỉ có tiền công vận chuyển tăng gấp 4 - 5 lần so với trước đây.
Anh Công cho biết: Vận chuyển rau đi tiêu thụ trong tỉnh chỉ cần giấy giới thiệu của địa phương, tài xế có xác nhận test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và giấy đi đường của đơn vị là thông suốt. Chỉ có giá cước vận chuyển là tăng cao.
"Nếu như trước đây gửi 70kg rau từ An Nhơn đi Quy Nhơn tiền cước chỉ có 70.000 đồng thì nay tăng đến 250.000 đồng. Tuy nhiên, nhà vườn vẫn bán rau theo giá trước đây, không tăng đồng nào. Ví như 1 bịch rau xà lách hoặc cải bó xôi trước đây nhà vườn bán 17.000 đồng/bịch thì nay giá vẫn thế, chi phí vận chuyển tăng thêm nhà vườn không tính vào rau để góp phần bình ổn giá”, anh Công chia sẻ.
“Hiện trên địa bàn Bình Định đã có nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19, trong đó có Thị xã An Nhơn. Trong khi An Nhơn hiện là vựa rau của Bình Định với 6 vùng chuyên trồng rau xanh chuyên canh.
Qua theo dõi, chúng tôi thấy rau xanh ở An Nhơn và ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh hiện rất dồi dào và đang tiêu thụ tốt, vận chuyển thông suốt và được bán với giá rất bình ổn”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.