Từ một vùng đất cằn cỗi đầy sỏi cơm, khu vực phía tây Thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) ngày nay đã trở thành vựa trái cây trù phú.
Người Hưng Yên khai phá Phổ Yên
Các xã miền tây của Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) trước đây vốn được coi là vùng đất hoang vu, cằn cỗi, một số xã giáp sườn đông dãy Tam Đảo, xã giáp đỉnh đèo Nhe. Đất để hoang thì nhiều nhưng đất để làm thì ít.
Những đồi sỏi cơm không thể trồng màu, mà cũng chẳng thể khai phá để trồng chè. Từ khoảng hơn 1 thập kỷ trở lại đây, phong trào trồng cây ăn quả của miền tây Phổ Yên phát triển mạnh mẽ. Miền tây Phổ Yên đã trở thành vựa trái cây lớn của tỉnh Thái Nguyên.
Người có đóng góp lớn vào khai phá đất cằn và hình thành vùng cây ăn quả ở xã Minh Đức (Thị xã Phổ Yên) là ông Phạm Văn Trinh (xóm Thuận Đức).
Ông Trinh quê gốc ở Khoái Châu (Hưng Yên). Khi lên thăm nhà người thân ở Minh Đức, ông băn khoăn suy nghĩ, tại sao dân ở đây lại để đất hoang, hoặc có trồng thì toàn những loại cây có giá trị kinh tế thấp. Trong khi dưới quê ông, bà con tận dụng từng thẹo đất nhỏ để trồng cây.
Ông bàn với người thân và mua được 1ha đất cằn cỗi của Nông trường Bắc Sơn (cũ). Sau nhiều lần tìm hiểu, nhận thấy chất đất ở đây có thể cải tạo để trồng một số loại cây ăn quả, năm 2000, ông bắt tay vào làm kinh tế.
Ông thuê máy xúc cào xới toàn bộ bề mặt đất cằn cỗi, rồi rải phân hữu cơ, tạo độ tơi xốp để trồng cây ăn quả. Sau hơn 2 năm, vườn cam đã cho thu quả ngọt đầu tiên, lãi hơn 50 triệu đồng. Qua các năm, hiệu quả kinh tế ngày càng gia tăng. Đến năm 2013, ông Trinh cùng một người bạn mua thêm phần đất 2 ha của Nông trường Bắc Sơn để tiếp tục cải tạo và trồng các loại bưởi, cam Vinh, ổi đường, nhãn...
Khẳng định hướng đi hiệu quả, ông Chinh rủ thêm anh em ruột dưới quê lên cùng nhau tích tụ, khai khẩn đất hoang. Đáng quý là những người Hưng Yên tới miền quê mới đều sẵn sàng chia sẻ tất tần tật những gì có được với người dân địa phương để cùng nhau trồng cây, hái quả.
Đến nay, với diện tích hơn 3 ha cây ăn quả, bình quân mỗi năm, ông Trinh thu nhập khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Mô hình của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trinh cũng cung ứng các loại giống cây ăn quả và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con quanh vùng.
Những "chuyên gia" cây ăn quả gạo cội
Tại xã Minh Đức, vùng trồng cây ăn quả có quy mô 150 ha. Hiện Tổ hợp tác trồng cây ăn quả tập trung tại xóm Thuận Đức (xã Phúc Thuận) đang được hỗ trợ để xây dựng cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên quy mô xấp xỉ 10 ha.
Ông Nguyễn Văn Hằng (Tổ trưởng tổ hợp tác Thuận Đức) cho biết, khi những người Hưng Yên lên đây trồng cây ăn quả và nhanh chóng có thu nhập cao, người dân địa phương cũng đã làm theo. Gia đình ông Hằng có 1 ha bưởi, mỗi năm thu được xấp xỉ 200 triệu đồng. Ông tâm tình, chính người dân bản địa phải biết ơn những người Hưng Yên rất nhiều. Họ không chỉ mang đến hướng làm ăn hiệu quả cho bà con mà còn chia sẻ cả kinh nghiệm kỹ thuật truyền thống.
Thời gian qua, khi ngành nông nghiệp địa phương vào cuộc hỗ trợ bà con xây dựng mô hình cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, tất cả các thành viên trong tổ hợp tác đều quyết tâm đồng thuận. "Bây giờ theo nhu cầu của xã hội nên chúng tôi phải sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn, phải sạch, ngon, chất lượng và an toàn phải đặt lên hàng đầu", ông Hằng nói.
Lưu ý về kỹ thuật trồng bưởi, ông Hằng chia sẻ: Trước đây, vì tham nên bà con thường trồng dày. Nhiều cây nhưng sản lượng lại thấp. Phân bón thì nên dùng phân hữu cơ ủ hoai mục mới bón, tránh bón tươi, cây sẽ bị tuyến trùng ngay.
Bón phân phải rạch đất theo mép tán, sau khoảng 7 - 10 ngày mới bón. Bưởi hay bị rệp sáp, rệp kim. Chỉ cần trộn hỗn hợp các loại bột tỏi, ớt, gừng rồi cho một chút dầu rửa thảo mộc vào phun thì cây sẽ xanh lá lại ngay".
Ở xã Minh Đức, những người "gạo cội" về kỹ thuật trồng cây ăn quả VietGAP phải kể tới như ông Phạm Văn Xuất, Phạm Văn Khởi, Phạm Văn Trinh..., những người quê gốc Hưng Yên.
Họ bảo trồng cây ăn quả không quá nặng nhọc, nhưng lại nhiều việc như làm cỏ, vun gốc, bón phân, theo dõi sâu bệnh... Để đảm bảo được năng suất, chất lượng cao, ngoài việc xử lý ra hoa, vấn đề quản lý sâu bệnh hại cũng quan trọng không kém.
Trên cây cam, bưởi thường xuất hiện những loại sâu bệnh gây hại phổ biến ở giai đoạn chồi non như nhện đỏ, sâu vẽ bùa. Do vậy, sau mỗi lần thu hoạch, cần cắt tỉa cành cho thông thoáng, tưới nước, bón phân thúc đẩy cây nảy mầm tập trung.
Với cành, nhánh bị sâu hại quá nhiều, có thể cắt bỏ, tiêu hủy để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan cả vườn. Nên đào giếng khoan, hút nước để tưới cho cây hằng ngày. Sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và đảm bảo cách ly 15 - 20 ngày mới thu hái và mang đi tiêu thụ.
Từ những cách làm trên, sản phẩm của Tổ hợp tác Sản xuất trái cây VietGap Thuận Đức làm ra luôn đảm bảo chất lượng, được người dân tin tưởng, thương lái ở Hà Nội, Hưng Yên đến tận vườn thu mua với giá cao hơn hẳn giá thị trường.
Đánh giá cao kết quả thu được từ mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap tại xóm Thuận Đức (xã Phúc Thuận), ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Phổ Yên cho biết, kết quả đó sẽ là cơ sở để Thị xã quyết tâm xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung.
Đặc biệt là việc mạnh dạn áp dụng các quy trình sản xuất mới, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.
Hiện nay, Thị xã Phổ Yên đã xây dựng kế hoạch phấn đấu phát triển, duy trì vùng trồng cây ăn quả tập trung theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với diện tích 2.700 ha.