Xuất khẩu cá tra: Chưa kịp mừng đã vội lo
12:41 - 09/08/2021
6 tháng đầu năm 2021, với kết quả tăng trưởng dương 17% so với nửa đầu năm 2020, thể hiện sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, tiêu thụ tại thị trường nước ngoài chưa nhiều biến chuyển. Tuy nhiên, chưa kịp mừng đã vội lo khi ngành hàng này đang gặp khó ở cả đầu sản xuất cũng như thị trường xuất khẩu.
Theo VASEP, tính tới cuối tháng 5/2021, khoảng gần 25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam thoái lui khỏi thị trường EU

Điểm sáng ở thị trường Mỹ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 142,6 triệu USD, tăng 28,1%. Tính tới hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 780,9 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả tích cực này đem lại niềm lạc quan cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã từng bước hồi phục và tăng trưởng dương. Tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 34,4 triệu USD, tăng 68%. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 168,7 triệu USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Cuối tháng 6/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ ngày 01/8/2018 - 31/7/2019. Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Đây là tin vui cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Dự báo, trong quý tới, mức tăng trưởng dương này sẽ còn được duy trì.

Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, nửa đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang khối nước CPTPP tăng nhẹ 8,8%, đạt 108,4 triệu USD. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tích cực chuyển hướng xuất khẩu sang Mexico, Canada và Australia khi thị trường EU, ASEAN bị gặp khó. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu sang Mexico đạt 37 triệu USD, tăng 78,3%; sang Canada đạt 18,1 triệu USD, tăng 17,7% và sang Australia đạt 15,4 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khó khăn bủa vây

Kết quả lạc quan này chưa kéo dài được lâu thì muôn vàn trở ngại lại xảy đến với cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đều đang “ngồi trên đống lửa” vì lo phòng dịch Covid-19. Nếu lực lượng lao động thủy sản không sớm được chích ngừa vắc xin thì hoạt động sản xuất trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp cá tra, hiện nay việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng nuôi về nhà máy, vận chuyển hàng hóa đi TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn. Tuần trước, nhiều container hàng thủy sản bị ách tắc tại các chốt kiểm soát vì tài xế vận chuyển hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Bất cập còn đến từ nguyên liệu chờ kiểm dịch ở cảng. Hiện 80 - 85% thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm là các sản phẩm để sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Do tình hình chống dịch khó khăn, Cơ quan Thú y Vùng 6 chỉ chấp nhận tiến hành kiểm dịch các lô hàng thủy sản tại cảng. Còn nếu doanh nghiệp mang hàng về kho của doanh nghiệp (theo quy định từ trước tới nay) thì phải chờ đến hết dịch Covid-19, cán bộ thú y mới tới kiểm hàng được. Điều này thì bất khả thi cho sản xuất kinh doanh. Việc ách tắc ở khâu kiểm tra nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chế biến của các doanh nghiệp thuỷ sản. VASEP và các doanh nghiệp thuỷ sản đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Cục Thú y xem xét có phương án hỗ trợ cho việc duy trì sản xuất kinh doanh, lưu thông được hàng hoá, nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Ở đầu xuất khẩu, 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 206,5 triệu USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 11,3%. Ông Dương Nghĩa Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho biết, mặc dù Trung Quốc là một trong những điểm sáng cho thị trường cá tra năm nay, tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc lại có xu hướng chững lại do các yêu cầu kiểm dịch khắt khe với thực phẩm đông lạnh.

EU một trong những thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, nhưng theo VASEP, tính tới cuối tháng 5/2021, khoảng gần 25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam thoái lui khỏi thị trường EU. Cước vận tải biển quốc tế tăng gấp 5-7 lần, trong khi đó, giá xuất khẩu tại nhiều thị trường đứng im nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khó duy trì doanh thu, thị phần ở thị trường này. Tính đến nửa đầu tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 51 triệu USD, giảm 21% so với năm 2020.

Liên quan đến thị trường EU, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP - cho hay, không phải các doanh nghiệp rút khỏi thị trường EU hoàn toàn. Dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, giá cước container tăng vọt trong khi giá xuất khẩu cá tra sang EU vẫn ở mức thấp, chưa hấp dẫn, buộc doanh nghiệp phải chuyển hướng, tìm kiếm thị trường "dễ thở" hơn. Nếu cầm cự và tồn tại được qua giai đoạn này, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU vẫn có nhiều dư địa và lợi thế thuế quan từ EVFTA.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - cho hay, hiện nay cái khó của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn là chi phí vận chuyển, giá container. Cước tàu đi EU tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước khi bùng dịch Covid-19, từ 2.000 USD/cont lên 11.000 USD/cont. Với những chi phí như vậy, doanh nghiệp không có lãi và tạm dừng xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này chỉ diễn ra trong ngắn hạn bởi khu vực này vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường EU mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi trở lại.

Hiện cả nước có 6.000ha nuôi cá tra, sản lượng đạt 1,7 triệu tấn và mang lại giá trị xuất khẩu hơn 2,2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường xuất khẩu cá tra có nhiều biến động. Các chuyên gia cho rằng, giải pháp quan trọng là cần xây dựng chuỗi liên kết và hệ thống cá tra 3 cấp gồm: Viện nghiên cứu; trung tâm, doanh nghiệp, trại cá giống; các vùng nuôi cá tra thương phẩm. Ngành cá tra cần phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao sức cạnh tranh đồng thời giải quyết hạ tầng, con giống, quy trình nuôi và xúc tiến thương mại.

Trước những khó khăn của ngành hàng này, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết, hiện, Bộ cũng đang tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường xuất khẩu trong đó có thị trường EU và Trung Quốc, nhằm tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn