Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh tăng 53,5% nhờ UKVFTA
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Anh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 146,5 triệu USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2020. Vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam khai thác, đặc biệt là việc tận dụng hiệu quả ưu đãi lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (Hiệp định UKVFTA).
|
Xưởng sản xuất của Công ty CP chế biến gỗ nội thất Pisico (Bình Định) |
Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh tăng 53,5%
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 146,5 triệu USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Anh như đồ gỗ xây dựng, ghế ngồi, nội thất nhà bếp, phòng ngủ, nội thất khác đều tăng từ 16% đến 47% trong nửa đầu năm 2021.
Phân tích từ số liệu thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, mặt hàng đồ gỗ sử dụng trong xây dựng như cửa gỗ, ván sàn, nép cửa,... có giá trị xuất khẩu đạt 3,46 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ. Mặt hàng ghế ngồi đạt 20,12 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Nội thất nhà bếp xuất đạt 6,7 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.
Nội thất văn phòng đạt 17,69 triệu USD, tăng 17%. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng nội thất bằng gỗ khác đạt 41,78 triệu USD, tăng 23%. Riêng sản phẩm bộ phần đồ gỗ giá trị xuất khẩu trong 5 tháng giảm 5%, chỉ đạt 2,58 triệu USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Anh trong 5 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 0,97 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Anh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Ba Lan với tỷ trọng nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 53,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh. Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 3 cho Anh, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,5% trong tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Anh.
Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam trong thời gian qua, đặc biệt tại các trung tâm chế biến gỗ của nước ta như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh làm nhiều doanh nghiệp ngành gỗ phải giãn cách hoặc đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo, trong quý III và IV năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh sẽ giảm so với những tháng đầu năm do tác động của dịch bệnh Covid-19 tại thị trường trong nước, nhưng so với năm 2020 sẽ tăng từ 10-12%.
Tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA
Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%). Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đồ gỗ là một trong các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ Hiệp định UKVFTA. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam khai thác.
Mặt khác, nhờ giá cả có tính cạnh tranh cao, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao. Gỗ cao su từ Việt Nam cũng là loại gỗ mà Anh hay cả EU đều không trồng được nhiều. Đây là những lợi thế của gỗ và sản phẩm gỗ Việt tại thị trường Anh.
Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như IKEA, nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn nhất tại Anh.
Hiệp định UKVFTA cũng sẽ giúp cân bằng lợi thế trong sân chơi thương mại cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Anh. Đồng thời, gia tăng tính minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng. Từ đây, thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn Anh quốc sẽ giúp hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ dễ dàng thâm nhập nhiều thị trường khác.
Ngoài ra, UKVFTA không chỉ giúp tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này sang Anh mà còn tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngành chế biến gỗ.
Giống như các FTA khác của Việt Nam, Hiệp định UKVFTA không chỉ toàn "màu hồng". Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Để khai thác hiệu quả lớn từ Hiệp định UKVFTA, các doanh nghiệp ngành gỗ cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường. Song song với đó, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ nhiều thứ 6 vào thị trường Anh sau Trung Quốc, Ý, Đức, Ba Lan, Mỹ.