Nuôi "gà khổng lồ", chạy nhanh vô đối, toàn ăn đồ rẻ tiền, anh nông dân Lào Cai cứ bán 1 con thu 8-10 triệu
12:46 - 02/08/2021
Thời gian gần đây, anh Phạm Ngọc Dân ở thôn Lương Hải, xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã thử nghiệm mô hình nuôi đà điểu và đạt kết quả bước đầu.
Anh Phạm Ngọc Dân, thôn Lương Hải, xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) chăm sóc đà điểu.


Trang trại đà điểu của gia đình anh Dân nằm cách xa khu dân cư. Nhìn đàn đà điểu 30 con như những con gà khổng lồ đang sải chân trên khu đất bằng phẳng, anh thầm vui bởi sự mạnh dạn của mình đã được đền đáp.
 

Trước đây, vợ chồng anh Dân đầu tư trang trại chăn nuôi gà, lợn, vất vả nhiều năm nhưng lãi chẳng được bao nhiêu bởi giá con giống, thức ăn ngày càng tăng, đến khi xuất bán thì thị trường bấp bênh, 2 năm trở lại đây còn lỗ vốn vì dịch bệnh liên tiếp xảy ra. 

Đầu năm 2019, trong chuyến về xuôi thăm người thân, khi được vào tham quan một trang trại nuôi đà điểu, anh thấy hấp dẫn nên xin ở lại trang trại học hỏi kinh nghiệm. 

Sau đó, anh mua 5 con giống tại đây về nuôi thử, mỗi con 2 triệu đồng. Anh Dân chia sẻ rằng, do mô hình nuôi đà điểu còn mới lạ ở địa phương, bản thân lại chưa nắm vững kỹ thuật, cách chăm sóc nên ban đầu anh chỉ nuôi thử nghiệm, vừa nuôi vừa theo dõi đặc tính sinh hoạt, thói quen ăn uống của vật nuôi này để điều chỉnh.

Một thời gian sau thấy đà điểu lớn nhanh, dễ nuôi, anh tiếp tục vay vốn mua thêm 30 con để nuôi. Anh cũng tận dụng khu vực nuôi lợn trước kia, cải tạo thành trang trại quy mô, kiên cố. 

Đà điểu thương phẩm sau khi nuôi từ 8 tháng đến 10 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 90 kg đến 120 kg mỗi con, hiện giá thị trường là 8 triệu đến 10 triệu đồng/con, tiêu thụ khá thuận lợi. Nếu giá cả tiếp tục ổn định, lứa đà điểu đầu tiên này có thể mang lại cho gia đình anh Dân khoản lợi nhuận cả trăm triệu đồng.

Anh Dân cho biết, so với mô hình nuôi lợn, gà thì nuôi đà điểu nhàn hơn, vật nuôi này có sức đề kháng tốt, rất dễ nuôi, thức ăn tương đối đơn giản, chủ yếu là ngô, rau củ, quả, cỏ voi… 

Đây đều là những thứ có thể tận dụng ở địa phương. Quan trọng nhất là khu vực nuôi phải rộng, bằng phẳng và trải cát vì đà điểu ưa tắm cát để làm sạch cơ thể. Anh Dân bảo, để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, anh sẽ cố gắng học hỏi, làm chủ kỹ thuật cho đà điều ấp nở, từng bước tự chủ con giống.

Ông Hoàng Trên Đồn, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết, mô hình nuôi đà điểu của anh Phạm Văn Dân là cách làm kinh tế mới của nông dân Lương Sơn. Cấp ủy đảng, chính quyền xã luôn khuyến khích những mô hình mới, cách làm hay như thế tại địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân.

Khi trang trại của anh Dân bước đầu thành công, nhiều hộ ở Lương Sơn và khu vực lân cận của huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai đã đến học hỏi kinh nghiệm và đều được anh tận tình chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật.

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn