Covid-19, 'thuốc thử liều cao' cho mối liên kết sản xuất
10:22 - 30/07/2021
Dịch bệnh Covid-19 như 'thuốc thử liều cao', cho thấy những mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản vẫn có thể đứng vững trước những khó khăn, đứt gãy của thị trường.

Làm ăn liên kết, thong dong mùa dịch bệnh

Từ đầu tháng 7/2021 đến nay do tác động dịch Covid-19 nên tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản tại HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) không được thuận lợi như trước đây. Nhưng bù lại, nhờ có liên kết tiêu thụ với siêu thị Vinmart ở các tỉnh ĐBSCL từ trước nên hiện tại các mặt hàng trái cây của HTX vẫn được xuất bán ra đều với giá chấp nhận được.

Các mặt hàng cam, quýt của HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới vẫn đảm bảo được tiêu thụ tại kênh siêu thụ nhờ đã có hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm ổn định từ lâu. Ảnh: LHV.

Các mặt hàng cam, quýt của HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới vẫn đảm bảo được tiêu thụ tại kênh siêu thụ nhờ đã có hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm ổn định từ lâu. Ảnh: LHV.

Ông Tống Văn Phong, Giám đốc HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới cho biết: Hiện nay, do các chợ đầu mối của TP.HCM đóng cửa nên việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhiều vườn quýt tới ngày thu hoạch nhưng vẫn còn treo trái trên cây chờ thương lái đến mua, nhiều loại trái cây giá cũng giảm rất mạnh so với ngày thường.

Mặc dù tình hình chung có nhiều khó khăn, song hiện nay, nông sản của các nhà vườn trong HTX vẫn có được đầu ra ổn định. HTX vẫn đóng hàng cho siêu thị nên vấn đề đầu ra cho các sản phẩm trái cây của HTX như cam xoàn, quýt đường vẫn ổn định (giá có giảm hơn lúc trước vài ngàn đồng/kg).

“Trong thời điểm này hàng hóa lưu thông được, thương lái đến tận nhà mua trái cây, bà con ra vườn thu hoạch nông sản được là mừng lắm rồi. Cho dù giá cả có giảm chút đỉnh nhưng phải chấp nhận thôi vì đó là tình hình chung trong bối cảnh ai nấy đều phải thực hiện phòng chống dịch Covid-19”, ông Phong chia sẻ.

HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận (xã Long Thuận huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) nằm trong danh sách của Tổ công tác của Bộ NN-PTNT (Tổ công tác 970) để đăng ký cung ứng nông sản cho thị trường.

Hiện tại, HTX có khoảng 160 ha đang sản xuất rau màu. Trong đó, có hơn 14,7 ha được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp 1,5 - 2 tấn rau tươi các loại cho siêu thị. Các nhóm rau được ký kết tiêu thụ gồm cải xanh, cải ngọt, rau dền, củ cải, hành, rau muống... Để được cung cấp cho siêu thị Co.opmart, sản phẩm rau của HTX phải được cấp chứng nhận VietGAP.

Các sản phẩm rau an toàn của các HTX có liên kết tiêu thụ vẫn ổn định được tiêu thụ dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Đãm.

Các sản phẩm rau an toàn của các HTX có liên kết tiêu thụ vẫn ổn định được tiêu thụ dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Đãm.

Để có đầu ra sản phẩm ổn định trong mùa dịch bệnh đầy khó khăn này, ông Dương Minh Sang, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận cho biết: HTX đã mạnh dạn sản xuất theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, có hợp đồng đầu ra ổn định với các siêu thị và các doanh nghiệp như Công ty TNHH Chuỗi cung ứng thực phẩm Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (TP Cao Lãnh)…

HTX còn ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, thường xuyên với hệ thống nhiều cửa hàng tiện ích bán rau sạch ở trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, HTX và hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh đã thiết lập một mối liên kết qua lại rất bền vững. Nhờ đó, đầu ra cho rau an toàn của bà con HTX được tiêu thụ nông sản rất ổn định.

Vì vậy, khi có ảnh hưởng từ dịch bệnh, các hoạt động kinh doanh ít nhiều bị ngừng trệ, nhưng siêu thị Co.opmart luôn giữ đúng hợp đồng đã ký kết với HTX. Đặc biệt, giai đoạn đầu cao điểm thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu hàng hóa của người dân tăng cao, khoảng 100% so với ngày thường. Tuy nhiên, do đã ký kết hợp đồng trước với siêu thị nên HTX vẫn đảm bảo cung ứng đủ sản lượng cho đơn vị đã ký kết ban đầu.

Huy động ngành bưu điện vào cuộc

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Bưu điện tỉnh mở các điểm bán hàng tại các bưu cục trên địa bàn, kết nối tiêu thụ hàng nông sản hiệu quả.

Nông dân, các HTX cần giữ vững chất lượng sản phẩm, ngay cả trong khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhằm đảm bảo bền vững cho mối liên kết sản xuất. Ảnh: Đào Chánh.

Nông dân, các HTX cần giữ vững chất lượng sản phẩm, ngay cả trong khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhằm đảm bảo bền vững cho mối liên kết sản xuất. Ảnh: Đào Chánh.

Ông nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đơn vị đã phối hợp với Sở Công thương và Bưu điện tỉnh Kiên Giang làm với các huyện, thành phố để mở các điểm bán hành bình ổn giá tại các Bưu cục trên địa bàn.

Qua đó, đã góp phần cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, hợp tác xã và tạo thuận lợi cho người dân mua các mặt hàng thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội, hạn chế ra đường.  

Cụ thể, đã mở các điểm bán tại Bưu cục phường An Hòa, Vĩnh Thanh và Vĩnh Hiệp (TP Rạch Giá), Bưu cục Hòa Điền, Kiên Lương (huyện Kiên Lương) bà Bưu cục Thị trấn Thứ Mười Một (huyện An Minh). Các điểm bán này mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm ký rau, củ, quả các loại.

Ngoài ra, huyện Giồng Riềng đã tổ chức các gian hàng tiêu thụ nông sản ở thị trấn trung tâm huyện, bình quân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 2 tấn nông sản các loại cho bà con nông dân. Huyện Gò Quao đã kết nối tiêu thụ 25 tấn khóm qua tỉnh Tiền Giang… Tại huyện Vĩnh Thuận, qua khảo sát nhu cầu, những ngày cuối tháng 7 trên địa bàn huyện cần tiêu thụ khoảng 85 tấn tôm sú, 310 tấn tôm càng xanh và 27 tấn tôm thẻ chân trắng.

Việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh bán hàng online đã giúp bù đắp sự tụt giảm cho kênh tiêu thụ trực tiếp do dịch bệnh. Ảnh: TL.

Việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh bán hàng online đã giúp bù đắp sự tụt giảm cho kênh tiêu thụ trực tiếp do dịch bệnh. Ảnh: TL.

Theo đánh giá của Sở Công thương Kiên Giang, việc cung ứng hàng hoá thiết yếu trên địa bàn tỉnh những ngày qua giá cả ổn định, hàng hoá tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi có niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, không có hiện tượng thu gom, găm hàng, tăng giá.

Tuy nhiên, do thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách xã hội nên trong những những ngày gần đây, lượng khách tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống giảm khoảng 50%. Tuy nhiên, các đơn hàng online có tăng 15-20% so với ngày bình thường. Vì vậy, việc mở các điểm bán hàng qua hệ thống bưu điện, giao hàng tận nhà sẽ tạo thuận lợi cho người dân, hạn chế số người ra đường.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát tạo điều kiện cho lực lượng giao hàng của các hệ thống siêu thị, của hàng tiện lợi, công ty kinh doanh nông sản được hoạt động trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc giao hàng chỉ thực hiện trong phạm vi huyện, thành phố, không di chuyển từ địa bàn này qua địa bàn khác. Riêng các vùng đang thiết lập các vùng cách ly thì chỉ giao đến chốt gác.

CHÁNH VŨ – LINH ĐẢM
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn