Ngành nghề nông thôn cần thiết, tất yếu
09:46 - 19/07/2021
'Ngành nghề nông thôn, một lĩnh vực lớn còn rất nhiều dư địa và tiềm năng phát triển, chính là tương lai của người nông dân', Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam.

Vừa qua, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam lấy ví dụ từ câu chuyện nguồn lao động trong các khu công nghiệp để nhấn mạnh rằng ngành nghề nông thôn mang tính cần thiết và tất yếu trong xã hội hiện đại.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam tham quan khu xưởng Gốm Bồ Bát tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam tham quan khu xưởng Gốm Bồ Bát tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Minh Phúc.

"Hiện nay, nguồn nhân lực chính trong các khu công nghiệp có độ tuổi dao động từ từ 18 - 30, và sau 38 - 40 tuổi sẽ bị đào thải. Vậy thì bộ phận người nông dân bị thất nghiệp đó sẽ đi đâu về đâu? Chỉ có ngành nghề nông thôn, một lĩnh vực lớn còn rất nhiều dư địa và tiềm năng phát triển, mới chính là tương lai của người nông dân”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam trăn trở.

Chính vì vậy, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, cần phát triển ngành nghề nông thôn thông qua việc xây dựng một hệ thống địa chí làng nghề một cách chi tiết, cụ thể. Một hệ thống sách ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hoá... của địa phương sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng cho toàn bộ các làng nghề tại Việt Nam.

Cùng với đó cũng phải xây dựng được vùng nguyên liệu phục vụ cho làng nghề. Các mô hình khuyến nông về làng nghề cần chú trọng đến hiệu quả kinh tế và cơ cấu tổ chức sản xuất gắn với vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, ngoài ngành nghề nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cần phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ NN-PTNT để phát triển những vấn đề cốt lõi như kinh tế tập thể, cơ giới hóa nông nghiệp, an sinh giảm nghèo…

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 34.348 trang trại sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có 19.667 trang trại đáp ứng tiêu chí quy định của Bộ NN-PTNT gồm 4.325 trang trại trồng trọt, 12.013 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.267 trang trại nuôi trồng thủy sản, 3 trang trại sản xuất muối, 1.930 trang trại tổng hợp.

Xây dựng mô hình điểm tại Ninh Thuận nhằm nâng cao giá trị ngành muối. Ảnh: Mai Phương

Xây dựng mô hình điểm tại Ninh Thuận nhằm nâng cao giá trị ngành muối. Ảnh: Mai Phương

Trong số trang trại nông nghiệp, trang trại chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất, chiếm 61,8%, tiếp đến là trồng trọt chiếm 22%. Các trang trại tập trung nhiều ở vùng Đông Nam Bộ với bình quân 625 trang trại/tỉnh, Đồng bằng sông Hồng bình quân 542 trang trại/tỉnh, Tây Nguyên bình quân 441 trang trại/tỉnh.

Bình quân diện tích đất là 3,8 ha/trang trại, giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân 3,52 tỷ đồng/trang trại; lao động thường xuyên bình quân 3,5 lao động/trang trại. Tổng giá trị sản xuất của các trang trại bình quân 2,86 tỷ đồng/năm.

Song song đó, qua theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất muối trong 6 tháng đầu năm, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 11.315 ha. Trong đó diện tích muối thủ công đạt 7.792ha; diện tích muối công nghiệp đạt 3.527ha.

Sản lượng muối đạt khoản 336.118 tấn (bằng 56% so với cùng kỳ 2020). Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 473.252 tấn (bằng 90% so với cùng kỳ 2020), trong đó miền Bắc tồn 14.675 tấn, miền Trung tồn 317.766 tấn, Nam Bộ tồn 140.811 tấn.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng thí điểm một số hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với điều kiện vùng miền với một số ngành hàng như lúa gạo ở ĐBSCL; trái cây ở ĐBSCL và Trung du phía Bắc; rau màu, cây công nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên; thủy sản ở duyên hải miền Trung.

3 tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống

Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn đã nên rõ 3 tiêu chí để công nhận nghề truyền thống gồm:

 - Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận.

 - Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc.

 - Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

3 tiêu chí để công nhận làng nghề là:

 - Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này.

 - Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận.

 - Đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.


Phạm Hiếu
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn