Bắc Kạn: Trồng ngô không thấy bẻ bắp, cắt thân bán mà nông dân vẫn lãi ra trò
10:16 - 15/07/2021
Tích cực đổi mới cây trồng, HTX Kiên Anh tại tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn đã đưa cây ngô sinh khối vào canh tác tại địa phương. Đây là giống ngô sinh khối cho năng suất, chất lượng thân lá cao, chuyên phục vụ chăn nuôi. Từ những vụ đầu tiên đã cho thấy hiệu quả kinh tế rất khả quan.
 
Bà con nông dân Sỹ Bình, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) thu hoạch cây ngô sinh khối đợt 1 năm 2021.


Ngoài trồng các giống ngô để lấy hạt, năm nay HTX Kiên Anh đã đưa vào trồng giống ngô sinh khối NK 7328 và cho hiệu quả kinh tế cao. 

Ưu điểm của cây ngô sinh khối là thích nghi, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, để đạt hiệu kinh tế quả cao thì bà con phải trồng ở đất tơi xốp, dễ thoát nước, tránh nơi gió lớn. 

Thời gian sinh trưởng dao động từ 85 - 95 ngày sẽ cho thu hoạch đại trà, trong khi đó cây ngô truyền thống thời gian sinh trưởng lâu hơn khoảng 45 ngày.

Đại diện HTX cho biết, nếu chăm sóc tốt, cây ngô sinh khối đạt sản lượng từ 5,5 - 6,5 tấn/1.000m2, tương đương 55- 65 tấn/ha, nếu trồng 1 năm 3 vụ, ngô sinh khối có thể cho thu nhập khoảng 126 triệu đồng/ha/năm. 

Ưu điểm trồng ngô sinh khối, sau khi thu hoạch xong có thể tái đầu tư vụ mới, không phải mất công và chi phí làm cỏ, giảm chi phí cho các vụ sau. 

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, HTX Kiên Anh duy trì diện tích trồng 300ha ngô/năm, để đáp ứng nhu cầu đơn hàng 60 tấn/ngày, 1.800 tấn/tháng đã ký kết cung cấp thức ăn chăn nuôi vỗ béo bò úc cho các công ty, doanh nghiệp trong nước và tiến tới xuất khẩu thức ăn ủ chua cho đối tác của Nhật Bản.

Trong vụ ngô đầu tiên của năm 2021, HTX Kiên Anh triển khai liên kết với gần 50 hộ thực hiện mô hình tại 10 xã thuộc các huyện Chợ Mới, Bạch Thông và phường Xuất Hoá, thành phố Bắc Kạn. 

Tổng sản lượng ngô sinh khối đợt một năm 2021 đạt 247 tấn, tổng doanh thu đạt gần 250 triệu đồng, đóng góp vào ngân sách địa phương trên 20 triệu đồng. Bà con lần đầu tiên tham gia thực hiện mô hình trồng cây ngô sinh khối đã thấy hiệu quả kinh tế cao nên rất phấn khởi. 

Chị Hà Thị Diễm, thôn Ba Phường, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên gia đình tôi trồng cây ngô sinh khối. Thời gian thu hoạch loại ngô này ngắn hơn so với cây ngô lấy hạt. 

Cây ngô hợp với đất đai, khí hậu của địa phương, giúp bà con tăng năng suất, xoá đói giảm nghèo hiệu quả. Được HTX Kiên Anh rất tạo điều kiện, cung cấp giống, phân, kỹ thuật chăm sóc và đến kỳ thu hoạch thì bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con, bà con rất phấn khởi”.

Theo đánh giá ban đầu, vụ ngô sinh khối đợt 1 năm 2021 của HTX Kiên Anh hiện mới đáp ứng được 15% đơn hàng trong 5 năm. Các vụ tiếp theo cần nhân rộng mô hình từ đợt 1, duy trì và phát triển mới đáp ứng được 100% nguồn hàng trong thời gian tới. 

HTX Kiên Anh sẽ phối hợp với các địa phương đặt xưởng băm, phay, ủ chua ngô tại chỗ, nhằm thu toàn bộ sản lượng của bà con khi tham gia sản xuất, đồng thời nâng cao giá trị sản lượng, giá trị kinh tế. 

Theo kế hoạch, những vụ tiếp theo, HTX Kiên Anh sẽ thu mua ngô sinh khối cho bà con với giá 700 đồng/kg tại địa điểm tập kết. Hiện, HTX đang xây dựng xưởng băm và ủ chua ngô tại tổ 1, phường Xuất Hóa (thành phố Bắc Kạn), dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 7/2021. Khi đó, giá thu mua ngô tại xưởng này sẽ đạt cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Chung- Giám đốc HTX Kiên Anh cho biết: “Quá trình sản xuất cây ngô sinh khối sẽ giúp tăng vụ, trong 1 năm bà con có thể sản xuất 3 vụ liên tục. Thu hoạch xong bà con giảm được chi phí ngày công, vì có thể làm đất và xuống giống và tái vụ ngay. 

Từ trồng ngô sinh khối, HTX Kiên Anh dự kiến sẽ sản xuất thức ăn ủ chua chăn nuôi phục vụ bà con trong tỉnh Bắc Kạn, thay thế cho cỏ voi và một số loại cỏ có năng suất và hàm lượng dinh dưỡng thấp; thực hiện chuỗi chăn nuôi theo hộ, nhóm hộ đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Cây ngô sinh khối là cây trồng mới và có nhiều ưu điểm, hiện đã và đang được trồng trên địa bàn tỉnh là hướng đi mới để người dân tham khảo, tham gia canh tác để phát triển kinh tế...

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn