|
Đồng chí Lương Quốc Đoàn cùng đoàn công tác khảo sát, tham quan mô hình trồng bưởi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Đây là địa phương đã đạt được nhiều kết quả sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Ảnh: Minh Ngọc |
Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của tỉnh Tuyên Quang đã được hình thành và có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường.
Hiện nay, Tuyên Quang đã xây dựng vùng trồng cam 8.653ha (trong đó trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP là 687ha và trồng cam theo tiêu chuẩn hữu cơ 30ha); vùng thâm canh cây chè là 8.468ha; vùng trồng bưởi là 5.190ha.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết, Tuyên Quang là tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng.
Hàng năm, tỉnh thực hiện trồng trên 10.000ha rừng, thực hiện cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC đạt 35.883ha, diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn 69.862ha, năng suất trồng rừng bình quân đạt 16m3/ha/năm.
Về kết quả thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn, đến hết năm 2020, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 47/134 xã đạt chuẩn NTM.
Đối với xây dựng kết cấu hạ tầng, đã thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 4.100km.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 26 còn một số hạn chế như vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít; thu hút trí thức làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều…
Theo người đứng đầu cấp ủy tỉnh Tuyên Quang, do đó, trong thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực này; mong muốn Trung ương tiếp tục nghiên cứu ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách toàn diện hơn, có sức lan tỏa, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân…
"Hiện nay, Tuyên Quang còn gặp khó khăn về xây dựng giao thông nông thôn, liên kết vùng còn kém. Chính bởi vậy việc thu hút đầu tư vào tỉnh còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc tích tụ đất đai phải thực hiện ở khu vực thuận lợi về giao thông, có khả năng sản xuất theo chuỗi, những vùng đất đai manh mún, hạ tầng hạn chế thì phải đẩy mạnh liên doanh, liên kết để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Trong xây dựng nông thôn mới, yếu tố căn cốt nhất vẫn là tăng thu nhập cho người dân" - Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm trăn trở.
Phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Tuyên Quang, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, Nghị quyết 26- NQ/TW đã hoàn thành sứ mệnh đề ra, do đó cần thiết phải khảo sát, đánh giá để Trung ương xây dựng, ban hành Nghị quyết mới phù hợp với thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
"Trong sản xuất nông nghiệp, yếu tố quan trọng phải làm tốt công tác quy hoạch, bảo vệ người nông dân, không để người nông dân luôn bị thua thiệt. Việc kết nối và liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp còn nhiều bất cập; tích tụ đất đai còn hạn chế; tư duy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phần lớn còn nhỏ lẻ, manh mún là tình trạng phổ biến…"- Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nói.
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn mong muốn, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới tiếp tục đánh giá, đề xuất, kiến nghị để báo cáo Trung ương, sớm xây dựng, ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với giai đoạn mới.
Quan trọng là phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao đời sống nông dân
Cũng trong ngày 13/7, đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN cũng đã có buổi khảo sát về thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang).
Báo cáo với đoàn công tác về kết quả thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW, Bà Khúc Thị Thu Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Ninh cho biết, đến nay, cơ sở hạ tầng của xã Phúc Ninh được đầu tư đồng bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống văn hóa được tăng cường, an ninh được đảm bảo, quốc phòng được giữ vững.
Theo đó, phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Phúc Ninh được đẩy mạnh, hết năm 2018 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Đặc biệt, xã Phúc Ninh đã hình thành vùng sản xuất lớn, cho giá trị kinh tế cao, trong đó, nổi bật là vùng trồng bưởi với diện tích trên 1.000ha (lớn nhất tỉnh Tuyên Quang).
Tuy nhiên, theo bà Thủy, mặc dù xã Phúc Ninh đã xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất lớn. Nhưng vấn đề tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra là bài toàn mà lãnh đạo xã đang rất trăn trở.
Trên địa bàn huyện Yên Sơn cũng không có nhà máy chế biến, chính bởi vậy bà con nông dân chỉ xuất bán cho thương lái, thường xuyên đối mặt với tình trạng "được mùa, mất giá", thu nhập không ổn định.
Tại buổi làm việc, đại biểu xã Phúc Ninh đã kiến nghị với đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN hỗ trợ số hóa sản phẩm nông nghiệp, các dự án ứng dụng KHCN, bao tiêu sản phẩm đầu ra, đầu tư nhà máy chế biến hoa quả sau thu hoạch…
Phát biểu tại buổi làm việc với xã Phúc Ninh, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, huyện, xã cần phải quan tâm công tác quy hoạch trong sản xuất; tìm nguồn giống tốt đưa vào sản xuất để có thể xuất khẩu hàng hóa; có cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động hợp tác xã, tích tụ đất để nông dân có đất sản xuất.
Đồng thời nâng cao trình độ, dân trí, thay đổi nhận thức của nông dân. Đối với các kiến nghị của huyện, xã, đoàn công tác sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét.
Cùng ngày, đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN đã đi thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đoàn đã thăm và dâng hương tại lán Nà Nưa, đình Tân Trào, Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, di tích Trụ sở Ban Nông vận Trung ương (Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp...