Trạm Trồng trọt - BVTV Chương Mỹ (Hà Nội) thống kê huyện có hơn 100 cửa hàng vật tư nông nghiệp, rất nhiều cửa hàng đã bỏ hẳn bán thuốc trừ sâu.
Chuyện của cây lúa, cây rau
Anh Nguyễn Viết Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Nội) trước từng là đội trưởng sản xuất nên nắm rất rõ tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của quê mình.
Quãng năm 1993 - 1997 là giai đoạn dân dùng nhiều thuốc nhất bởi giống lúa CR 203 hồi đó bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng, mỗi vụ phải phun tới 4 - 5 lần. HTX lên kho huyện nhận về từng can thuốc to như những can xăng để pha ra mà phun.
Kể từ khi được tập huấn về hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), 494 ha đất nông nghiệp của xã, trong đó lúa 402 ha còn lại là rau màu, cây ăn quả gần như không còn phải dùng đến thuốc nữa.
“Giống lúa dù gạo có ngon đến mấy mà lúa hay bị nhiễm bệnh chúng tôi cũng không chọn, mà chọn giống chống chịu rồi cấy thưa, bón phân cân đối nên khoảng 95% dân không phun thuốc đã nhiều năm nay", anh Nguyễn Viết Hùng cho biết.
Cũng theo anh Hùng, ở những nơi mật độ sâu bệnh tới ngưỡng gây hại, HTX sẽ mời trưởng thôn, phó thôn đến để triển khai phun trừ đến từng khu ruộng, từng hộ nhưng dân bảo: “Chúng tôi cấy lúa để ăn nên không phun”. Thế mà chưa bao giờ xảy ra mất mùa trên diện rộng, vụ xuân rồi được mùa hiếm có, đạt 68 tạ/ha, còn nhiều năm đạt trên 60 tạ/ha. Rau thì chủ yếu dân bắt sâu bằng tay cũng ít phải dùng thuốc.
Chúng tôi theo chị Tạ Thị Dung (xã Quảng Bị) ra đồng. Đó là một nông dân có 4,3 mẫu lúa, 3 sào bưởi cùng 1,5 mẫu ao và đã 11 năm không dùng thuốc BVTV sau một tai nạn gãy chân, không đeo bình đi phun được nữa.
"Trước đây, tôi chỉ dùng thuốc BVTV trong gieo mạ, sau tai nạn cũng bỏ nốt. Cấy lúa xong, chăm bón là đợi thu hoạch, vụ xuân trung bình bán 11 tấn, vụ mùa 9-10 tấn thóc.
Thóc sạch, không có hóa chất mà giá vẫn chỉ như loại thường nơi khác thôi. Tôi chỉ ăn gạo nhà mình nhưng vừa rồi thiếu mất dăm hôm, phải đong tạm gạo chợ, thấy không đậm, không thơm, không để được từ sáng đến chiều mà vẫn như mới”, chị Dung kể.
Hết lang thang ngoài đồng lúa, tôi lại đến những ruộng rau. Bà Đỗ Thị Nguyệt năm nay 69 tuổi mà vẫn còn làm tới 9 sào rau, suốt ngày cần mẫn hái cho con đem lên phố bán. Đôi vợ chồng già ở ngoài vườn có khi còn nhiều hơn trong nhà. Thu nhập mỗi ngày của họ chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng nhưng niềm vui với mảnh đất này là vô bờ bến.
Nếu như việc giảm thiểu, thậm chí không dùng thuốc BVTV trên lúa khá dễ thì trên rau khó khăn hơn. Anh Nguyễn Duy Miên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) nơi đang có 300 ha lúa và 50 ha rau kể: Quãng năm 1997 - 1998 mỗi lứa rau bà con phun 2 - 3 lần, thậm chí phun 2 - 3 hôm sau đã nhổ đi bán, lá vẫn còn vương mùi thuốc. Có được chuyển biến như hôm nay là nhờ ngành BVTV đã mở nhiều lớp tuyên truyền về tổ chức sản xuất, kỹ thuật làm rau an toàn, VietGAP, hữu cơ.
Giai đoạn 2009 - 2011 khi Thụy Hương được Trung ương chọn là 1 trong 11 xã điểm thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới, mỗi năm mở 5 - 7 lớp học IPM. Mỗi lớp đều thuê 5 - 7 sào ruộng rồi các học viên cùng đánh luống, thảo luận sẽ gieo trồng gì trên đó, hàng tuần kiểm tra sự phát triển của cây, tình hình sâu bệnh cho đến hết một lứa rau ăn lá là trên 1 tháng, hết lứa dưa chuột là 2 tháng rồi so với đối chứng.
Hiện nay, trên 200 hộ trồng rau ở Thụy Hương thì khoảng 30% không có bình, không phun thuốc BVTV. Tất cả nhờ các kỹ thuật: Trước khi trồng be bờ, bơm nước vào ruộng để ngập một buổi hoặc một ngày cho chết hết sâu bọ; gieo thưa; bón phân vi sinh, hữu cơ ủ hoai mục; dùng màng lưới che phủ kiểu hở nhất là vào mùa mưa để tránh bị dập nát gây nhiễm nấm bệnh; thay đổi chủng loại rau sau mỗi vụ.
Chị Nguyễn Thị Tâm, cán bộ Trồng trọt - BVTV xã có nhiệm vụ điều tra sâu bệnh hại, hàng tuần 2 buổi họp giao ban với HTX để ra thông báo. "Trước đây dân của chúng tôi thấy ruộng rau có một con sâu cũng đeo bình đi phun, giờ phải tính xem nó có đến ngưỡng gây hại về kinh tế hay chưa. Trồng che phủ lưới kín thì hoàn toàn không phun, số này chiếm 20% tức khoảng 10 ha", chị Tâm cho biết.
Theo chị Tâm, hiện nay số diện tích trồng rau còn lại trồng che lưới hở hoặc trồng ngoài trời vẫn phải phun nhưng sử dụng 80% là thuốc sinh học. Hiện cả xã còn 2 cửa hàng bán thuốc BVTV, mỗi năm 3 vụ, mỗi vụ chỉ bán ra chừng 10 - 15 kg cho tất cả các đối tượng cây trồng, tính ra chỉ dùng 0,28 - 0,3 kg/ha. Hiện 90% rau của xã được bao tiêu ở chợ đầu mối, cửa hàng, nông dân có thu nhập gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa...
“Cứ đầu vụ, chúng tôi cùng HTX ra kế hoạch sản xuất sát với thực tế, từ phay đất, xuống giống gieo mạ đều phải đúng thời vụ, cấy, chăm đúng theo quy trình nên mới có chuyện nhiều vụ hầu như không phải dùng đến thuốc BVTV”
Chị Trần Thị Nhiên, cán bộ Trồng trọt - BVTV xã Quảng Bị
Chuyện của cây bưởi
Lúc tôi đến thì ông bà Nguyễn Đức Thọ - Nguyễn Thị Huê ở khu Tân Mai (Thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) đang nhễ nhại mồ hôi vì bắc thang che nắng cho từng quả bưởi bằng những vỏ bao tải cũ.
Họ có 1 ha vườn trồng 400 gốc bưởi Diễn, 50 gốc bưởi đỏ Tân Lạc, tương đương mỗi vụ phải che cho 40.000 - 50.000 quả. Do dịch Covid-19 không thuê được người ngoài nên vụ này cả hai chỉ cố gắng che cho chừng 10.000 quả lộ ra ngoài nắng nhiều nhất mà thôi.
Nhà trong vườn, vườn quanh nhà nên khi xưa còn phun thuốc BVTV hóa học cả tuần sau vẫn còn phảng phất mùi khiến cho ông bà rất sợ. Bởi thế, đã 6 năm nay họ theo đuổi quả bưởi VietGAP dù giá bán cũng chỉ bằng với quả bưởi thông thường. Nếu như trước đây ông bà phun mỗi năm 6 - 8 lần bằng thuốc hóa học thì giờ vẫn chừng đấy lần nhưng bằng thuốc sinh học.
Họ diệt cỏ bằng cách hòa đạm với kali theo công thức 50 kg kali cộng 5 kg đạm cùng 200 lít nước rồi phun. Nếu trời nắng gắt thì làm cách này khiến cỏ chết héo gần 100%, còn bình thường cũng được 70-80%. Họ diệt ruồi vàng bằng bẫy dính, xử lý nấm thân bằng phun kali cộng đạm giống như công thức diệt cỏ. Họ bón phân hữu cơ trộn với EM, đậu tương, cá ngâm men vi sinh.
Trong khi nhiều nhà vườn mấy vụ bưởi nay đều lỗ thì ông bà vẫn lãi mỗi vụ 200-300 triệu. "Một số người hỏi bí quyết, tôi mới hỏi lại họ rằng mỗi ngày ông đi tiểu ở vườn mấy lần? Ngạc nhiên, họ đòi giải thích thì tôi bảo, mỗi ngày tôi đi tiểu 4 - 5 lần ở ngoài vườn, cứ 3 - 4 tiếng một lần chứ không đi đâu cả để toàn tâm, toàn ý mà chăm sóc cho cây thì mới đem đến kết quả ấy”, ông Nguyễn Đức Thọ hài hước kể.
Như lang vườn bắt mạch sức khỏe cho cây, sáng, chiều ông ở ngoài vườn. Gốc cây dính một chấm ướt là ông biết có con sâu đục thân mới nở nhỏ bằng cái tăm đang ăn, liền lấy dao nhỏ khoét ra. Cành bé hơi héo là ông biết có sâu đục thân bên trong, phải cắt bỏ không để lan rộng, còn ở cành to thì phải lấy dây thép ngoáy, móc sâu ra.
Ngoài chăm chút cho mảnh vườn của mình, ông còn tham gia vào HTX sản xuất và kinh doanh hoa quả Xuân Mai với mong muốn vực dậy vùng cây ăn quả đã từng nổi tiếng đến mức hơn 20 năm trước được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ghé thăm. Hiện HTX đang có 20 thành viên với 20 ha vườn, tất cả đều làm theo hướng sản xuất an toàn…
Chị Phí Thị Thảo, cán bộ Trồng trọt - BVTV Thị trấn Xuân Mai cho tôi hay, ngoài 50 ha cây ăn quả thì địa phương còn hơn 130 ha lúa. Hơn 10 năm nay, diện tích này hầu như không phải dùng đến thuốc BVTV và Thị trấn cũng không có cửa hàng thuốc BVTV nào.
Đặc biệt, thu hoạch vụ đông xong bà con còn dùng trâu cày ải phơi 2 tháng để cho đất nỏ. Mà một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân. Cách làm đó còn hạn chế rất nhiều nấm bệnh lưu cữu trong đất.
"Tôi làm cán bộ BVTV xã từ năm 2009 đến nay, chỉ phải đi dập dịch rầy năm 2012 trên 1 mẫu lúa. Từ hồi không dùng thuốc BVTV, trên đồng ruộng kiến ba khoang, bọ rùa đỏ rồi những thiên địch xuất hiện rất nhiều", chị Thảo cho biết.
Nhiều cửa hàng vật tư bỏ bán thuốc BVTV
Chị Trần Thị Thu Trang, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Chương Mỹ thống kê, huyện có hơn 100 cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, rất nhiều trong số đó đã bỏ hẳn thuốc BVTV. Năm 2020, các cửa hàng vật tư nông nghiệp của cả huyện vụ xuân chỉ bán 1,5 tấn, vụ mùa bán 1,4 tấn, vụ đông bán 773 kg thuốc BVTV. Tính bình quân toàn huyện chỉ sử dụng 0,3 kg/ha/năm.
Về hệ thống BVTV, Chương Mỹ có 5 người ở Trạm huyện và 32 người ở các xã. Thay cho công việc đi dập dịch trước đây, giờ họ chủ yếu đi tuyên truyền, hướng dẫn. Huyện có 32 xã, thị trấn thì 90% diện tích lúa không sử dụng thuốc sâu, thuốc bệnh trên cả hai vụ, trong đó điển hình như Thụy Hương, Đồng Phú, Thanh Bình, Trường Yên, Phú Nghĩa…
Kinh nghiệm là áp dụng IPM và SRI vào từ làm đất, làm mạ, điều tiết nước, làm cỏ sục bùn đến bón phân cân đối nên năng suất vẫn khá, vụ xuân vừa qua năng suất lúa toàn huyện còn đạt 65 tạ/ha.
Về rau, màu, vụ xuân, hè của huyện có 500 - 600 ha còn vụ đông hơn 1.000 ha. Kinh nghiệm là áp dụng IPM như dùng bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone, ngâm nước mặt ruộng, che phủ bằng màng passlite (vải không dệt). Còn cây ăn quả huyện có 1.000 ha nhưng chủ yếu là bưởi, một loại cây rất khỏe nên ít phải phòng trừ.
“Khi có sâu bệnh đến ngưỡng phải phun, chúng tôi thông báo đến từng thửa ruộng của từng hộ. Đa số khuyến cáo của Trạm được người dân tuân thủ nhưng cũng có những trường hợp không làm theo. Như ở xã Thanh Bình cách đây mấy vụ xuân, Trạm về xác định có bệnh đạo ôn cổ bông, UBND xã họp tới 12 giờ trưa, ra quyết định hỗ trợ thuốc cho dân phun. Hai ngày sau thuốc về, loa gọi báo nhưng người đến lấy rồi mang về treo gác bếp không phun, người thậm chí còn không thèm đến.
Cán bộ mang thuốc tận ra ruộng bảo phun, họ trả lời có thì ăn không thì thôi, chấp nhận ký vào biên bản nếu mất mùa tự chịu. Thực tế nhà nào không phun là giảm năng suất nhưng cũng chỉ mất mùa cục bộ khoảng 1 ha năm đó mà thôi", chị Trần Thị Thu Trang, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Chương Mỹ kể.
Nhiều huyện ở Hà Nội sử dụng rất ít thuốc BVTV và có tỷ lệ cao nông dân không sử dụng như Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… Tuy nhiên vẫn còn một số huyện sử dụng khá nhiều như Mê Linh, Hoài Đức, Đông Anh, Ba Vì…