Bình Định: Nuôi con "siêu đẻ", ổ trứng trắng như bạch ngọc, đều tăm tắp, nông dân khá giả
Sau thời gian thả nuôi thử nghiệm, ông Thái Thanh Trí, ở thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen trong ao. Chỉ với khoảng 1.000 m2 ao nuôi ốc bươu đen, nhưng đã mang lại cho ông nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Trí cho hay: “Năm 2017, nhận thấy nguồn ốc bươu đen trong môi trường tự nhiên ngày dần cạn kiệt do biến đổi khí hậu, người dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nhiều nên ốc cũng không sạch, trong khi nhu cầu tiêu thụ ốc bươu đen ngày càng cao, nên tôi đã đi tìm ốc bươu đen trong tự nhiên và mua từ người dân về thả nuôi trong ao. Đến nay tôi đã mở rộng quy mô lên đến 10 ao nuôi”.
|
Mô hình nuôi ốc bươu đen của ông Thái Thanh Trí, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (Bình Định) được chính quyền địa phương đánh giá rất thành công |
Theo ông Trí, ốc bươu đen có sức đề kháng cao, dễ chăm sóc, sinh trưởng tốt, phù hợp với đồng ruộng địa phương.
Nguồn thức ăn của ốc bươu đen hoàn toàn từ bèo, lá mì, lá đu đủ... nên rất dễ tìm, chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ốc thả nuôi từ 5 - 6 tháng có thể thu hoạch. Thịt ốc bươu đen đang được thị trường ưa chuộng, bán với giá 100.000 - 120 nghìn đồng/kg (từ 20 - 25 con/kg). Mỗi tháng, ông Trí cung cấp khoảng 400 kg ốc thương phẩm cho các quán ăn ở huyện Phù Mỹ, Phù Cát.
Trong quá trình nuôi, muốn nguồn giống ốc bươu đen đảm bảo chất lượng, ông Trí nhân và nuôi ốc giống.
Ốc bươu đen đẻ trứng dọc mép thành ao, nếu để nở tự nhiên chỉ đạt 10%, nên ông Trí thu gom, tập trung trứng vào nơi ẩm, hằng ngày xịt nước tưới mát.
“Với cách làm như trên, 1 kg trứng ốc bươu đen có thể nở hơn 10.000 con. Tôi mang ốc con mới nở ra lưới ươm để chăm sóc, trong vòng 30 ngày thì thả vào môi trường tự nhiên để ốc bươu đen phát triển”, ông Trí cho biết.
Ông Trần Đình Lâm, cán bộ khuyến nông xã Mỹ Hiệp, đánh giá: Tôi đã đến tham quan mô hình nuôi ốc bươu đen của ông Thái Thanh Trí. Mô hình có đầu tư hệ thống xử lý nước trong ao, nên nguồn nước không bị ô nhiễm, ốc phát triển tốt và đạt chất lượng cao.
Ngoài ra, ông Trí còn cung cấp nguồn ốc giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con có nhu cầu. Mô hình nuôi ốc bươu đen không tốn nhiều chi phí như nuôi cá, vì thức ăn của chúng có sẵn trong ao, nên chúng tôi sẽ nhân rộng trên địa bàn xã Mỹ Hiệp.
Ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp, cho biết: “Chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho ông Thái Thanh Trí và một số hộ mở rộng, phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen.
Vừa qua, UBND xã đã phối hợp với Phòng NNPTNT huyện đăng ký nhãn mác hàng hóa ốc bươu đen của ông Trí, chuẩn bị tham gia sản phẩm OCOP. Tháng 4.2021, sản phẩm ốc bươu đen của ông Trí đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm sơ chế, đóng gói thịt ốc bươu đen”.