Với 45 chiếc máy cấy, xã này đạt tỷ lệ cấy máy lên tới trên 80% diện tích, chỉ những chỗ đồng quá trũng, máy không thể xuống bà con mới chấp nhận cấy tay.
"Thế trận" mạ khay toàn dân
Lúc tôi đến thì 3 người trong gia đình chị Nguyễn Thị Thảo đang lúi húi căng bạt nilon chống chuột ở trong sân của hợp tác xã (HTX) rồi lễ mễ bê hàng trăm khay mạ đến gieo nhờ cho vụ mùa này. Khác với xã Đại Thắng cùng huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội tuy đi trước lại về sau trong khoản mạ khay, cấy máy bởi làm kiểu tập trung, thiếu không gian để bày khay mạ nên bị hạn chế phát triển thì ở Nam Triều nhà nào làm mạ phục vụ nhà nấy, chỉ đến khi cấy thì mới mang ra ruộng để thuê máy.
Anh Nguyễn Hữu Phú, Giám đốc HTX Nam Triều, bảo với tôi rằng cũng như nhiều nơi khác, nông dân của quê mình ngày càng bị già hóa. 10 năm trước, họ lao động với những công cụ cũ, kỹ thuật cũ, hiệu quả kinh tế gần như không có nên nguy cơ bỏ ruộng mỗi lúc một cận kề. Bởi vậy, khi nghe nói về mạ khay, cấy máy, năm 2011 HTX đã mạnh dạn ứng tiền ra mua 2 chiếc máy cấy 4 hàng loại đẩy tay sau đó đấu giá bằng với giá mua, ưu tiên trả thành nhiều đợt trong 5 năm liền cho xã viên đăng ký.
Hai hộ Đào Minh Giáp và Phạm Viết Hoàn xung phong xin được tham gia. Giai đoạn đầu mạ khay, cấy máy ở đây cũng phát triển rất chật vật. HTX mở các hội nghị tập huấn mời xã viên đến họp theo kiểu vừa nói vừa làm. Đích thân ông Giám đốc, Phó giám đốc HTX cũng xắn tay áo xúc đất, đổ vào khay, cán phẳng, tưới nước, ném giống, phủ đất mỏng để ủ cho bà con có thể theo dõi kỹ từng công đoạn một.
Các hội nghị do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và những đoàn thể ở xã đều có nội dung tuyên truyền về mạ khay, cấy máy. Sau đó mạ khay máy cấy lại đi vào cuộc họp của từng chi bộ có thôn liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Cán bộ, đảng viên được vận động đi trước áp dụng để làm gương cho “làng nước” theo sau. Năm 2013, Nam Triều hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, không còn những thửa ruộng kiểu chiếu manh nên khá thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nói chung và máy cấy nói riêng.
Trở lại hai hộ đầu tiên mua máy cấy ở Nam Triều là Đào Minh Giáp và Phạm Viết Hoàn, khi đến vụ cứ mỗi ngày họ thu được 2-3 triệu nên chỉ 2 năm sau đã hòa vốn và bắt đầu có lãi. Thấy tín hiệu khả quan, Nhà nước đã vào cuộc theo cách huyện, thành phố trích ngân sách hỗ trợ 50% giá trị của máy cấy, còn lại UBND xã hỗ trợ 12 triệu, HTX hỗ trợ 9 triệu. Vậy là xã viên chỉ cần bỏ ra 14 triệu là có thể “dắt” về được 1 cái máy cấy 4 hàng trị giá 76 triệu về nhà mình, nếu là máy cấy 6 hàng, 8 hàng thì số tiền bỏ ra cao hơn. Bởi thế mà đến nay xã đã có 40 máy cấy 4 hàng, 4 máy cấy 6 hàng, 1 máy cấy 8 hàng, nâng tỷ lệ cấy máy lên tới trên 80%-cao nhất nhì toàn quốc. Chỉ những chỗ quá trũng, máy cấy không thể xuống được bà con mới chấp nhận cấy tay.
Năm 2025 Phú Xuyên đặt mục tiêu có từ 50% diện tích trở lên áp dụng cấy máy. Để đạt được điều đó huyện đang đẩy mạnh hỗ trợ các HTX liên kết trong cung ứng dịch vụ mạ khay, cấy máy đồng thời, tổ chức các lớp học chuyên sâu cho những chủ đầu tư về cách ươm mạ, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc…
Kinh nghiệm hay nhưng khó học
Qua thực tế cho thấy, những máy cấy 4 hàng và đặc biệt là 6 hàng tỏ ra thích hợp nhất với quy mô đồng ruộng vừa phải cũng như chất đất, địa hình vùng chiêm trũng. Anh Nguyễn Trác Huế là một nông dân đã có thâm niên 10 năm làm cấy máy, từ chiếc máy giật tay của Việt Nam tự chế đến 4 hàng phải dắt tay của Nhật rồi cuối cùng là máy 6 hàng ngồi bên trên để lái của Nhật. Vụ đầu anh ủ hỏng vì để quá ủng nước, khi gieo mạ bằng cách ném tay mật độ cũng không được đều. Đã thế, cây mạ còn không có rễ do mua phải giá thể kém chất lượng.
Rút kinh nghiệm, từ vụ sau anh đã đầu tư hẳn cái máy gieo hạt rồi mua giá thể từ tỉnh Thanh Hóa chở ra và giá thể của xã bạn Đại Thắng bên cạnh trộn vào nhau nên đã khắc phục được hiện tượng cây mạ không có rễ. Cẩn thận hơn nữa, trước mỗi vụ, anh đều gieo thử 10 khay để kiểm nghiệm chất lượng giống, giá thể rồi mới bắt tay làm mạ một cách chính thức.
Cái máy 6 hàng ngoài đảm nhiệm việc cấy cho 4 mẫu ruộng của nhà anh còn làm được cỡ trên 100 mẫu ruộng dịch vụ cho bà con. Với mỗi sào giá 100.000đ tính ra mỗi vụ nó đem lại lợi nhuận cho chủ nhân khoảng 70 triệu đồng. Vụ này anh còn mạnh dạn mượn sân của HTX làm 270 khay mạ để cấy từ A đến Z cho bà con, giúp cho những ai bận rộn không phải làm mạ tại nhà nữa, mức giá cả công cấy lẫn mạ là 260.000đ/sào. Nói về chuyện bà con quê mình “mê tít thò lò” cấy máy, anh cười và khẳng định luôn rằng: “Không bao giờ người dân quê tôi quay lại cấy tay nữa”.
Điều đó cũng dễ hiểu thôi, áp dụng cấy máy đã giúp giải phóng được một công đoạn rất nặng nhọc của nghề nông là cấy tay, nhất là khi phải tiếp xúc trực tiếp với điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, rét buốt vào vụ xuân, nắng lửa vào vụ mùa. Thứ nữa, nó giúp cho sự chuyển dịch lao động nông thôn sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mà đặc biệt là xuất khẩu. Có hàng trăm lao động Nam Triều đang làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Châu Âu…với mức lương tháng 30-40 triệu đồng đã giúp cho bộ mặt nông thôn mới của xã thay đổi hẳn.
Điều quan trọng nhất là mạ khay, cấy máy do thưa, thoáng nên cây lúa phát triển tốt, ít bị sâu bệnh giúp cho mấy năm nay hầu như 90-90% diện tích không cần phun thuốc trừ sâu, trừ bệnh mà năng suất vẫn hơn lúa cấy tay từ 5-10%. Bởi vậy mà tuy có nhiều nghề nhưng dân Nam Triều không để xảy ra tình trạng ruộng bỏ hoang như một số nơi khác.
Phú Xuyên là một trong những địa phương đi đầu ở Hà Nội trong việc gieo mạ khay, cấy máy. Nếu như năm 2012 diện tích cấy máy của huyện chỉ đạt 70 ha thì tới nay đã trên 1.000 ha chiếm khoảng 14-16% diện tích. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là cùng một chính sách hỗ trợ như thế, tại sao có những xã làm tốt như Đại Thắng trên 40% diện tích, như Nam Triều trên 80% diện tích trong khi nhiều xã khác chỉ trên dưới 10% diện tích? Suy rộng ra là ở Hà Nội và rộng hơn nữa là cả miền Bắc, nơi có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, kinh tế-xã hội khá tương đồng nhau lại chỉ có tỷ lệ cấy máy rất thấp?
Đã có rất nhiều đoàn khách của các địa phương về Nam Triều tham quan mạ khay, máy cấy nhưng về đều không thể áp dụng được vào thực tế bởi lẽ thiếu một quyết tâm từ trên xuống dưới. Quyết tâm đó thể hiện trong việc trước mỗi vụ, Đảng ủy xã ra Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, thành lập Ban chỉ đạo sản xuất do Chủ tịch xã là trưởng ban. Mọi kế hoạch sản xuất từ giống gì, quy trình mật độ, phấn đấu tỷ lệ mạ khay cấy máy là bao nhiêu…đều được vạch ra một cách cụ thể và thông báo trên loa cho toàn dân biết.
Hiện, toàn thành phố Hà Nội mới có khoảng 350 máy cấy, diện tích lúa được cấy bằng máy khoảng trên 5.000ha, chiếm xấp xỉ 3% diện tích. Bởi thế mạ khay, máy cấy vẫn còn một dư địa rất lớn để phát triển, chỉ có điều chính sách nào đủ mạnh để làm mồi, kích thích, tạo điều kiện cho nó mà thôi.