Quảng Bình: Bảo vệ môi trường tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo
09:42 - 07/09/2021
(MTNT)- Thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017 - 2020, các sở, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung môi trường thuộc tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải bình quân chung của cả tỉnh đạt 77,4%.


Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 117 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng công suất thiết kế 42.743 m3/ngày-đêm, cấp nước sinh hoạt cho 408.742 người; khôi phục 25 công trình cấp nước nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp; hỗ trợ đấu nối hàng chục km ống nước sinh hoạt tới các hộ dân vùng khó khăn... góp phần đảm bảo vệ sinh, hạn chế sự lây lan dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh tế và điều kiện sống của người dân.
 
 
Đặc biệt, những công trình cấp nước nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp đã được khôi phục, hoạt động trở lại, đảm bảo công suất thiết kế và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân. Hiện, 180.405/195.180 hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh (chiếm tỷ lệ 92,43%); 66.911/195.180 hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung (chiếm tỷ lệ 34,28%).
 
 
Bên cạnh đó, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, của đoàn thể và nhân dân. Đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải bình quân chung của cả tỉnh đạt 77,4%; trong đó: Thành phố Đồng Hới (94,2%); huyện Lệ Thủy (81,8%); huyện Quảng Ninh (75%); huyện Bố Trạch (67,7%); thị xã Ba Đồn (82%)...
 
 
Việc triển khai, áp dụng các mô hình thu gom, xử lý rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Điển hình như: Mô hình thu gom, xử lý rác tại hộ gia đình nhằm tăng hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, giảm đáng kể lượng rác thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý; mô hình lò đốt rác đã góp phần xử lý rác, giải quyết được một phần bức bách về ô nhiễm môi trường...
 
 
Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô lớn gắn với quy hoạch, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định, góp phần giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi.
 
 
Các sở, ngành, địa phương hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn. Nhiều mô hình ở các huyện: Quảng Trạch, Lệ Thủy, Bố Trạch… bước đầu hoạt động hiệu quả với 03 - 05 thùng chứa rác ở vị trí gần các tuyến đường nội đồng và ở những đoạn mương, kênh trên đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu gom. Đặc biệt, UBND tỉnh phát động phong trào toàn dân thu gom rác thải, phong trào chống rác thải nhựa và được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh.
 
 
Thời gian tới, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý rác thải; ban hành cơ chế hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô 300 con trở lên đầu tư hoàn thiện công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn; thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các công nghệ cao ứng dụng trong vận hành xử lý chất thải chăn nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm; tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường, cấp nước sinh hoạt nông thôn, nhất là việc thu gom, xử lý chất thải; triển khai mô hình đồng bộ hóa trang thiết bị từ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt kết hợp với tăng cường công tác quản lý thực hiện mô hình...
Đình Dương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn