Cách làm nông thôn mới tại nơi 41 dân tộc sinh sống
14:45 - 28/05/2020
Bình Phước là tỉnh nông nghiệp, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới với 41 thành phần dân tộc sinh sống, giờ đây diện mạo NTM đang đổi thay từng ngày.
Quang cảnh bắt mắt, thanh bình trên các tuyến đường thôn Thiện Cư đã được cứng hóa. Ảnh: Trần Trung.


Đi đầu ở xã anh hùng

Trong những ngày cả nước hân hoan đón chào 130 năm kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), chúng tôi về thăm lại xã anh hùng Thiện Hưng (Bù Đốp). Nơi đây giờ đã thực sự chuyển mình, khác xa những gì được biết về một xã biên giới vùng sâu, vùng xa trước kia.

Không chỉ sầm uất, náo nhiệt ở khu vực trung tâm mà dọc các tuyến đường thôn, xóm, nhiều ngôi nhà xây khang trang mọc lên xen lẫn những vườn cao su, tiêu, điều xanh mướt, trải dài bất tận.

Được tỉnh Bình Phước chọn làm điểm về đích NTM giai đoạn 2011-2015, Thiện Hưng đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Bởi đây là xã biên giới có xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, cơ sở vật chất yếu kém, kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Trước khi xây dựng NTM, Thiện Hưng có hơn 90% số dân sản xuất nông nghiệp, khoảng 8% số dân thuộc hộ nghèo, thu nhập bình quân chỉ 15 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ 60% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, 10% đường giao thông liên thôn và 29% đường giao thông liên xã được cứng hóa… Những trở lực đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng NTM ở Thiện Hưng.

Ông Trần Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết, cũng như nhiều xã khác của huyện Bù Đốp, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, Ðảng bộ và chính quyền xã Thiện Hưng xác định, chủ thể xây dựng NTM là nhân dân, thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”.

Các nguồn lực đầu tư đã được minh bạch, công khai, người dân được tham gia góp ý kiến vào quy hoạch, kể cả trực tiếp giám sát các dự án đầu tư cơ bản. Cách làm minh bạch ấy đã tạo lòng tin vững chắc để nhân dân góp sức, góp của cùng chính quyền xây dựng NTM.

Nhờ vậy năm 2017, Thiện Hưng là xã đầu tiên của huyện Bù Đốp về đích NTM, hiện nay toàn đảng, toàn quân, toàn dân xã nhà đang ra sức củng cố và nâng cao các tiêu chí.

Đường bê tông xi măng tới tận phum, sóc của bà con các dân tộc. Ảnh: Trần Trung.

Đường bê tông xi măng tới tận phum, sóc của bà con các dân tộc. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường nhựa và đường điện hạ thế chạy dọc thôn được đầu tư từ nguồn vốn xây dựng NTM vừa hoàn thành, ông Điểu Cần, trưởng thôn Thiện Cư cho biết, Thiện Cư là thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã với hơn 90% đồng bào S’Tiêng bản địa sinh sống.

Khi chưa xây dựng NTM, các con đường toàn là đường đất đỏ, mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa trơn trượt, ngoài ra tỷ lệ người dân có điện lưới quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đời sống người dân vô cùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 80%.

“Nhờ có chương trình xây dựng NTM, tuyến đường vào thôn đã được nhựa hóa, hệ thống điện lưới phủ khắp. Người dân thôn còn được chính quyền hỗ trợ cây - con giống, khoa học - kỹ thuật; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Hiện thôn chỉ còn 6 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo…”, ông Cần, hồ hỏi nói.

Điểm nhấn khi đến xã biên giới Thiện Hưng anh hùng hôm này là khu chợ xã được đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại. Với gần 200 kiốt, lô sạp, chợ NTM xã không chỉ là nơi mua sắm của người dân địa phương mà còn là nơi kết nối giao thương nội vùng và các huyện Campuchia giáp ranh, thuộc hạng sôi động bậc nhất huyện Bù Đốp.

Chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương chợ Thiện Hưng cho biết, chợ được xây dựng từ những năm 1975 nên nhiều hạng mục công trình xuống cấp.

Trước đây, tiểu thương buôn bán trong nhà lồng luôn thấp thỏm lo sợ xảy ra sự cố sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Giờ bà con rất yên tâm vì chợ mới không chỉ khang trang, sạch đẹp mà còn được trang bị hệ thống điện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy đầy đủ và cửa khóa an toàn.

 
Một góc khu chợ khang trang, đông đúc xã Thiện Hưng. Ảnh: Trần Trung.

Một góc khu chợ khang trang, đông đúc xã Thiện Hưng. Ảnh: Trần Trung.

Qua 7 năm xây dựng NTM và 3 năm thực hiện nâng cao các tiêu chí, số tiền đầu tư tại xã Thiện Hưng lên tới trên 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 88 tỷ đồng, vận động doanh nghiệp hỗ trợ 7 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân 25 tỷ đồng. Nhờ đó, Thiện Hưng hiện có trên 19 km đường ngõ xóm được cứng hóa, đường liên xã 100% được nhựa hóa. Tỷ lệ người dân sử dụng điện đạt trên 98%…

Cùng với sự phát triển về hạ tầng, người dân Thiện Hưng đã có nhiều thay đổi trong cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2019 của xã đạt trên 35 triệu đồng/người /năm.


Bứt phá xây dựng NTM

Đã gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cũng là ngần ấy năm tỉnh Bình Phước bứt phá vươn lên, từng ngày thay đổi, khoác lên mình một diện mạo mới.

Theo Sở NN – PTNT Bình Bước, hiện nay toàn tỉnh có 100% xã hoàn thành tiêu chí về quy hoạch; 100% xã đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông; 100% xã đạt tiêu chí thủy lợi; 83/90 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 65/90 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư, 82/90  xã đạt chuẩn về điện, 35/90 xã hoàn thành tiêu chí về giao thông, tăng thêm khoảng trên 4.700km, trong đó 2.462km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù....

Một góc khu công nghiệp và khu dân cư Minh Hưng (Chơn Thành). Ảnh: Trần Trung.

Một góc khu công nghiệp và khu dân cư Minh Hưng (Chơn Thành). Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, về thu nhập, năm 2019 bình quân đầu người ở Bình Phước đạt 62,1 triệu đồng, tăng 2,5 lần so năm 2011. Kết quả này đã góp phần đưa 66/90 xã đạt tiêu chí về thu nhập.

Ngoài ra, số xã đạt tiêu chí còn lại như giảm hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, môi trường... đạt cao. Tỷ lệ hài lòng của người dân tại các xã NTM trên 95,99%.

Tỉnh đang trình Trung ương thẩm định hồ sơ 3 đơn vị là thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long và Bình Long để công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2020 có thêm 12 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến năm 2025 có 8 huyện trở lên và 81/90 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 40% xã đạt NTM nâng cao và 15% xã NTM kiểu mẫu.

Làng quê vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc được làm đường thẳng tắp, vẻ đẹp như tranh. Ảnh: Trần Trung.

Làng quê vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc được làm đường thẳng tắp, vẻ đẹp như tranh. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, từ phong trào đã xuất hiện nhiều cách làm hay, những gương điển hình trong huy động nguồn lực xã hội, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng NTM. Các phong trào hiến đất làm đường; xây dựng đường xanh, sạch sáng... trở thành cuộc thi đua sôi nổi trên toàn tỉnh.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 2.000 tập thể và cá nhân tham gia đóng góp từ 20-100 triệu đồng xây dựng NTM. Tiêu biểu như ông Nguyễn Viết Tuyên ở xã Minh Thành (Chơn Thành) hiến đất và đóng góp 1 tỷ đồng; ông Trương Đường, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) đóng góp hơn 700 triệu đồng... để làm đường nông thôn…

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN – PTNN tỉnh Bình Phước cho biết: Xây dựng NTM ở các tỉnh đồng bằng vốn đã khó, thực hiện ở miền núi, các xã biên giới, lại càng khó hơn. Thế nhưng, nhờ hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động và sức lan tỏa của phong trào xây dựng NTM nên xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước ở cơ sở.

Nhiều xã đã tranh thủ được cơ hội xây dựng NTM để bứt phá vươn lên làm thay đổi diện mạo nông thôn qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân.

Các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào NTM được UBND tỉnh Bình Phước tuyên dương. Ảnh: Trần Trung.

Các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào NTM được UBND tỉnh Bình Phước tuyên dương. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN – PTNN tỉnh Bình Phước: “Trên nền tảng kết quả đạt được, các địa phương cần khắc phục khó khăn, tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu còn lại của các xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM.

Tập trung huy động, lồng ghép đa dạng hoá các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy định chỉ tiêu của các tiêu chí còn bất cập. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chính sách đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM, nhất là nâng cao nhận thức của người dân.

Một khi nhận thức người dân đã đầy đủ, thì chuyện xây dựng NTM sẽ không còn khó nữa, đúng với câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.


Trần Trung
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn