Phú Thọ: Có tay nghề tốt, nông dân yên tâm làm giàu
10:46 - 13/05/2020
Nhờ được học nghề, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay... nên nhiều nông dân ở Phú Thọ đã mạnh dạn xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình. Sau thời gian triển khai, các mô hình đều phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nâng cao thu nhập sau học nghề

Vừa trộn thuốc bổ vào thức ăn cho đàn gà, chị Đinh Thị Hoan (dân tộc Mường) ở xóm Đình, xã Thượng Long, huyện Yên Lập vừa cho hay: Trước đây khi thời tiết giao mùa gà hay bị cảm. Những lúc đó, chị cũng chỉ biết cắt tỏi cho gà ăn để tăng sức đề kháng nhưng gà vẫn hay chết, con nào qua khỏi thì gầy yếu. Sau khi hoàn thành khóa học chăn nuôi gà do Hội tổ chức, chị Hoan biết lúc nào nên chủ động phòng bệnh cho gà để giảm được hao hụt.

Sau lớp học nghề chăn nuôi gà, chị Đinh Thị Tỵ đã đầu tư nuôi gà hiệu quả. Ảnh: Thu Hà

Cùng với thực hiện tốt công tác dạy nghề, Hội ND tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho 2.600 lượt người, xây dựng 25 mô hình trình diễn; phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành, thị, Hội cơ sở cung ứng trên 12.000 tấn phân NPK, tư vấn về nghề và việc làm cho 2.500 lượt người, giới thiệu việc làm cho 125 lao động.

Hiện chị Hoan đang nuôi hơn 2.000 gà sinh sản. Giống gà chị Hoan nuôi là giống gà ta. Trứng gà đẻ ra đến đâu, chị Hoan không ăn hay bán mà gom lại bỏ vào máy ấp trứng để sản xuất con giống. Chị Hoan phấn khởi nói: “Cứ 3 ngày tôi gom được 1 khay đầy trứng cho vào máy ấp. Mỗi tháng tôi xuất bán 500 con gà giống với giá 10.000 đồng/con, thu về 5 triệu đồng. Đồng thời mỗi tháng tôi thu về thêm 2 triệu đồng nhờ bán thịt gà ta thương phẩm. Trừ hết chi phí, mỗi tháng tôi có lãi 4 triệu đồng từ nuôi gà”.

Tương tự chị Hoan, chị Hoàng Thị Thơm (ở xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh) cũng áp dụng hiệu quả kiến thức sau học nghề. Chị Thơm cho biết: Trước khi học nghề, gia đình chị từng chăn nuôi gà, lợn quy mô nhỏ, song hiệu quả không cao do đàn vật nuôi sinh trưởng chậm, đôi khi dịch bệnh dẫn đến thất thu. Năm 2017, chị đã cùng nhiều hội viên trong khu đăng ký tham gia lớp học sơ cấp nghề chăn nuôi thú y 3 tháng do Hội ND tổ chức.
 

“Trong thời gian học nghề, tôi đã hiểu thêm phương pháp phòng bệnh cho vật nuôi cũng như cách chăm sóc, lựa chọn thức ăn phù hợp với đặc điểm sinh trưởng từng loài, từng thời kỳ. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi đã khá hơn trước”- chị Thơm phấn khởi kể.
 

Còn chị Nguyễn Thị Hoa - hội viên nông dân khu 4, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông được học lớp may công nghiệp do Hội ND huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau 3 tháng học, giờ đây chị Hoa đã nộp đơn vào công ty may. Chị cho biết: “Bản thân chỉ làm nông, sau khi Hội ND huyện có chương trình đào tạo dạy nghề may, tôi đã xin được theo học để sau này tìm được công việc phù hợp với nghề mình học và phát triển kinh tế ổn định bằng chính nghề của mình”.
 

Hơn 80% có việc làm sau học nghề

Hội ND huyện Phù Ninh là một trong nhưng đơn vị cơ sở Hội thực hiện tốt công tác dạy nghề, tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân. Giai đoạn 2016-2019, Hội ND huyện Phù Ninh đã phối hợp các ngành tổ chức 216 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho gần 16.000 lượt hộ nông dân; phối hợp tổ chức 18 lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ cho 710 hội viên.
 

Riêng năm 2019, Hội ND huyện đã phối hợp Trung tâm Hỗ trợ và giáo dục nghề nghiệp Hội ND tỉnh mở lớp đào tạo, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trồng rau an toàn cho 35 hội viên ở xã Hạ Giáp. Cùng với đó, các cấp hội trong huyện còn phối hợp ngành nông nghiệp tổ chức 78 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 5.320 lượt cán bộ, hội viên nông dân.
 

Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi từ đó cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2019, toàn huyện có gần 7.000 hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 21 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 355 hộ giỏi cấp tỉnh... Điển hình trên các lĩnh vực sản xuất có thể kể đến mô hình trang trại tổng hợp của hộ ông Trần Văn Hoa (ở xã Trị Quận) mang lại thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động; mô hình chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Văn Thao (ở xã Tiên Du) cho thu nhập 1,1 tỷ đồng/năm… Đáng chú ý các hộ nông dân giỏi đã tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ 36 hộ hội viên khác thoát nghèo.
 

Theo báo cáo Hội ND tỉnh Phú Thọ: Trong 3 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội ND tỉnh Phú Thọ đã mở gần 40 lớp, đào tạo và cấp chứng chỉ trình độ sơ cấp nghề cho trên 1.000 học viên với các nghề phi nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
 

Sau khi học nghề, gần 80% lao động được đào tạo nghề nông nghiệp đều tự tạo được việc làm, một số lao động sau khi được đào tạo đã mạnh dạn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, máy móc tại gia đình, tự bản thân có thể phòng và trị các loại bệnh thông thường trên đàn vật nuôi.
 

Bà Hà Thị Hương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Phú Thọ cho biết: Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề đối với lao động trên địa bàn, trên cơ sở đó định hướng những ngành nghề phù hợp cho người lao động và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn việc làm, hoạt động dịch vụ hỗ trợ hội viên, nông dân có nhu cầu.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn