|
Hội phát động phong trào thi đua bảo vệ môi trường, vận động nông dân tổng vệ sinh, thu gom chất thải, rác thải |
Hội đã tập trung triển khai thực hiện 4 nội dung trọng tâm: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức năng lực bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điển hình bảo vệ môi trường nông thôn gắn với phát triển kinh tế - xã hội; tham gia giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường, trợ giúp pháp lý và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường trên các kênh thông tin của Hội, phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương; biểu dương những gương điển hình tiên tiến và những mô hình hiệu quả, phản ánh kịp thời những bức xúc về môi trường; trang bị những kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ để bảo vệ môi trường; góp phần hình thành ý thức trách nhiệm, trong bảo vệ môi trường nông thôn.
Hoạt động Hội luôn đổi mới đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị, hội thi, hội diễn, hội chợ. Trung ương Hội hướng dẫn, chỉ đạo Hội ND các tỉnh tích cực lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với các cuộc thi đến với các huyện vùng sâu, vùng xa đồng bào dân tộc tại các tỉnh: Quảng Nam, Trà Vinh, Đắk Lắk, Kon Tum, Bắc Kạn, Điện Biên, Cao Bằng, Lâm Đồng, An Giang, Bình Phước... được nông dân hào hứng hưởng ứng với hội thi “Tuyên truyền viên cấp xã bảo vệ môi trường”, “Nhà nông đua tài”, “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về nước sạch và bảo vệ môi trường”; thành lập câu lạc bộ nông dân nói không với túi ni lông; phong trào ngày thứ bảy nghĩ xanh, mua sạch...
Hội phát động phong trào thi đua bảo vệ môi trường, vận động nông dân tổng vệ sinh, thu gom chất thải, rác thải, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, bảo vệ môi trường đã thu hút được đông đảo nông dân hăng hái tham gia.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh miền núi được chú trọng. Từ năm 2015 đến nay, Hội đã tổ chức 215 lớp bồi dưỡng, đào tạo kiến thức và kỹ năng truyền thông, vận động người dân bảo vệ môi trường cho hơn 21.000 lượt cán bộ, hội viên, trong đó có 10 lớp bồi dưỡng tại các tỉnh miền núi với các đối tượng cán bộ hội viên người dân tộc, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên.
Các cấp Hội đã tổ chức được hơn 15.000 lớp tập huấn về kiến thức bảo vệ môi trường với hình thức đa dạng, phong phú như: Giáo dục theo cá nhân, theo nhóm, theo cộng đồng; tuyên truyền giáo dục qua tư liệu, tranh ảnh, chiến dịch truyền thông đại chúng, phương tiện truyền thông cho hơn 1,5 triệu lượt cán bộ, hội viên.
Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được cải thiện. Từ thay đổi nhận thức đến thay đổi hành vi, người dân đã bước đầu thay đổi thói quen, cách thức làm ăn, sinh sống theo hướng thân thiện với môi trường; tích cực hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường, giám sát, phát hiện, tố cáo các hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện của ngành Tài nguyên và Môi trường, sự tích cực trong huy động nguồn lực của các cấp Hội và vốn tín dụng cùng sự đóng góp hàng triệu ngày công của hội viên, nông dân để xây dựng các công trình vệ sinh, công trình cấp nước sạch, các mô hình bảo vệ môi trường.
Điển hình như: Mô hình “Điểm thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn”; mô hình “Hầm khí sinh học liên hoàn”, mô hình “Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường” tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương; mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ”; mô hình “Thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng không ô nhiễm nguồn nước, môi trường”, tích cực phát động phong trào toàn dân tham gia thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và xây dựng môi trường nông thôn mới sạch, đẹp; mô hình “Nông dân nói không với túi nilon và sử dụng các sản phẩm sống thân thiện với môi trường”; mô hình chi Hội ND “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”...
Hoạt động bảo vệ môi trường đã tập trung vào các mô hình phù hợp như: Mô hình “Di rời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở” tại xã Quang Vinh, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng; “Mô hình xây dựng nhà tiêu khô hai ngăn sinh thái bảo vệ môi trường” tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; mô hình “Thu gom rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn” tại tỉnh Lâm Đồng… Qua đó đã thực hiện chương trình xây dựng đời sống văn hóa mới gắn với nội dung bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển đàn gia súc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc.
Thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, Hội đã tích cực tham gia cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi cho nông dân, tham gia xử lý các điểm nóng về môi trường trên địa bàn nông thôn; nắm bắt và phản ánh với cấp ủy, chính quyền về những bức xúc và tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân về ô nhiễm môi trường; xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường.
Trung ương Hội đã chỉ đạo Hội ND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nắm bắt tình hình an ninh trật tự và hỗ trợ tiền bồi thường thiệt hại do Công ty Cổ phần TNHH Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường, kịp thời báo cáo Ban Dân vận Trung ương về tình hình ổn định đời sống, phát triển sản xuất của nông dân và an ninh trật tự an toàn xã hội tại 5 tỉnh bắc miền Trung.
Trung ương Hội chỉ đạo Hội ND tỉnh Đồng Nai nắm bắt tình hình cá chết tại sông La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai để kịp thời báo cáo Thường trực Trung ương Hội có chỉ đạo.
Những kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của Hội phối hợp các bộ, ngành, các lực lượng bảo vệ môi trường thời gian qua đã góp phần tích cực giải quyết một số bức xúc về ô nhiễm môi trường và quản lý tài nguyên, củng cố được lòng tin, hội viên, nông dân ngày càng tin tưởng gắn bó với tổ chức Hội.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền, đồng thời đổi mới nội dung, hình thức phù hợp để thu hút đông đảo nông dân tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng, duy trì và nhân rộng phong trào, các mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường; khuyến khích nông dân xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ và công nghệ cao theo hướng nền kinh tế “xanh”; tiếp tục phát huy vai trò của Hội ND các cấp tham gia thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.