Bên trong rừng bạch đàn của lâm trường vừa chuyển đổi ở Bắc Giang
09:11 - 29/07/2019
Công ty lâm nghiệp Yên Thế là đơn vị mới chuyển đổi mô hình hoạt động ở Bắc Giang và đang có hàng ngàn ha trồng bạch đàn, keo đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng.
|
Công ty lâm nghiệp Yên Thế hoàn thành chuyển đổi và đi vào sản xuất từ tháng 1/2019 dưới mô hình Cty TNHH 2 thành viên. Hiện nay, tổng diện tích rừng của công ty là hơn 2.200 ha, chủ yếu trồng các giống bạch đàn và keo. Ảnh: Tùng Đinh. |
|
Tại tiểu khu Bãi Gianh của công ty, có gần 400ha rừng đang được trồng chờ ngày thu hoạch. Trong đó có những cánh rừng bạch đàn U6 đã trưởng thành, có thể thu hoạch bất cứ lúc nào, tùy vào chiến lược kinh doanh của công ty. Ảnh: Tùng Đinh. |
|
Đây là rừng bạch đàn tái sinh chồi, tự mọc lên sau khi đã thu hoạch, cắt sát đất lần đầu. Theo anh Nguyễn Văn Nam, cán bộ kỹ thuật của công ty: Khác với keo, bạch đàn có khả năng tái sinh chồi rất cao nên có thể tận dụng để giảm chi phí giống và chăm sóc ban đầu. Đặc điểm của cây tái sinh chồi là quá trình chăm bón cây non đơn giản và chi phí thấp hơn nhiều so với trồng mới. Ảnh: Tùng Đinh. |
|
Anh Nam đo đạc và cho biết, rừng bạch đàn tái sinh chồi ở tiểu khu Bãi Gianh đã được 6 năm tuổi, chu vi thân cây vào khoảng 70cm và đường kính xấp xỉ 20cm. Theo nhân viên kỹ thuật của công ty, cây ở kích thước này đã đạt tiêu chuẩn gỗ lớn, có thể khai thác. Tuy nhiên, công ty hiện chưa có kế hoạch khai thác và vẫn duy trì để đảm bảo diện tích rừng gỗ lớn cho tỉnh. Ảnh: Tùng Đinh. |
|
Trong 400ha của tiểu khu, có khoảng 2-4 nhân viên tùy theo khối lượng công việc. Với những rừng trồng mới cần có quá trình chăm sóc kỹ hơn so với các khu vực tái sinh chồi. Ngoài ra, công ty cũng khoán thêm cho người dân để tăng cường trong thời gian cao điểm. Ảnh: Tùng Đinh. |
|
Trong quá trình nuôi trồng bạch đàn, cần bổ sung phân bón và phát thực bì để chống cạnh tranh thức ăn với cây. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, các nhân viên cũng phải bổ sung phân bón, tăng dinh dưỡng cho cây. Ảnh: Tùng Đinh. |
|
Anh Nam cho biết thêm, ngoài phân bón và thực bì, các khu rừng bạch đàn cũng phải đối mặt với nguy cơ từ sâu bệnh và nấm, tuy nhiên, việc thay đổi giống thường xuyên đã làm giảm nguy cơ này xuống rất nhiều. Ảnh: Tùng Đinh. |
|
Hiện nay, cả keo và bạch đàn có đến hàng chục giống khác nhau. Tuy nhiên, các giống bạch đàn chính được trồng ở công ty Yên Thế là U6 và PNCT3. Ảnh: Tùng Đinh. |
TÙNG ĐINH
Nguồn: NNVN