ĐỒNG NAI- Mùa khô, khi nước lòng hồ Trị An xuống thấp cũng là lúc hàng trăm hộ dân mưu sinh với nghề bắt cá bống cát để tăng thu nhập.
|
Cá bống cát sau khi bắt được cho vào rổ để làm sạch. |
Sáng cuối tháng 3, ông Nguyễn Văn Tín, 62 tuổi ở xã Phú Cường, huyện Định Quán đưa lưới lên thuyền hướng về khu vực bến Nôm bắt đầu ngày săn cá bống cát. Đây là công việc gần 20 năm nay của ông để kiếm thu nhập, nuôi gia đình 5 người.
Ngư dân này cho biết cá bống cát có quanh năm, song nhiều nhất vào mùa khô, khi con nước lòng hồ xuống thấp, nổi lên các triền cát cạn. Cao điểm mùa cá bống, lòng hồ Trị An có cả gần trăm ghe cùng giăng lưới đuổi cá. Do đặc tính thiên nhiên ưu đãi, loài cá này sinh sôi nhiều, giúp kinh tế người dân ổn định.
Điểm đến đầu tiên được ông Tín chọn là một bãi cạn chưa đến mét nước, cách bờ khoảng 50 m, bên dưới là cát và sỏi nhỏ. Lưới được cố định với hai phao cắm xuống đáy chừng 30 m, sau đó ông dùng một đoạn dây dài đã được kết với hàng nghìn con sò để giăng bủa vây một vùng nước khoảng 500 m2.
Theo ông Tín, cá bống cát thường sống ở dưới đáy cát và khu vực sỏi nhỏ, khi nghe tiếng động từ dây vỏ sò cá sợ nên sẽ chạy về hướng lưới đặt sẵn. Tuy nhiên, người bắt phải ngâm mình lặn mò dưới lòng hồ để kéo dây vỏ sò cả 30 phút mới bắt được một đợt. "Loài cá này thường đi theo đàn nhưng rất chậm nên phải kiên trì. Trung bình mỗi đợt kéo lưới sẽ được 1-2 kg, may mắn bắt nhiều hơn, nhưng cũng có lúc chỉ có vài con", ông nói.
Cách đó 500 m, anh Hưng, 37 tuổi đầu tư hệ thống lặn hơi chuyên bắt cá bống ở giữa hồ với độ sâu 2-4 m cho năng suất cao hơn. Sau khi chọn được vị trí, anh cắm cọc lưới xuống tận đáy rồi thả dây vỏ sò quây một vùng nước tầm 1.500 m2 rồi rung lắc dây. Khoảng 10 phút, trước khi kéo lưới, anh lặn xuống đáy để kéo dây sò bắt đầu đuổi cá vào lưới.Sau khoảng 5 phút lặn, anh Hưng trồi lên mặt nước ra hiệu cho bạn cùng kéo lưới, thu được khoảng 2 kg cá bống cát. Mỗi ngày đi làm từ 6h đến 12h, cả nhóm kiếm được khoảng 40 -50 kg cá. "Với giá 50.000 đồng mỗi kg như hiện nay, trừ tiền dầu mỗi người cũng được vài trăm nghìn", anh Hưng nói.
Cá bống cát trưởng thành to bằng đầu chiếc đũa, thức ăn chủ yếu của chúng là các loại côn trùng nhỏ ở dưới tầng đáy hồ Trị An. Đây được xem là loại thực phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng vì có thịt mềm, ngọt, có thể chế biến được rất nhiều món ngon như: kho tộ, kho tiêu, chiên mắm, chiên bột, nấu canh chua...
Với diện tích mặt nước 32.000 ha, hồ Trị An từ lâu nổi tiếng với nhiều loại đặc sản vùng nước ngọt như cá lăng, leo, lóc bông, bống cát, tôm càng xanh... Theo Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, hiện có khoảng 1.000 hộ dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ.