Hiện nay, nông dân tỉnh Tiền Giang đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2022-2023. Theo ghi nhận, đa số người trồng lúa đều trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận cao.
|
Nông dân xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023. |
Vụ mùa này, Tiền Giang xuống giống hơn 48.000ha. Đến nay, trà lúa làm đòng khoảng 1.700ha, trổ gần 8.700ha, chín 23.700ha, đã thu hoạch 14.000ha; năng suất 7,1 tấn/ha (lúa khô), sản lượng gần 100.000 tấn.
Trúng mùa, được giá
Những ngày này, không khí thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sôi động hẳn lên. Máy gặt đập liên hợp hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trên bờ, thương lái túc trực chờ mua lúa cho nông dân. Bà con vui mừng vì lúa được mùa, được giá.
Gia đình ông Nguyễn Văn Danh, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vừa thu hoạch 0,7ha lúa IR50404, năng suất đạt 9 tấn/ha, bán với giá 6.400 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 20 triệu đồng, tăng khoảng 5 triệu đồng so vụ đông xuân năm trước.
Đếm tiền bán lúa xong, ông Danh tâm sự: “Chưa vụ nào trúng như vụ này, chưa năm nào sướng như năm nay. Lúa vừa trổ bông là “cò” lúa đến đặt tiền cọc trước. Lúa gần chín thì “cò” máy gặt đập liên hợp đến lãnh cắt, vận chuyển. Sau đó, chúng tôi chỉ có việc đến ghi sản lượng lúa và cầm tiền đem về. Không còn cảnh, cả nhà phải vất vả cắt, tuốt và vận chuyển về nhà phơi khô như trước nữa. Giá lúa tăng, hút hàng, thương lái đến thu mua rất dễ dàng; còn giá lúa giảm, thương lái hẹn lần hẹn lượt không đến mua cho dân”.
Niềm vui trúng mùa, trúng giá lúa đông xuân cũng đến với gia đình bà Trần Thị Kiều Trang, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Bà Trang cho biết: “Năm nay, gia đình trồng 0,9ha lúa VD20, năng suất đạt trên 8 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 22 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tuy chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất có cao hơn so vụ lúa đông xuân các năm trước nhưng nhờ lúa bán được giá cao nên lợi nhuận tương đối khá.
Giá lúa cao như hiện nay thì còn có lãi. Mấy vụ lúa trước, thu hoạch xong thì phủi tay do giá thấp, năng suất không cao. Nhà nông chúng tôi mong sao nhà nước giữ giá lúa cao và không tăng giá vật tư nông nghiệp. Có như vậy, đời sống người trồng lúa mới khá lên được”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các thương lái đều đẩy mạnh thu mua lúa trong dân để cung cấp cho các doanh nghiệp.
Thương lái Nguyễn Tấn Phong thu mua lúa ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tâm sự: “Mấy ngày nay, chúng tôi đã đẩy mạnh thu mua lúa cho dân. Một mặt cung cấp cho doanh nghiệp để lấy lời, mặt khác dự trữ một phần để chờ giá lên, lợi nhuận cao hơn. Biết rằng thị trường rất khó đoán nhưng nhiều anh em thương lái đều cho rằng giá lúa còn tăng nữa, ai cũng dự trữ lại số lượng lớn nên mình cũng dự trữ theo. Lời cùng lời, lỗ thì cùng lỗ”.
Gạo hút hàng
Những ngày này, công nhân tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng, xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang làm việc hết công suất. Doanh nghiệp vừa mua gạo từ thương lái để nhập kho, vừa xuất khẩu gạo cho các đối tác nước ngoài.
Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng Nguyễn Văn Đôn cho biết, hằng năm, doanh nghiệp đều thu mua 100.000-120.000 tấn gạo các loại để xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Philippines và các nước châu Phi. Năm nay, nhu cầu gạo của một số nước tương đối lớn nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng cường cung ứng. So cùng kỳ năm trước, giá gạo năm nay tăng 15-20%. Hiện, giá gạo 5% tấm xuất khẩu thông thường là 475-485 USD/tấn, gạo đặc sản giá 540-560 USD/tấn, gạo cao cấp xuất khẩu 640-700 USD/tấn. Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2022-2023 nên giá lúa gạo bị chững lại và có chiều hướng đi xuống.
Khu vực Gò Công của tỉnh Tiền Giang chuyên trồng lúa đặc sản cũng vào mùa thu hoạch rộ vụ đông xuân 2022-2023. Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinh Hiển, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm 300ha lúa cho nhân dân.
Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinh Hiển Huỳnh Văn Danh cho biết: “Chúng tôi mới thu mua được hơn 1.000 tấn lúa cho người dân. Hiện, lúa VD20 tươi tại ruộng có giá 7.500 đồng/kg, Đài Thơm 8 có giá 6.800 đồng/kg, OM5451 giá 6.600 đồng/kg, lúa Nàng Hoa 9 giá 7.200 đồng/kg, ST25 giá 7.500 đồng/kg. Năm nay, giá lúa gạo tăng khá cao. Đây là tín hiệu vui cho người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo”.
Để tăng năng suất lúa, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã triển khai rất nhiều giải pháp.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thời gian qua, địa phương xây dựng và nhân rộng gần 9.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân trồng lúa áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: Sản xuất lúa giống chất lượng cao, ứng dụng mạ khay-máy cấy trong sản xuất lúa, sản xuất lúa đạt chứng nhận GlobalGAP, tiết kiệm phân bón; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sạ thưa, phân bón chậm tan, quản lý sâu bệnh bằng biện pháp IPM, triển khai mô hình trình diễn “Ứng dụng máy cấy/sạ kết hợp vùi phân bón ứng dụng công nghệ cao”,…
Giá lúa gạo tăng không chỉ do nhu cầu thị trường xuất khẩu khởi sắc mà nông dân ngày càng chú trọng việc trồng các giống lúa chất lượng cao, giống lúa cao sản; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, năng suất tăng lên, chi phí giảm, lợi nhuận cao và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.