Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống chính trị của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định nông nghiệp là “chìa khóa” phát triển kinh tế để hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều “đầu tàu” trong xây dựng các mô hình kinh tế của địa phương.
|
Anh Nguyễn Đình Tâm (thứ 4 từ trái sang) tiếp đoàn công tác Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (Koica) từ Hàn Quốc đến thăm khu sản xuất tại xã Hồng Thái (Na Hang). |
Nhạy bén, nắm bắt cơ hội
Từng là hộ nghèo, phải đi làm thuê chắt chiu từng đồng nuôi vợ ốm, con nhỏ, song bằng sự nhạy bén, nông dân Ma Xuân Huỳnh, thôn Bản Dạ, xã Sơn Phú vươn lên làm chủ chính cuộc đời mình bằng mô hình sản xuất cây giống lâm nghiệp và sản xuất than củi.
Hơn 2 năm đi vào sản xuất, lò củi của anh chưa bao giờ nghỉ bởi nguồn cung ra thị trường hiện còn thiếu. Hiện nay, anh Huỳnh mới chỉ đầu tư xây dựng được 1 lò đốt, năng suất đạt 6 tấn/tháng/mẻ đốt. Trong mùa đông, vì sản xuất không đủ cung ứng ra thị trường nên anh Huỳnh liên kết với các cơ sở sản xuất than củi cung ứng cho khách hàng thân thiết. Dự kiến, năm 2023, anh sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 lò đốt để đảm bảo 2 mẻ đốt/tháng, giá trị khoảng 150 triệu đồng/lò.
Mỗi năm, anh Huỳnh cung ứng khoảng 50 - 100 vạn cây giống, trên 80 tấn than củi ra thị trường. Mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 20 lao động, mức thu nhập bình quân 250 nghìn đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí, anh thu được từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
“Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện” là 1 trong 2 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Na Hang lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đề án Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khau Tràng, giai đoạn 2021 - 2025 là cụ thể hóa Nghị quyết. Là đảng viên trẻ, chị Bàn Thị Thương, dân tộc Dao, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Thái (Na Hang) đã tích cực hưởng ứng xây dựng Đề án bằng việc bỏ tiền túi, đầu tư, cải tạo cơ sở homestay Mắc Cọp.
Thương là 1 trong những hộ đầu tiên làm du lịch homestay của xã từ những năm 2017. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, vật chất lúc bấy giờ còn yếu và thiếu. Được khuyến khích của Đảng ủy, UBND xã, đầu năm 2021, chị tiên phong xây dựng 1 nhà ở theo bản sắc người Dao, cải tạo khuôn viên, nâng cấp trang thiết bị với tổng đầu tư khoảng 700 triệu đồng.
Chị tích cực học hỏi, tiếp cận với cách làm du lịch để đón và phục vụ khách du lịch chuyên nghiệp hơn; vận động và định hướng các hộ hội viên đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất tham gia làm homestay. Chị cũng tự đẩy mạnh quảng bá về homestay, dịch vụ homestay qua các nền tảng của mạng xã hội. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở homestay Mắc Cọp thu hút hàng trăm lượt khách. Phát huy nghề thu mua, buôn bán nông sản đã duy trì nhiều năm trước đó, chị Thương cung cấp thêm cho du khách những sản vật địa phương nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch như: lợn đen, gạo tẻ, gạo nếp, rượu men lá, lê, mận, bắp cải, bí thơm... Mô hình homestay của chị tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Hơn 1 năm đi vào hoạt động, ước doanh thu khoảng 350 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Chị Thương cho biết, mình là người lao động, cũng là cán bộ hội nữa, phải gương mẫu thì hội viên mới nghe theo, làm theo. Bên cạnh phát triển dịch vụ homestay, chị Thương còn trồng 100 gốc lê, 200 cây mận tại xã Hồng Thái hiện đã cho thu hoạch; bắt đầu trồng 200 cây mít thái, 200 gốc ổi Đài Loan, 300 gốc tre lấy măng tại xã Năng Khả để sau này cung ứng cho khách du lịch.
Đồng chí Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, xã hiện có 9 homestay đủ điều kiện đón khách, đa phần là của cán bộ, hội viên phụ nữ. Chị Thương là người trẻ ham học hỏi, tích cực thay đổi tư duy, không trông chờ, ỷ lại, tạo sự lan tỏa trong hội viên phụ nữ về phát triển du lịch cộng đồng. Đó là một trong những nhân tố quan trọng, chung sức cùng địa phương thực hiện thành công Đề án Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Tràng, giai đoạn 2021 - 2025; hoàn thành tiêu chí về thu nhập 52 triệu đồng/người/năm khi xã cán đích NTM nâng cao trong năm 2023.
Tiên phong làm vườn mẫu
Tiêu chí vườn mẫu được xem là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong 15 tiêu chí của xây dựng NTM nâng cao. Dù không phải là tiêu chí lớn nhưng việc xây dựng vườn mẫu không dễ dàng đối với các địa phương. Diện tích khi vườn mẫu phải bảo đảm diện tích từ 500 m2 trở lên nhưng trong thực tế để có diện tích vườn từ 500 m2 trở lên không nhiều. Hơn nữa, nếu hộ có vườn bảo đảm được diện tích thì việc cải tạo vườn tạp để trồng theo quy hoạch cũng không dễ.
Lâu nay, người dân ở huyện vùng cao Na Hang cứ có đất là trồng bất cứ loại cây gì, không theo quy hoạch. Đó là chưa kể, để có được vườn mẫu thì người dân phải đầu tư, tạo giá trị thu nhập, tạo cảnh quan môi trường...
Thấu hiểu những khó khăn trên, đảng viên, hội viên nông dân Khổng Minh Sông, Chi bộ thôn Nà Reo, xã Năng Khả đã tiên phong làm vườn mẫu ngay sau khi được cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động. Ông đã đầu tư khoảng 120 triệu để quy hoạch, cải tạo lại vườn 1.000 m2.
Ông chặt bỏ nhiều cây lâu năm, nhưng giá trị kinh tế không cao; trồng mới, bố trí khoa học trên 100 gốc các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như na dai, nhãn, vải, bưởi da xanh, mít, bơ, dổi... Năm 2021, UBND huyện Na Hang đã công nhận đạt chuẩn vườn mẫu nông thôn mới đối với hộ gia đình ông.
Gia đình hội viên La Văn San, thôn Nà Khá, xã Năng Khả được biết đến là hộ đầu tiên tham gia phát triển mô hình du lịch homestay của xã. Noi gương ông Khổng Minh Sông, ông San cũng từng bước quy hoạch, cải tạo, xây dựng vườn mẫu NTM gắn với phát triển dịch vụ homestay. Gia đình ông đã mạnh dạn phá bỏ các loại cây tạp trong vườn; quy hoạch trồng 250 cây thanh long ruột đỏ. Đến nay, vườn thanh long bước đầu đã cho thu hoạch, ước đạt 40 triệu đồng/năm; góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Kết hợp với dịch vụ homestay, hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế của ông San đạt thu nhập trên 350 triệu/năm. Vừa qua, ông San là 1 trong 44 cá nhân được Ban chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh tặng giấy khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2020 - 2022.
Đề cao, coi trọng, khuyến khích đảng viên, quần chúng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tham gia xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh là giải pháp quan trọng phát huy nội lực, vai trò chủ thể của người dân trong chung sức xây dựng NTM. Trong thời gian tới, hệ thống chính trị các cấp của huyện đang tiếp tục phát hiện, không ngừng lan tỏa, biểu dương, nhân rộng nhân tố mới, mô hình mới trong phong trào thi đua kinh tế để làm hạt nhân, nòng cốt ở cơ sở.