Kinh tế tăng trưởng khá, chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện, thu nhập người dân ngày một ổn định… đó là một trong số những thành tựu mà tỉnh Bắc Kạn có được sau chặng đường dài xây dựng nông thôn mới khó khăn, vất vả.
|
100% đường xã, liên xã, đường trục chính nội đồng được cứng hóa, 72% đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông hóa. |
Những con số "biết nói"
Về Bắc Kạn hôm nay, không khó để bắt gặp những những con đường liên thôn, bản khang trang, sạch sẽ, được trồng hoa 2 bên đường. Những công trình hạ tầng khang trang, sạch sẽ cũng hình thành ở nhiều thôn, xã… Đó là thành quả của một chặng đường vượt khó nỗ lực xây dựng nông thôn mới của chính quyền và nhân dân Bắc Kạn.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bắc Kạn là tỉnh khó khăn về mọi mặt bởi xuất phát điểm của các xã rất thấp, số tiêu chí bình quân chưa đạt 3 tiêu chí/xã, 100% xã đạt dưới 7 tiêu chí.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 21 xã/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 97% (tăng 28,36% so với năm 2008); tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện đạt hơn 97%. 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, với quy mô đạt từ giao thông nông thôn loại B trở lên…
Những "địa chỉ vàng" làm tốt việc xây dựng nông thôn mới nhất phải kể đến như: TP Bắc Kạn, huyện Chợ Mới, Huyện Bạch Thông…
TP Bắc Kạn là một trong những đơn vị đầu tiên được công nhận "cán đích" xây dựng nông thôn mới năm 2020. Theo đó, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện nay Tp Bắc Kạn đã có một diện mạo nông thôn đổi thay vượt bậc. Cụ thể, toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn đã đạt chuẩn, 100% đường xã, liên xã, đường trục chính nội đồng được cứng hóa, 72% đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông hóa. Số lao động có việc làm qua đào tạo đạt 36%. Trên địa bàn thành phố không có nhà tạm, nhà dột nát... Không những thế, thu nhập bình quân của người dân mỗi ngày được cải thiện. Tính đến năm 2020 đã đạt trung bình 38,5 triệu đồng/người/năm, con số này, hiện cũng đã được cải thiện đáng kể…
Toàn tỉnh Bắc Kạn có 21 xã/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 97%; tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện đạt hơn 97%.
Còn tại huyện Chợ Mới, trong năm 2022, huyện này đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực để đưa xã Nông Hạ đạt chuẩn và duy trì 3 xã đã đạt chuẩn là Bình Văn, Như Cố, Thanh Thịnh. Các xã còn lại phấn đấu hoàn thành thêm ít nhất 1 tiêu chí so với năm 2021. Trung bình các xã đạt 14,5 tiêu chí. Để thực hiện mục tiêu đề ra, các cấp chính quyền và nhân dân huyện Chợ Mới đã quyết liệt vào cuộc thực hiện từ đầu năm… Cụ thể, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cho bà con; thường xuyên đưa tin về các mô hình điển hình, cách làm hay của những đơn vị làm tốt để bà con học hỏi, noi theo.
Nỗ lực thực hiện những mục tiêu cao hơn
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng Bắc Kạn xác định đó chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Trong Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh đã đặt ra những mục tiêu cho từng năm và phương hướng thực hiện hết sức cụ thể.
Theo đó, năm 2023, Bắc Kạn phấn đấu số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 9 xã, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tăng thêm 4 xã và có thêm 59 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn không nằm trong lộ trình phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2024, phấn đấu số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 10 xã, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tăng thêm 3 xã và có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… Đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu toàn tỉnh có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu này, hiện nay các địa phương đang triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo chiều sâu, bền vững; Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, thực hiện tốt Chương trình OCOP để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất; Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại…