HÀ TĨNH - Ngày đầu khởi nghiệp, nấm làm ra không ai mua, ông Lê Trọng Hải được vợ khuyên đổi nghề song từ chối và bị giận suốt 7 năm.
|
Nấm linh chi trồng tại cơ sở của ông Hải |
Đến nay, khi đã sở hữu hệ thống trang trại trồng nấm rộng 2.000 m2 cùng cơ ngơi sinh hoạt khang trang, ông Hải, 53 tuổi, trú xã Bình An, huyện Lộc Hà, vẫn nhớ những ngày không thể ngủ vì nấm.
Ông Hải kết hôn với bà Nguyễn Thị Nguyệt, có ba con trai, một con gái. Vợ chồng làm ruộng, chăn nuôi, phải tằn tiện để nuôi con ăn học. Năm 2005, trong lần cùng nông dân xã Bình An dự lớp tập huấn trồng nấm do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh tổ chức, ông Hải thấy "hay và lạ" nên về dựng 100 m2 nhà bằng tranh tre tạm bợ, mua 3.000 phôi nấm sò về trồng thử "cho vui".
Sau 6 tháng, nấm sinh sôi liên tục, không hư hỏng, đem bán cho người dân làm thực phẩm. Trừ số vốn bỏ ra, ông Hải lời hơn 10 triệu đồng.
Thành công bước đầu, ông Hải vui mừng nghĩ đây là cơ hội giúp gia đình thoát nghèo. Giữa năm 2006, ông vay tiền người thân và ngân hàng để xây lò gạch, làm mới hệ thống nhà xưởng, mua hàng nghìn phôi nấm sò, linh chi, mộc nhĩ về làm ăn lớn. Khoảng 10 hộ dân trong thôn cũng chung ý tưởng với ông Hải, cải tạo một số diện tích đất trong khuôn viên trồng nấm.
Ban đầu ông Hải lấy phôi của Phòng Nông nghiệp huyện, tuy nhiên sau đó thấy việc này bị phụ thuộc nên trực tiếp ra Hà Nội tìm đến các cơ sở trồng nấm học cách nhân giống thủ công. Chưa có kinh nghiệm nên phôi hư hỏng nhiều. Ngoài ra, ông Hải còn gặp khó khăn về thị trường, nấm sản xuất ra không bán được. Khách hàng chỉ mua về ăn thử một vài bữa, sau đó không đoái hoài.
Hai năm đầu, cơ sở nhỏ của ông Hải chỉ thu 20-30 triệu đồng tiền bán nấm, trừ hết chi phí thì âm vốn. Bà Nguyệt lo lắng, khuyên chồng đổi nghề, nhưng lại được chồng đông viên: "Em yên tâm, phải kiên trì đi bỏ mối hoặc biếu tặng, tập cho người dân ăn quen nấm, vì hiện tại họ không hiểu về loài này". Bà Nguyệt đáp: "Làm vậy tiền của đâu, lúa không đủ bán, tiền vay ngân hàng cả đó". Không lay chuyển được ý định của chồng, bà Nguyệt giận, tuyên bố "mặc kệ anh, muốn làm gì thì tùy, đừng để mẹ con khổ tâm, thiếu thốn".
Giai đoạn 2006-2007, khoảng chục hộ dân trong thôn từng tham gia thử nghiệm trồng nấm cũng thua lỗ hàng chục triệu đồng, phải dẹp nhà xưởng vì làm sai kỹ thuật, bế tắc đầu ra. Ông Hải lúc này chủ yếu trồng nấm sò, hàng ngày luôn có sản phẩm, song cũng ế khách.
Mỗi ngày, ông chở 30 kg nấm sò đi bán, song chỉ tiêu thụ được 2 kg. Gặp người bán rau, ông để lại số điện thoại, gửi họ vài bao nấm nhờ bán hộ. Nếu giao dịch được thì lấy tiền, chia cho họ hoa hồng, không ai mua thì biếu luôn để khách tập ăn, làm quen với nấm. "Tuy nhiên, thời đó chẳng ai gọi lại. Một tháng hai lần, tôi ra Hà Nội tìm mối bán sản phẩm. Nhiều hôm tôi đưa nấm thừa về phơi, sau đó nhập giá rẻ cho các lò bánh mì và quán cơm chay", ông Hải kể.
Kiên trì suốt 4 năm với nhiều đêm mất ngủ, nhiều nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh bắt đầu thu mua nấm tại cơ sở của ông Hải. Tuy nhiên, vận xui lại ập đến. Năm 2010, bão đổ bộ huyện Lộc Hà gây mưa, ngập lụt diện rộng. 300 m2 nhà xưởng trồng nấm của ông Hải bị gió xô ngã, 10.000 phôi nấm dập nát. Gia đình thua lỗ hơn 100 triệu đồng.
Chứng kiến nhà xưởng tan hoang, nấm thối rữa, bà Nguyệt càng giận chồng. Nhưng ông Hải vẫn lặng lẽ vay vốn để dựng lại cơ sở, với quyết tâm thua keo này bày keo khác. "Tôi có niềm tin rằng trong tương lai nấm sẽ phát triển, và lựa chọn của mình là đúng, dù chặng đường khởi nghiệp quá gian nan", ông Hải nói.
Nghề làm nấm diễn ra gần như quanh năm. Lúc lập thu đến hết mùa xuân ông Hải trồng nấm sò, linh chi, mộc nhĩ. Ba tháng hè, khi dọn dẹp lại nhà xưởng chuẩn bị cho vụ mới, ông sẽ tận dụng ít diện tích đất trống làm nấm rơm. Để tạo phôi nấm, cần có mùn cưa cao ru, rơm. Tiếp đó là quy trình ủ bột cưa, rơm với nước vôi, đảo đều đóng phôi, cho vào lò khử trùng...
Cơ sở của ông Hải chủ yếu trồng nấm sò và linh chi. Với nấm sò, sau một tháng sẽ có sản phẩm, hầu như ngày nào cũng có nấm mọc trên phôi. Với nấm linh chi là 4 tháng, một vụ cắt khoảng 3 lứa đem bán. Trong các loài, linh chi đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nhất, cần giữ độ ẩm 28-32 độ C, nếu không sẽ hư hỏng. Nếu thời tiết hanh khô, làm không đúng kỹ thuật nấm sẽ bị thối hết.
Từ năm 2011 trở đi, nấm làm ra được đối tác thu mua hết, ông Hải hết lỗ, trả được nhiều khoản nợ, đủ trang trải cho gia đình và nuôi các con ăn học. Năm 2015, khi thấy ông Hải lập hợp tác xã trồng nấm, mở rộng hệ thống nhà xưởng, bà Nguyệt đã ủng hộ, sau khoảng 7 năm phản đối chồng trồng nấm.
"Thỉnh thoảng tôi nhắc lại chuyện này, bà ấy chỉ cười. Vợ tâm sự tất cả cũng chỉ nghĩ cho gia đình, sợ chồng lao tâm khổ tứ vì nấm, lỡ không gặp may trong kinh doanh thì con cái lại dang dở đường học hành", ông Hải nhớ lại.
Bốn con của vợ chồng ông Hải đều vào đại học, hiện nay ba người đã lập gia đình. Riêng cậu cả sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trở về quê hỗ trợ bố phát triển trang trại nấm.
Giá nấm tăng theo thời gian, đến nay một kg nấm sò giá 30.000-35.000 đồng, linh chi 1-1,2 triệu đồng, mộc nhĩ 120.000 đồng. Nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm thường được bán làm thực phẩm. Nấm linh chi được nhập cho đối tác ngâm rượu, xay bột ăn, giúp điều hòa huyết áp, ngăn ngừa bệnh tật.
Mỗi năm hợp tác xã của ông Hải làm ra 30-35 tấn nấm sò, 4-5 tạ nấm linh chi, 10 tấn mộc nhĩ. Ngoài bán sản phẩm, cơ sở còn sản xuất khoảng 600.000 phôi nấm, đem nhập giá 9.000 đồng một phôi. Các bọc phôi thu hoạch xong sẽ bán cho hộ dân trồng dưa lưới làm phân vi sinh, giá hai bịch 1.000 đồng.
Tổng doanh thu một năm của cơ sở trung bình khoảng 2 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí nhân công, nguyên liệu, công chăm sóc thì lãi khoảng nửa tỷ đồng. Quá trình sản xuất, năm 2019-2020 doanh thu không khả quan, do ảnh hưởng của Covid-19, cách ly xã hội, ông Hải tính toán. Vào vụ trồng và thu hoạch nấm, hợp tác xã thuê hơn 10 lao động thời vụ, trả công gần 5 triệu đồng mỗi tháng.
Từ chỗ tay trắng, nhà cửa tạm bợ lụp xụp, đến nay ông Hải xây được nhà mới khang trang, sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, kinh tế ổn định, có tích lũy. Ông Hải đang tính đặt vấn đề với chính quyền xin thêm đất mở rộng cơ sở, ngoài tạo thêm việc làm cho bà con trong vùng còn hướng đến việc truyền lại kinh nghiệm trồng nấm cho những ai muốn khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Hiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An, đánh giá ông Hải kiên trì, luôn có chí tiến thủ. "Với nhiều hội viên khác, nếu thua lỗ họ sẽ chuyển hướng làm nghề khác. Nhưng ông Hải không làm vậy, lúc thất bại vì nấm vẫn bám trụ, tìm ra thiếu sót để khắc phục, tạo ra những giá trị mới cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương", ông Hiến nói.