HÀ TĨNH - Ông Dương Thanh cùng 11 người ở huyện Lộc Hà bủa lưới bắt được mẻ cá đù hơn 4 tấn sau 10 tiếng ra khơi, bán 25.000-30.000 đồng một kg.
|
Mẻ cá đù hơn 4 tấn do thuyền của ông Dương Thanh đánh bắt được |
6h ngày 18/11, ông Thanh, 54 tuổi, trú thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, lái thuyền công suất hàng chục CV chở 11 lao động ra khơi, đánh bắt hải sản trên vùng biển của huyện, cách bờ khoảng một hải lý.
Ông Thanh cho biết, từ sáng đến 15h cùng ngày, cả nhóm đã thả lưới 3 lần nhưng sản lượng hải sản bắt được rất thấp. 30 phút sau, các ngư dân phát hiện một luồng cá lớn bơi cách thuyền vài mét, ở độ sâu hàng chục mét, lấp lánh màu trắng.
"Chúng tôi di chuyển thuyền tiến ra phía trước để chặn lối đi, sau đó hợp sức thả loại lưới cỡ lớn cao 2 m, dài 400 m xuống biển để bao vây đàn cá. 12 người chia thành hai nhóm, đi giật lùi kéo lưới vào bờ. Cá quẫy khiến bọt trắng xóa cả một vùng", ông Thanh kể.
Hơn 16h, nhóm ông Thanh đưa được mẻ cá vào bờ biển xã Thịnh Lộc. Cá bắt được là cá đù, tổng trọng lượng hơn 4 tấn. Hay tin thuyền của ông Thanh trúng mẻ cá đù lớn, thương lái cùng hàng trăm người dân đã tập trung chật kín tại bờ biển để thu mua, xem thu gom cá, chụp hình đăng lên mạng xã hội.
Các thuyền viên đã gọi điện, huy động thêm người nhà đưa túi nylon, rổ, xô nhựa ra để phân loại, lấy cá bán cho khách. Họ trải tấm bạt cỡ lớn, để những con cá đã rửa sạch cát lên cho người dân lựa chọn, giá một kg 25.000-30.000 đồng.
Theo thuyền viên Phạm Ngọc Tuân, ngày thường cá đù bán 50.000 đồng một kg, song do hôm nay trúng đậm, thương lái cùng người dân đã ra phụ giúp phân loại và tiêu thụ nên cả nhóm đã quyết định bán với giá rẻ một nửa nhằm tri ân.
"Nếu bán hết số cá trên, 12 lao động sẽ thu về gần 100 triệu đồng", anh Tuân nói.
Ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch xã Thịnh Lộc, cho hay thỉnh thoảng ngư dân trên địa bàn vẫn đánh bắt được cá đù và các loại hải sản khác với số lượng từ vài tạ đến hơn 2 tấn, song mẻ cá đù 4 tấn lần này của ông Thanh rất hiếm gặp.
"Thịnh Lộc có đường bờ biển dài, người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy, hải sản để cải thiện kinh tế. Toàn xã có 10 đội đánh bắt cá theo phương thức truyền thống, gọi là lái cao, mỗi đội 10-12 người", ông Phong nói.
Cá đù sống gần bờ, thân bầu dục, đầu to, vây lưng trước có tia gai cứng, phía sau mềm. Loài này ít xương, thịt ngọt, giàu chất dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng. Thương lái thường bán cho nhà hàng, khách sạn để chế biến các món ăn như gỏi, rim chua ngọt, nướng, kho nghệ, chiên tỏi ớt...