Vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch (Hương Khê). Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại huyện Hương Khê và kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố cùng các sàn thương mại điện tử trên toàn quốc.
|
Bưởi Phúc Trạch được coi là đệ nhất danh quả được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng sản phẩm và giá trị dinh dưỡng. |
Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, được coi là “Đệ nhất danh quả” của tỉnh và được người dân trong và ngoài nước biết đến và ưa chuộng.
Bưởi Phúc Trạch đã được số hóa, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trên 40% diện tích vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, còn lại là sản xuất theo hướng hữu cơ, truyền thống.
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã được phân phối khắp trên các hệ thống phân phối, bán lẻ uy tín như siêu thị Winmart, Co.op mart, Big C, hệ thống gian hàng trực tuyến quốc gia và các sàn thương mại điện tử lớn.
Đặc biệt, hiện có đối tác ở Nhật Bản, Singapore, Đức đang tìm hiểu, khảo sát và hoàn thiện thủ tục xuất khẩu.Hiện nay, tổng diện tích trồng tại 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch là 2.714ha, trong đó có 1.920ha bưởi thời kỳ cho quả tổng sản lượng hơn 23.000 tấn.
Toàn huyện có 122 tổ hợp tác với diện tích 730ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; 01 THT sản xuất bưởi Phúc Trạch (6,5ha) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; một số mô hình đang phát triển theo hướng hữu cơ.
Cùng tập trung chỉ đạo đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu; huyện đã quan tâm hướng dẫn, đồng hành với nhân dân tham gia chuyển đổi số nhằm gia tăng giá trị của bưởi Phúc Trạch; chỉ đạo, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc bưởi Phúc Trạch nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Tại hội nghị kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, đại diện chính quyền địa phương cùng các hợp tác xã, tổ hợp tác và các sàn thương mại điện tử đã trao đổi, thảo luận về những giải pháp để đẩy mạnh việc sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Bưởi Phúc Trạch đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước bảo đảm bền vững và hiệu quả cao.
Đồng thời các đơn vị, tổ chức đã kết nối, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa các hộ gia đình, hợp tác xã với các doanh nghiệp phân phối, kênh siêu thị và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, bảo đảm chủ động, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.