Khơi sức dân trong xây dựng nông thôn mới đã và đang giúp các địa phương về đích đúng hẹn, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cuộc sống của người dân trên khắp các bản làng trong tỉnh.
|
Đường thôn Việt Thành 2, xã Tân Thành (Hàm Yên) đổ bê tông theo phương châm Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ. |
Lan tỏa phong trào hiến đất
Phong trào hiến đất làm đường thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, góp phần không nhỏ giúp các xã hoàn thành tiêu chí về đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Xã Tân Thành (Hàm Yên) hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2021 nhờ huy động tốt sức dân. Tổng số vốn huy động được trên 413 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 137 tỷ đồng, chiếm 33% tổng số tiền đầu tư cho quá trình xây dựng nông thôn mới của xã và là một trong những xã đứng đầu về huy động nguồn lực từ nhân dân. Ông Đỗ Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tân Thành khẳng định: thành công trong xây dựng nông thôn mới chính là sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là phong trào hiến đất. Toàn xã có trên 120 hộ dân hiến trên 10.000 m2 đất được người dân tự nguyện hiến để làm hạ tầng, điển hình như ở thôn Việt Thành 2, thôn 2 Tân Yên...Tuyến đường liên thôn dài trên 3,5 km ở thôn Cường Đạt, xã Tân Long (Yên Sơn) mở rộng 7 m, đoạn cua mở rộng từ 9 đến 10m. Đây là “sức mạnh của lòng dân” trong hiến đất, hiến công, hiến của để chung tay thực hiện nông thôn mới. Ông Lưu Trung Thư, Trưởng thôn Cường Đạt cho biết, thôn được xã chọn là thôn kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới của xã. Ngay sau đó, thôn đã họp, vận động 116 hộ dân trong thôn đồng thuận hiến đất để mở rộng tuyến đường liên thôn, cũng là con đường chuyên chở nông lâm sản chính của thôn.
Toàn thôn có 46 hộ hiến 7.000 m2 và đóng góp trên 100 triệu đồng để làm tuyến đường. Phong trào hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới ở Cường Đạt đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Thuật, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho hay, người dân tuy còn nhiều khó khăn nhưng khi bàn về đầu tư bê tông hóa đường giao thông nông thôn thì ai cũng nhất trí. Xã có nhiều cách làm riêng để huy động sức dân và đẩy nhanh tiến độ xây dựng giao thông nông thôn. Các thôn đã bầu ra ban vận động, ban xây dựng và ban giám sát công trình, trong đó thành viên của các ban là những đảng viên và quần chúng có uy tín. Ban vận động đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động đóng góp, ban xây dựng thiết kế công trình công khai các khoản tài chính để nhân dân giám sát, kiểm tra. Phong trào hiến đất làm đường giao thông ở thôn Cường Đạt đã lan tỏa ra cả xã Tân Long. Trong năm 2021, xã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông mới, thành quả này có dấu ấn sức dân trên mọi tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí giao thông. Toàn xã có trên 200 hộ hiến 20.000 m2 đất để san ủi, mở rộng mặt bằng làm trên 10 km đường nội thôn, liên thôn, nội đồng và góp hàng nghìn ngày công lao động.
Nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là xây dựng nông thôn mới ngoài việc tập trung cơ sở vật chất khang trang, bộ mặt nông thôn được đổi mới thì nhiệm vụ quan trọng là phải nâng cao đời sống của người dân. Với tinh thần đó, để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cũng xác định rõ vai trò chủ thể của người dân, Nhà nước hỗ trợ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.Xã Thái Bình (Yên Sơn) xã đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Quyết tâm về đúng hẹn, xã đã lựa chọn điểm nhấn “tổ chức sản xuất” để nâng cao tiêu chí thu nhập, yếu tố giúp người dân trong xã vươn lên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xã đã tập trung phát triển cây, con có thế mạnh của xã là cây nhãn, cây lâm nghiệp và nuôi ong lấy mật. Theo đó, xã đã xây dựng vùng nhãn đặc sản, hướng tới chất lượng cao với diện tích 140 ha. Kèm với đó, xã xây dựng và phát triển sản phẩm mật ong nhãn Bình Ca và mật ong rừng Bình Ca của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu, sản phẩm mật ong đạt OCOP 3 sao.
Cùng với đó, người dân trong xã đã phát huy thế mạnh đất rừng sản xuất, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hiện Thái Bình có trên 1.700 ha, trong đó có 100 ha rừng phòng hộ, 1.600 ha rừng trồng. Người dân đã trồng trên 120 ha rừng trồng giống chất lượng cao và có 397 ha đã đăng ký cấp chứng chỉ rừng FSC để nâng cao hơn hiệu quả kinh tế. Từ chủ động phát triển kinh tế, đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 55,6 triệu đồng/người vào cuối năm 2021. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 100%. Yếu tố này đã góp phần quan trọng đưa xã Thái Bình về đích nông thôn mới kiểu mẫu thành công.
Câu chuyện khơi dậy sức dân của mỗi địa phương trong tỉnh là những bài học thực tiễn quý, là minh chứng cho thấy Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng từ phía người dân. Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, qua triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã khơi dậy sức sáng tạo, phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết gắn bó từ mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chỉ riêng 6 tháng năm 2022, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động nhân dân hiến gần 30.000 m2 đất, huy động đóng góp 20,3 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.
Mỗi công trình, mỗi bản làng đều có công sức, đóng góp của người dân, đưa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự có sức sống ở mỗi địa phương.