Tỷ phú nông dân Lâm Đồng có nụ cười tỏa nắng, trồng cây cảnh bán lá khổng lồ mà giàu lên
Nhận thấy tiềm năng từ cây trầu bà Nam Mỹ, anh Đào Duy Thế, Thôn 9, xã Hòa Ninh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã quyết định phát triển loại cây này, mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm cho gia đình.
|
Trồng trầu bà Nam Mỹ đem lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình anh Đào Duy Thế, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. |
Anh Đào Duy Thế kể, gia đình có kinh nghiệm trồng hoa hồng môn từ năm 2011, sau 8 năm trồng hoa cung cấp cho thị trường, hồng môn bị bệnh, năng suất không cao, kinh tế gia đình vì thế mà ảnh hưởng.
Năm 2019, anh bắt đầu tìm hướng đi mới, sau khi vừa làm vừa tìm hiểu thị trường, mức tiêu thụ, giá cả, cung cầu, anh nhận thấy rằng ở Lâm Đồng có hàng ngàn hécta trồng hoa các loại nhưng diện tích trồng cây lấy lá để tô điểm cho hoa còn khan hiếm.
Anh nghĩ, bất kể một bó hay lẵng hoa dù lớn hay nhỏ đều cần phải dùng đến các loại lá để trang trí, trong đó anh nhận thấy cây trầu bà Nam Mỹ có nhiều ưu điểm vượt trội như: dễ canh tác, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, giá cả ổn định…
Từ ý tưởng đó, anh Thế tìm hiểu diện tích trong nước, nhu cầu thị trường và quyết định liên hệ, tìm nguồn hạt giống cây ở Hà Lan và Mỹ về ươm trồng thử nghiệm.
Sau khi đặt mua giống, trồng và chăm sóc được 6 tháng, vườn trầu bà Nam Mỹ đã có những chiếc lá to đẹp, xanh tốt cho thu hoạch…
Anh lựa chọn những lá đẹp nhất, mang xuống chợ đầu mối hoa Hồ Thị Kỷ tại Thành phố Hồ Chí Minh chào hàng. Lá được thị trường chấp nhận, chào đón và đặt mua, mở ra cơ hội phát triển vườn của gia đình.
Nắm được nhu cầu ngày càng nhiều, có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính hơn như Hà Nội, Hải Phòng…, anh tiếp tục đầu tư tăng dần diện tích. Sau 3 năm, anh Thế nhân rộng vườn trồng trầu bà Nam Mỹ lên được 0,7 ha.
Qua nhiều năm trồng và chăm sóc, anh Thế nhận thấy cây trầu bà Nam Mỹ thời gian thu hoạch dài (từ 9- 10 năm) mới phải thay cây mẹ. Đây là loại cây nhiệt đới, xuất xứ ở vùng châu Mỹ, ít gặp sâu bệnh nên việc chăm sóc cây cũng dễ dàng, với đặc tính phát triển rất nhanh, cành lá sum suê, tán cây xoà rộng, xanh tốt, cây trầu bà Nam Mỹ phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Di Linh.
Ngoài ra, trong việc bón phân cho cây, anh áp dụng các biện pháp sinh học là chủ yếu nên không ảnh hưởng đến môi trường.
Vườn lá cảnh của anh Thế cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày. Đầu ra rất ổn định, trồng theo hợp đồng, giá có trước nên nông dân sản xuất bao nhiêu sẽ ước tính được thu nhập của mình.
Giá bán lá trầu bà Nam Mỹ tùy thuộc vào chiều cao và chất lượng sản phẩm được phân loại A, B, C, nhưng trung bình ở mức từ 5.000 đến 7.000 đồng/lá. Với phương pháp trồng gối đầu, gần như ngày nào anh cũng có hàng để xuất bán, thu nhập khoảng 400 triệu đồng/sào/năm.
Anh Thế cho biết thêm, hiện nay sản phẩm lá trầu bà chưa đủ cung cấp cho các đầu mối, đặc biệt vào các dịp lễ, tết luôn “cháy hàng”.
Trong thời gian tới, gia đình anh tiếp tục mở rộng vườn cây, đồng thời thực hiện cung cấp cây giống cho người dân có nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất. Anh chia sẻ kinh nghiệm trồng và mong muốn một số hộ quanh vùng trồng cùng anh để ổn định sản lượng.
Được biết, những năm gần đây phong trào chơi cây cảnh trầu bà Nam Mỹ rất phổ biến, bởi vẻ đẹp cuốn hút của cây. Trong ý nghĩa phong thủy, cây mang lại sự may mắn, tài lộc, ngoài ra cây còn có khả năng lọc sạch toàn bộ khí thải từ đồ dùng điện tử, máy móc văn phòng, trong nhà, làm cho không khí trong phòng được trong lành, thoáng mát hơn.
Do vậy, việc bán cây để làm cảnh cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao cho gia đình, mỗi ngày anh còn bán được từ 20 - 30 chậu cây trầu bà Nam Mỹ với giá từ 150.000 đến 350.000 đồng/chậu, nếu cây đã thành hình và trưởng thành, người chơi chỉ việc đem về nhà chưng thì có giá 1 - 1,5 triệu đồng/chậu.
Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) nhận xét, anh Đào Duy Thế là người tiên phong mở lối mới bằng việc trồng cây lấy lá, đây là mô hình thành công cho thu nhập hàng tỷ đồng. Tuy mức đầu tư ban đầu cao nhưng thu được lợi nhuận kinh tế tốt, nhanh thu hồi vốn, công việc chăm sóc dễ dàng, rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết của địa phương nên dễ áp dụng cho nông dân.
Hiện nay thị trường đang phát triển, anh Thế sẵn sàng cung cấp giống và thu mua cho nông dân nếu họ muốn chuyển đổi cây trồng. Mô hình trồng trầu bà Nam Mỹ này, đã mở ra hướng chuyển đổi giống cây trồng mang lại giá trị cao, ổn định, góp phần làm phong phú, đa dạng ngành Nông nghiệp bên cạnh cây trồng chủ lực là cà phê trong thời gian tới của địa phương.