Nỗ lực khắc phục ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi
09:56 - 25/07/2022
(MTNT)- Theo tính toán thì lượng chất thải rắn mà đàn vật nuôi tại Việt Nam có thể thải ra (kg/con/ngày) tương ứng là: Bò 10, trâu 15, lợn 2, gia cầm 0.2. Như vậy hàng năm, đàn vật nuôi nước ta thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25-30 triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại); trong đó, khoảng 50% lượng chất thải rắn (36,5 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20-24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý.
Hàng năm, đàn vật nuôi nước ta thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn và 25-30 triệu khối chất thải lỏng.


Môi trường trong chăn nuôi đang bị ô nhiễm bởi các nguyên nhân, như: Chất thải rắn, chất thải lỏng, xác gia súc, gia cầm chết không được tiêu hủy đúng kỹ thuật và quy trình... Các chất thải này được thải trực tiếp ra ngoài môi trường nếu không qua xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn đất, nguồn nước, không khí. Ngoài ra, các trang trại chăn nuôi nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, người dân chưa chú trọng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải. Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh...
 
 
Để giải quyết triệt để tình hình ô nhiễm môi trường từ các hộ chăn nuôi, các địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp. Điển hình tại Hà Nội, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động chăn nuôi khoảng 3,9 triệu tấn/năm, hoạt động giết mổ khoảng 20.744 tấn/năm và hơn 2.664 triệu lít nước thải/năm.
 
 
Trong những năm qua, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 41.000 hệ thống biogas, theo chương trình sử dụng khí sinh học với nhiều công nghệ khác nhau như: Xây gạch và composite, có 04 công trình xử lý công nghệ CDM, sử dụng hệ thống bạt HDPE, góp phần giảm bớt được 80-90% mùi hôi của chuồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các vùng nông thôn, cải thiện chỉ số chất lượng không khí.
 
 
Sử dụng công nghệ làm hầm biogas bằng nhựa Composite, nhựa HDPE và máy ép phân vừa xử lý chất thải, vừa tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt và là nguyên liệu để làm phân bón. Trong  đó, chăn nuôi bò sữa có 155 hệ thống biogas (chiếm 75% số trại bò sữa), chăn nuôi bò thịt có 278 hệ thống biogas (chiếm 44% số trại chăn nuôi bò thịt), chăn nuôi lợn có 1.162 hệ thống biogas (chiếm 95% số trại chăn nuôi lợn) và 34% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Có trên 70% cơ sở chăn nuôi sử dụng khí biogas để phục vụ sinh hoạt (chủ yếu đun, nấu) và nước thải, chất thải sau xử lý sử dụng vào lĩnh vực trồng trọt.
 
 
Thành phố cũng đã có một số đề tài xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi đạt hiệu quả tích cực như: Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bò tại huyện Gia Lâm; dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong xử lý chất thải động vật, thực vật làm phân bón cho sản xuất một số loại rau hữu cơ tại huyện Thạch Thất; Đề tài nghiên cứu, sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thông qua chất độn lót chuồng trong chăn nuôi đại gia súc.
 
 
Cùng với việc xử lý môi trường chăn nuôi, việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược để phục vụ chăn nuôi theo hướng hữu cơ như: Chăn nuôi lợn hữu cơ, không xả thải ra môi trường tại trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn), chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học tại các huyện Phúc Thọ, Thường Tín, Quốc Oai; chăn nuôi lợn thảo dược tại huyện Thạch Thất... Việc tận dụng chất thải trong chăn nuôi để nuôi giun quế và sản phẩm giun quế phục vụ trực tiếp làm thức ăn cho lợn, gia cầm của nhiều trang trại, gia trại cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
 
Tại Thanh Hóa, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, hiện các địa phương trong tỉnh đang khuyến khích người dân đầu tư chuyển đổi quy mô nhỏ lẻ sang trang trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi an toàn dịch bệnh... với những vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân xây dựng hầm biogas, hệ thống thoát nước, xử lý bằng ủ phân hữu cơ, chế phẩm sinh học...
 
 
Điển hình là anh Phan Văn Giang, xã Yên Tâm (huyện Yên Định) đã ứng dụng công nghệ đệm lót lên men cho trang trại chăn nuôi gà. Nguyên liệu làm đệm lót chủ yếu là trấu và mùn cưa, sử dụng men vi sinh Balasa N01 phối trộn cùng cám gạo và bột bắp. Từ đó tạo ra vi sinh vật có ích, cấu tạo thành sợi men giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi. Đệm lót men sinh học được sử dụng trong thời gian 6 tháng thì tiến hành thay thế bề mặt trên và rải lớp lót mới. Chi phí làm đệm lót có giá thành thấp, 1kg men có thể làm đệm cho chuồng nuôi từ 30 – 50m2 với giá thành từ 50.000 - 60.000 đồng và dễ dàng tìm mua trên thị trường... Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học không những giúp đàn gà khỏe mạnh mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí thuê nhân công; tiết kiệm khoảng 70% lượng trấu sử dụng so với phương pháp chăn nuôi truyền thống; mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
 
 
Hiện nay người chăn nuôi còn sử dụng thức ăn hữu cơ phối trộn với men sinh học để giảm thiểu quá trình hình thành các chất thải gây mùi như H2S, NH3, góp phần cải thiện môi trường chăn nuôi.


Đối với các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, người dân đầu tư xây dựng chuồng trại thoáng mát, sử dụng các loại máy sát trùng, bơm phun, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hầm biogas... Đồng thời, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi lợn thảo dược...
 
 
Bên cạnh các giải pháp phổ biến trên, hiện nay người chăn nuôi còn sử dụng thức ăn hữu cơ phối trộn với men sinh học để giảm thiểu quá trình hình thành các chất thải gây mùi như H2S, NH3; hạn chế điều kiện phát triển của các vi khuẩn gây mùi, góp phần cải thiện môi trường chăn nuôi. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, dọn dẹp chuồng trại và khu vực chăn nuôi, thu gom rác về nơi quy định để xử lý và phun khử trùng khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng để tiêu diệt nguồn mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường.
 
 
Tại tỉnh Lào Cai, nhiều địa phương trên địa bàn đã nghiên cứu, nhân rộng những mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Điển hình như xã Dìn Chin (huyện Mường Khương) đã tuyên truyền người dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xử lý chất thải chăn nuôi, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở. Đến nay, hầu hết người dân đã nhận thức được việc nuôi nhốt gia súc gần nhà sẽ gây ô nhiễm môi trường, sinh ra nhiều loại bệnh nên đã tự giác di dời.
 
 
Hay xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) đã rà soát các hộ chăn nuôi chưa xây dựng chuồng trại hợp lý, tuyên truyền, vận động người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở, xem đây là một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa trong năm. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ xã đến các thôn gương mẫu làm trước.
 
 
Để đổi mới tư duy trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với một số đơn vị triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp cho người dân, xây dựng công trình bể khí sinh học, tổ chức các lớp hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm trồng trọt… Qua đó, các học viên được học lý thuyết, xem phim hướng dẫn và thực hành tại chỗ.
 
 
Đến nay, ngành nông nghiệp triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp, hỗ trợ các hộ chăn nuôi làm hầm biogas. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.000 hộ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas, còn lại đa số xử lý chất thải chăn nuôi bằng biện pháp sử dụng hố ủ phân, hố chứa phân hoặc mô hình ủ phân bằng chế phẩm sinh học... Có 343 trang trại áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas, đệm lót sinh học và sử dụng các chế phẩm sinh học.
 
 
Tiêu biểu là mô hình xử lý chất thải chăn nuôi của Hợp tác xã Chăn nuôi Quý Hiền, xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng). Hợp tác xã hiện có 6 trang trại nuôi lợn, quy mô 700 con lợn nái và hơn 8.000 lợn thịt, sản phẩm chăn nuôi xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn và bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh.
 
 
Do chăn nuôi quy mô lớn nên việc đảm bảo vệ sinh môi trường được Hợp tác xã bố trí trang trại cách xa khu dân cư, hoàn toàn khép kín. Hợp tác xã còn áp dụng công nghệ ép tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi lợn. Hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc, các chất rắn được giữ lại ép khô, nước theo đường riêng chảy vào bể biogas xử lý tiếp. Phân khô được sử dụng bón cho cây trồng và khí từ bể biogas có thể sử dụng đun nấu, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.
 
 
Hay Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) có 15 thành viên, quy mô nuôi 160 nghìn con gà thương phẩm/năm. Phương pháp xử lý chất thải mà Hợp tác xã đang áp dụng là sử dụng đệm lót sinh học được làm bằng nguyên liệu trấu, mùn cưa, rơm, rạ... trộn với men vi sinh để phân hủy chất thải, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường sạch.
 
 
Hiện công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi ở tỉnh có thể chia thành 2 nhóm: Nhóm chăn nuôi trang trại và nhóm chăn nuôi hộ gia đình. Ðối với nhóm chăn nuôi trang trại, các chủ trang trại đã chú trọng đầu tư khá toàn diện, đặc biệt là đã áp dụng những công nghệ tiên tiến ép tách phân, sử dụng bể chứa biogas, đệm lót sinh học... Qua đánh giá của ngành chuyên môn, tác động môi trường tại các trang trại này đều cho kết quả tốt.
 
 
Ðối với chăn nuôi hộ gia đình, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đầu tư xây dựng chuồng trại xa khu dân cư; hướng dẫn xử lý chất thải đúng cách và tận dụng chất thải làm phân bón cho cây trồng nên tình trạng ô nhiễm môi trường đang từng bước được hạn chế. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm những cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi dần được nâng cao.
 
 
Có thể thấy, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, hàng hóa; khuyến khích chăn nuôi trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng cơ sở giết mổ, gia súc, gia cầm tập trung. Đồng thời, tăng cường các chế tài xử lý, đủ sức răn đe đối với các cơ sở không thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trong chăn nuôi…

Tuấn Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn