Nuôi thành công cá tầm-dòng cá nước lạnh trên sông Đuống ở Bắc Ninh
15:07 - 28/07/2022
Tìm hiểu kỹ lưỡng, nhạy bén và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, anh Hoàng Huy Tập (xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã mạnh dạn đưa cá tầm (một loại cá đặc sản, ưa sống trong môi trường nước lạnh) vào nuôi thành công...
Thành công từ mô hình nuôi cá tầm trên sông Đuống của anh Hoàng Huy Tập mở ra hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh).


Mô hình nuôi cá tầm nước lạnh trên sông Đuống ở xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) mở ra hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao trong nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

Mô hình nuôi cá tầm trong lồng trên sông của anh Hoàng Huy Tập được khởi phát từ đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh cá tầm Siberi (Acipenser baerii) thương phẩm bằng lồng trên sông” do Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp Phòng NNPTNT huyện Thuận Thành thực hiện từ năm 2019.

Anh Tập từng có thời gian làm việc ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và có đam mê với nghề nuôi cá tầm. Năm 2017, anh lên Sapa (Lào Cai) để thuê mặt nước nuôi cá tầm do đây là loài cá thích hợp với khí hậu lạnh.

Hai năm sau, khi được Chi cục Thủy sản hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng lồng nuôi, thức ăn, con giống, anh mạnh dạn đăng ký tham gia đề tài với quy mô ban đầu gồm 2 lồng nuôi 4.000 con cá tầm ngay tại quê hương.

Cá tầm được mệnh danh là loài “cá nước lạnh” bởi chỉ ưa sống và sinh trưởng tốt ở nhiệt độ nước từ 8-22 độ C. Nuôi cá tầm đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật chăm sóc, trong đó nhiệt độ và môi trường nước đóng vai trò quan trọng nhất.

Do vậy, lồng cá phải thả ở độ sâu từ 3-3,5m để giữ nhiệt độ mát mùa hè, không quá lạnh vào mùa đông. Nước phải luôn sạch, khi bị vẩn đục cần có biện pháp vệ sinh ngay. Thời gian sinh trưởng của cá tầm khá dài, từ 14 đến 18 tháng/1 lứa.

Thức ăn cho cá tầm hiện nay phần lớn là thức ăn công nghiệp. Bên cạnh đó, nên bổ sung thường xuyên thức ăn tươi sống: giun đất, tép cỏ…

Trong quá trình chăm sóc, cần cho ăn đúng, đủ liều lượng và thời gian. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, biết cách điều chỉnh thức ăn, độ nông sâu của lồng cá theo từng mùa, nên các lồng cá tầm đều sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 12 tháng, cá đạt trọng lượng cá tầm từ 1,8 - 2,5 kg/con.

Đến nay sau gần 3 năm triển khai, mô hình nuôi cá tầm của anh Hoàng Huy Tập mỗi năm cho thu hoạch khoảng 25 tấn cá tầm, với giá bán cá tầm bình quân 200 nghìn đồng/1 kg. Hiện nay, thay vì phải đi mua phôi giống từ Sa Pa (Lào Cai) như trước đây, anh Tập đang xây dựng hệ thống ươm nuôi và thuần hóa nhiệt độ khoảng 1 vạn con cá tầm giống.

Quá trình ươm giống trong môi trường tự nhiên diễn ra từ tháng 10 âm lịch đến tháng 2 năm sau. Khi cá tầm được thuần hóa dần và thích nghi với môi trường mới thì anh mới bắt đầu thả nuôi trong lồng trên sông Đuống.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vì vậy ngoài nuôi cá tầm, anh Tập còn nuôi một số loại cá khác trong lồng bè như: cá lăng, cá chiên, cá chép, cá trắm…. với tổng số 14 lồng cá các loại.

Toàn bộ quy trình nuôi cá đều được anh áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng các nguồn thức ăn từ tự nhiên cũng như có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng. Bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng từ việc nuôi cá lồng trên sông.

Thành công từ mô hình cá tầm trên sông Đuống của gia đình anh Hoàng Huy Tập đã mở ra triển vọng mới giúp người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Thuận Thành nói riêng và các hộ nuôi các lồng trong tỉnh có thể áp dụng thực hiện để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Cá tầm là giống cá đặc sản, quý hiếm, đồng thời mang đến nguồn lợi kinh tế cao. Tuy nhiên để nuôi loại cá này người dân cũng cần trang bị những kiến thức cũng như mô hình, kỹ thuật nuôi phù hợp.

Thời gian tới, anh Tập dự định mở rộng diện tích, quy mô cá tầm của gia đình và hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nuôi cá lồng khác cùng thực hiện.

 
Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn