QUẢNG BÌNH - 5h sáng, bà Trần Thị Hiên canh thủy triều xuống rồi xách giỏ chứa đồ nghề ra ghềnh đá bên vịnh Hòn La cạy hàu kiếm 150.000-200.000 đồng.
|
Bà Hiên có khoảng 40 năm mưu sinh nhờ nghề "ăn hàu" |
Vịnh Hòn La thuộc hai xã Quảng Phú và Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Bờ biển có nhiều bãi đá ngầm, là nơi sinh sống của hàu biển. Từ hàng chục năm nay, người dân hai xã ven biển có nghề "ăn hàu", tức khai thác hàu trên ghềnh đá về bán cho nhà hàng, quán ăn hoặc sử dụng trong gia đình.
Đầu tháng 7, thủy triều xuống sớm nên từ 4h sáng, bà Hiên, 54 tuổi, trú xã Quảng Phú, thức giấc, ăn tạm bát cơm nguội rồi xách giỏ rảo bước ra phía vịnh Hòn La. Ngoài ngõ, bà Hiên gặp nhiều người cùng nghề, í ới gọi nhau, rọi đèn pin sáng rõ đường đi.
Đồ nghề gồm một cây cò mổ hàu nhỏ hình chữ T, cán gỗ, có hai đầu bằng sắt nhọn để mổ vỏ hàu khỏi mặt đá, và một con dao nằm lọt trong lòng bàn tay để tách ruột hàu khỏi vỏ. Trên hai bãi đá sát mép biển rộng khoảng 10 ha, hàng chục phụ nữ mang áo quần chống nắng, đi ủng, tay mang găng tay dày ngồi cặm cụi gõ lóc cóc trên mặt đá.
Họ dùng cuốc nhọn mổ xuống để tách lớp vở hàu bên ngoài, tay còn lại dùng con dao nhỏ tách hàu sữa bên trong, cho vào xô hoặc lon nhựa. Con hàu nhỏ bằng đầu ngón tay út, vị ngọt mát nên được nhiều người ưa chuộng.
Đến đầu giờ chiều, nước biển dâng ngập ghềnh đá, bà Hiên lại trở về với thành quả một kg hàu, bán 150.000 đồng. Làm nghề "ăn hàu" từ thời thiếu nữ, bà Hiên cho hay mỗi năm chỉ khai thác được khoảng 5 tháng mùa hè, mỗi mùa cho vài ba triệu đồng. Mùa mưa, nước biển dâng, con hàu lại sinh sôi. Ngoài cạy hàu, bà còn tranh thủ nhặt ve chai do sóng biển đánh vào mắc lại trên bãi đá.
Tương tự, bà Lê Thị Hương, 56 tuổi, cũng thức dậy từ 4 đến 6h hàng ngày để cạy hàu. Từ năm 15 tuổi, bà Hương đã theo mẹ ra biển. "Thời đó hàu nhiều, con to hơn, mổ cũng nhanh hơn nhưng giá thấp hơn giờ. Càng ngày, khai thác nhiều quá nên hàu hiếm dần", bà Hương nói. Lúc cao điểm, bãi hàu thường xuyên có 50 người khai thác. Ngày nay, hàu hiếm dần nên chỉ còn khoảng 20 người.
Tiếp xúc với con hàu sắc lẹm, dù mang bao tay, không ít lần bà Hương bị hàu cứa đứt tay chân, về đau nhức. Do ngồi nhiều tiếng liền giữa nắng nên nhiều người bị đau lưng, say nắng. Hàu khai thác về còn phải làm sạch lớp vỏ dính vào, rửa sạch rồi mới nhập cho nhà hàng, quán ăn. Lúc được giá, hàu bán đến 200.000 đồng mỗi kg, nhưng cũng có thời điểm hơn 110.000 đồng.
Dù vất vả, nhiều phụ nữ vẫn kiên nhẫn cạy hàu vì giúp họ có thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống.