Nan giải bài toán rác thải nông thôn
14:17 - 28/06/2022
(MTNT)- Việt Nam có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm tới hơn 73% dân số cả nước, mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý, thu gom, xử lý đang gặp không ít khó khăn và bất cập… khiến tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng ở nhiều địa phương.
Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong khi tỉ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40%.


Trong khi đó, theo thống kê của Bộ TN&MT, tỉ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40%; Tỉ lệ tái chế khoảng 3,24%; Còn lại phần lớn chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp vào môi trường.
 
 
Một thống kê khác cũng cho thấy, khoảng 50% các xã trong toàn quốc đã thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt, song tỉ lệ thu gom chưa đáp ứng được nhu cầu nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ và điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm.
 
 
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện mới chỉ có 47 xã đạt tiêu chí về môi trường. Cả tỉnh cũng chỉ có một số xã đã xây dựng được lò đốt chất thải rắn sinh hoạt bằng khí tự nhiên với công suất từ 150 - 500 kg/giờ như ở xã Tân Trào (Sơn Dương), lò đốt rác tại thôn Khuổi Soỏm, xã Năng Khả (Na Hang), lò đốt tại bãi rác của huyện Chiêm Hóa, lò đốt rác tại thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình)…  Còn lại, các khu xử lý rác thải (nếu có) vẫn chủ yếu theo hình thức chôn lấp.
 
 
Tiêu biểu tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên đã quy hoạch được một khu xử lý rác thải tập trung theo hình thức chôn lấp. Tuy nhiên do thiếu hiểu biết, thiếu ý thức, một số hộ dân khi mang rác thải ra khu xử lý thường có thói quen đốt luôn. Điều này đã gây ra hậu quả tai hại. Như thời điểm đầu năm 2021, do một số người dân đốt rác đã khiến cả khu xử lý rác tập trung cháy trong nhiều ngày, khói bụi, cộng với mùi của các loại rác thải bị đốt cháy ảnh hưởng đến nhiều hộ dân xung quanh. Không chỉ thế, đám cháy lan ra khu vực trồng mía của gia đình anh Vũ Gia Thành gần đấy khiến cả vườn mía đang chuẩn bị thu hoạch bị thiêu rụi hoàn toàn.
 
 
Tại 131 xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 379,571 tấn/ngày/đêm, nhưng số lượng được thu gom, xử lý khoảng 117,667 tấn/ngày/đêm. Hiện, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do các tổ, đội thực hiện bằng xe đẩy tay. Đáng chú ý, việc thu gom, xử lý mới được triển khai tại một số xã ven đô thị và các thị trấn, thị tứ, còn hầu hết các xã nông thôn, các xã vùng núi, vùng xa chưa có dịch vụ thu gom cho nên phần lớn hộ gia đình tự xử lý bằng phương pháp chôn, đốt hoặc tại các bãi chôn lấp, bãi đốt tự phát dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, nước.
 
 
Theo Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh, hiện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt bằng các lò đốt rác. Việc đầu tư các bãi chôn lấp và lò đốt rác đã cơ bản xử lý được lượng rác phát sinh. Tuy nhiên, do các bãi chôn lấp rác thải, lò đốt công suất nhỏ cho nên chưa xử lý được chất thải thứ cấp phát sinh như nước rỉ rác, khí thải từ quá trình đốt; nhận thức của nhân dân về xử lý rác thải chưa cao, nhiều nơi nhân dân vẫn chưa đồng thuận hoặc ngăn cản việc xây dựng, hoạt động của các khu xử lý rác thải. Trong khi đó, việc quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, địa phương không đủ nguồn lực đầu tư cho xử lý chất thải rắn tập trung; thiếu nhân lực quản lý; khó khăn trong bố trí quỹ đất, khả năng đầu tư, công nghệ xử lý; thiếu kinh phí cho việc quan trắc, giám sát chất lượng môi trường tại các điểm nguy cơ ô nhiễm, nhất là thiếu kinh phí triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại khu vực này.
 
Tại một số khu vực nông thôn ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum, chưa có đội thu gom dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực.


Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, tổng khối lượng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh năm 2021 khoảng 501,880 tấn/ngày, trong đó có 172,875 tấn ở đô thị và 329,005 tấn ở nông thôn. Tỷ lệ thu gom rác có sự khác nhau giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn, trong đó, tại khu vực đô thị khoảng 85% (tương đương với 146,94 tấn/ngày) và khu vực nông thôn 55% (tương đương với 180,95 tấn/ngày). Tại một số khu vực nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, chưa có đội thu gom dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực.
 
 
Hầu hết các bãi chôn lấp có quy mô nhỏ, đang trong tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, công tác thu gom, quản lý và xử lý chất thải rắn còn nhiều hạn chế. Hầu hết chất thải rắn trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom còn nhiều hạn chế, phần lớn chất thải rắn được xử lý theo hình thức chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phát sinh ruồi, muỗi, phát tán mùi hôi.
 
 
Hiện trên địa bàn thành phố Kon Tum còn đang phát triển mô hình trang trại chăn nuôi công nghiệp, nhất là chăn nuôi heo. Trong khi đó, chăn nuôi là ngành phát sinh nhiều chất thải (phân, nước thải) gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt là về mùi hôi, tanh) và tiềm ẩn nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh nếu không được kiểm soát, xử lý hiệu quả. Do đó, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi heo tập trung và chăn nuôi quy mô nông hộ trong khu dân cư còn nhiều bất cập, hạn chế.
 
 
Thực tế tại nhiều địa phương, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ chất thải được tái sử dụng, tái chế còn thấp dẫn đến lượng chất thải phải xử lý cao. Đáng lo ngại, chất thải rắn nguy hại từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật gần như chưa được thu gom.
 
 
Bên cạnh đó, chưa có sự hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Nếu như tại các khu vực đô thị, các công ty dịch vụ môi trường đô thị là các doanh nghiệp công ích nhà nước, với 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, 20% còn lại do người dân đóng góp thì các tổ dịch vụ môi trường ở nông thôn, chủ yếu do người dân đóng góp, với mức thù lao chỉ bằng từ 30 - 40% thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Người thu gom rác tại khu vực này chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhiều nơi không có hợp đồng lao động, dẫn đến tình trạng người lao động bỏ nghề hoặc không thu hút được nguồn nhân lực tham gia công tác này. Xử lý rác thải nông thôn luôn được đánh giá là “bài toán” khó trong thập kỷ nay nhưng vẫn chưa có lời giải tối ưu.
 
 
Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, có một lợi thế khi xử lý rác thải nông thôn, đó là lượng rác chiếm phần lớn là rác hữu cơ. Người dân thường có thói quen chôn lấp chúng ngay trong vườn nhà. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hoá nông thôn nhanh chóng như ngày nay, rác vô cơ ngày càng nhiều lên, trở thành một vấn đề nhức nhối trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn. Dễ thấy nhất trên các tuyến đường nội đồng, nội bản, liên xã, huyện, tại khu vực sinh sống đến các khu vực vắng vẻ xa khu dân cư là túi ni lông, chai nhựa, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, các loại rác sau thu hoạch nông nghiệp,…
 
 
Để bảo vệ môi trường nông thôn, định vị nền kinh tế tuần hoàn, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, yêu cầu đến năm 2025, phải thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn; Tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ.
 
 
Ngoài ra, 95% bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỉ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.
 
 
Theo các chuyên gia, giai đoạn 2021-2025, yêu cầu chúng ta phải có những biện pháp rất tích cực, triệt để và căn cơ thì mới giải quyết được “bài toán” về rác thải nông thôn. Đáng nói, muốn giải quyết triệt để và tối ưu vấn đề rác thải sinh hoạt, bắt buộc người dân phải phân loại tại nguồn. Tuy nhiên, bao lâu nay, việc kêu gọi người dân tự phân loại rác trước khi thải bỏ vẫn chưa đạt được hiệu quả đáng kể bởi còn quá nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ hóa quy trình phân loại tại nguồn cho tới thu gom, xử lý.
 
 
Do đó, phân loại rác đầu nguồn là việc khó khăn nhưng vẫn phải làm bởi không có cách nào khác. Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không chỉ đơn giản nói đến việc giữ gìn nhà cửa, làng xóm xanh – sạch – đẹp, mà đã được mở rộng hơn, bao gồm cả những hoạt động tiêu dùng bền vững như hạn chế tối đa túi ni lông, các đồ nhựa dùng một lần, sử dụng tối ưu thực phẩm, tăng cường tái sử dụng.
 
 
Cụ thể, theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường mới, việc xử lý rác thải sinh hoạt cần tư duy mới về những giải pháp đồng bộ, toàn diện và sáng tạo để giải quyết được nhiều vấn đề cốt lõi. Một là, làm sao có thể hệ thống hóa được việc phân loại rác tại nguồn, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng. Hai là, xác định trách nhiệm của người xả rác thải vào môi trường theo nguyên tắc người xả thải nhiều sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn. Ba là, cần tiếp cận rác thải trên cả vòng đời của sản phẩm, nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn – xanh, tức là chất thải ngành này phải thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác.

Đông Bách
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn