|
Hội ND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã tuyên truyền, vận động người dân tự giác thu gom, phân loại rác thải tại gia đình để xử lý, không vứt rác xuống sông, biển, lề đường... |
Để có được kết quả trên, Trung ương Hội đã tổ chức cuộc thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức pháp luật về nước sạch và bảo vệ môi trường cấp xã theo hình thức sân khấu hóa tại 6 tỉnh, thành: Quảng Nam, Đăk Lăk, Kon Tum, Trà Vinh, Bạc Liêu và Bình Phước. Đồng thời chỉ đạo và hỗ trợ cho 14 tỉnh, thành Hội tổ chức thi Nông dân tìm hiểu pháp luật về môi trường ở 3 cấp xã, huyện, tỉnh. Nội dung cuộc thi phong phú, nhiều tiểu phẩm hay, ý nghĩa mang tính tuyên truyền cao, có sự kết hợp với văn hóa và các loại hình dân ca của địa phương nên đã thu hút đông đảo người tham gia và cổ vũ.
Trung ương Hội còn phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia và Hội ND 23 tỉnh, thành tổ chức 46 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông về nước sạch, bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới cho hơn 4.200 cán bộ và tuyên truyên viên cấp xã. Đồng thời, kết hợp với nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tổ chức 256 lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nông thôn cho hơn 25.000 cán bộ, hội viên, nông dân. Từ đó giúp cho Hội hình thành được mạng lưới với 4.200 tuyên truyền viên cấp xã, đội ngũ cán bộ Hội có đủ kiến thức và năng lực để tuyên truyền vận động và triển khai thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường nông thôn đang sinh hoạt tại hàng trăm câu lạc bộ trên cả nước.
Hội ND cơ sở đã xây dựng các mô hình dịch vụ quản lý chất thải trong sinh hoạt và trong sản xuất. Nhiều nơi đã xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân, đem lại hiệu quả cao như: Mô hình tổ tự quản vệ sinh môi trường, đưa việc thu gom và xử lý rác thải thành nề nếp; thành lập các chi, tổ tự quản thu gom rác thải sinh hoạt tại khu dân cư và trên đồng ruộng; mô hình xử lý nước thải làng nghề nổi bật như các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình; mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, cung cấp nhiên liệu phục vụ sinh hoạt như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ…
Tại Hà Nội, Hội ND thành phố đã xây dựng thành công 462 “mô hình xanh” như: Cánh đồng sạch; cánh đồng không đốt rơm rạ; tuyến đường nông dân tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp; hàng cây nông dân; chi Hội ND đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng; tổ Hội ND thu gom rác thải; tổ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; mô hình xây dựng bể chứa rác thải, thuốc bảo vệ thực vật; một hố rác - một cây xanh…
Tại huyện Chương Mỹ, các cấp Hội ND huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên thành lập các câu lạc bộ bảo vệ môi trường; phát triển mô hình thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng, tạo dựng những tuyến đường hoa, những hàng cây xanh... Nhiều hộ nông dân đã chuyển sang trồng rau an toàn, lúa hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học… vừa tạo sản phẩm an toàn, vừa cho hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, nông dân Chương Mỹ đã xây dựng được 40 mô hình bảo vệ môi trường, trong đó có 3 mô hình hàng cây nông dân với 195 cây xanh các loại. Đặc biệt, Hội đã phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ khảo sát, thí điểm triển khai mô hình “Cánh đồng không khói” trên địa bàn các xã: Đồng Phú, Hòa Chính, Văn Võ, Thượng Vực…
Còn tại huyện Đan Phượng, trên khắp các cánh đồng trải dài tít tắp, tuyệt nhiên không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Có được kết quả này là nhờ các cấp Hội ND huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để hội viên nông dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ trong sản xuất. Cùng với đó, những năm gần đây hầu hết Hội ND các xã trên địa bàn huyện đều nhân rộng mô hình xử lý phế thải nông nghiệp sau khi thu hoạch làm phân hữu cơ. Đặc biệt là mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ ngay trên đồng ruộng được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng, thực hiện.
Cùng với đó, Hội ND các cấp đang đảm nhận hơn 4.000 đoạn đường tự quản, trong đó mỗi cơ sở Hội có một “Hàng cây nông dân”, “Đoạn đường nông dân kiểu mẫu”... Đến nay, toàn thành phố đã tổ chức trồng và gắn biển 68 hàng cây nông dân với tổng số 12.535 cây xanh; 112 tuyến đường hoa nông dân với độ dài 41km; 36 mô hình cánh đồng sạch... Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động hội viên tham gia vệ sinh môi trường hằng tuần trên các tuyến đường làng, ngõ xóm và điểm công cộng ở địa bàn thôn, xã. Từ đó đã lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Tại Quảng Bình, thực hiện kế hoạch hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội ND trong tỉnh đã trồng được hơn 64.000 cây xanh phân tán. Các cấp Hội cũng đã xây dựng mô hình điểm “Nông dân, ngư dân chung tay tham gia bảo vệ và giữ gìn môi trường biển” với nội dung thu gom rác thải ở các xã ven biển, đã hỗ trợ 75 thùng đựng rác cho các tàu đánh bắt xa bờ và đặt ở các điểm công cộng. Các cấp Hội cũng xây dựng được 91 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, 1.204 công trình tự quản do các chi Hội đảm nhận.
Điển hình như Hội ND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) đã tuyên truyền, vận động người dân tự giác thu gom, phân loại rác thải tại gia đình để xử lý phù hợp, tham gia đóng phí thu gom rác thải 30.000 đồng/hộ/tháng, không vứt rác xuống sông, biển, lề đường... gây tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiện, Hội ND xã đã thành lập tổ “Duy trì bảo vệ môi trường ở các bến sông” với hơn 20 hội viên tham gia. Hội còn vận động ngư dân các tàu cá tự giác thu gom rác thải trên vùng biển mình khai thác hải sản; tuyên truyền lắp đặt các điểm thu gom rác thải trong khu dân cư, tạo thuận tiện trong việc thu gom rác. Nhờ đó, ý thức của các hộ dân địa phương ngày càng được nâng cao, thôn xóm ngày càng xanh-sạch-đẹp.
Các cấp Hội ND huyện Quảng Trạch còn hướng dẫn hội viên thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình, xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình “Đoạn đường nông dân tự quản”. Hội đã chăm sóc 350 cây giáng hương trên tuyến đường “Nông dân kiểu mẫu” ở xã Quảng Xuân; chỉ đạo Hội ND các xã: Cảnh Hóa, Quảng Đông tích cực vận động, hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giúp địa phương đạt 19/19 tiêu chí và về đích nông thôn mới năm 2021.
Có 122/122 chi Hội đảm nhận các công trình tự quản. Hội viên toàn huyện đã thực hiện tốt quy định vệ sinh an toàn lao động, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn, thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ các thủ tục lạc hậu, thực hiện hương ước xóm, thôn, giữ gìn vệ sinh môi trường...
Tại thành phố Đồng Hới, các cấp Hội ND đã tích cực tham gia vệ sinh môi trường tuyến biển, thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định, xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi làm chuồng trại hợp vệ sinh, hướng dẫn hộ nông dân thu gom rác thải... Đã có 126 mô hình Hội ND tham gia bảo vệ môi trường, tiêu biểu như mô hình: Đăng ký thu gom rác thải; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng sinh học...
Hội ND tỉnh Hậu Giang rất chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường cho hội viên; hướng dẫn và vận động hội viên nông dân thu gom, phân loại chất thải ngay tại gia đình; huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn. Đồng thời, tuyên truyền người dân cùng chung tay thực hiện đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong tháng 3 vừa qua, Hội ND tỉnh đã ban hành, triển khai kế hoạch thực hiện đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đến cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. Thông qua các buổi họp, sinh hoạt định kỳ của chi, tổ Hội ở ấp, khu vực, Hội ND các cấp tuyên truyền về các nội dung của đề án, chính sách pháp luật về môi trường; vận động cán bộ, hội viên chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho 76.239 cán bộ, hội viên, nông dân. Đồng thời, tuyên truyền thông qua bản tin Hội ND về nội dung trong đề án Hậu Giang xanh như bảo vệ môi trường ở nơi công cộng và trong cộng đồng, xử lý chất thải trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường như mô hình thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Từ đầu năm đến nay đã thành lập được 5 tổ thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật với 73 thành viên, nâng tổng số tổ thu gom lên 438 với 3.216 thành viên. Qua đó nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, sống hài hòa và thân thiện với môi trường, từng bước chuyển biến hành vi của cán bộ, hội viên nông dân về các hoạt động bảo vệ môi trường.
Song song đó, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các thành phố: Vị Thanh, Ngã Bảy phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tham gia thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án Hậu Giang xanh. Đến nay Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vị Thanh đã chọn 500 hộ thuộc phường I, III, IV, V, VII và xã Tân Tiến. Còn Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Ngã Bảy đã chọn được 100 hộ thuộc ấp Đông Bình, xã Tân Thành, để thí điểm mô hình. Thông qua công tác tuyên truyền và thực hiện các mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động cụ thể về bảo vệ môi trường của cán bộ, hội viên, nông dân.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường trong sản xuất, xử lý chất thải trong sinh hoạt ở địa bàn nông thôn.