Nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng, năng suất 20 tấn/ha, nông dân lời hàng tỷ đồng
Theo tính toán mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng có năng suất tôm nuôi sau thu hoạch khoảng 20 tấn/ha/vụ, lợi nhuận thu về hàng tỷ đồng/năm...
|
Nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng góp phần tăng năng suất, sản lượng tôm, đặc biệt tôm nuôi giảm rủi ro dịch bệnh |
Sau 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022) và từ khi Sóc Trăng triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì tất cả các lĩnh vực thuộc nông nghiệp đều phát triển vượt bậc.
Theo đó, cây trồng, vật nuôi đã cho năng suất cao, chất lượng tốt, trong đó lĩnh vực thủy sản được xem là kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phát triển nhanh trên cả 3 lĩnh vực về khai thác, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu, góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh, trọng tâm là con tôm nuôi nước lợ.
Ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao
Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng năm 1992 hơn 19.000ha nhưng đến năm 2021 diện tích tăng lên 76.530ha (tăng gần 4 lần), trong đó diện tích tôm nuôi nước lợ 53.000ha, tăng gần 37.000ha so năm 1992, sản lượng tôm thu hơn 183.200 tấn, tăng hơn 100 lần so năm 1992.
Diện tích tôm nuôi nước lợ tập trung tại các huyện: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú và TX. Vĩnh Châu, trong đó tôm sú và tôm thẻ chân trắng là 2 đối tượng được nuôi chủ yếu. Cùng với đó, nhiều mô hình nuôi tôm được nhân rộng như: mô hình tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm semi biofloc…
Thông qua các mô hình nuôi tôm do ngành chuyên môn triển khai hướng dẫn cùng công tác tuyên truyền đến người dân về hiệu quả của các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) thì khoảng 10 năm trở lại đây, các hợp tác xã (HTX), hộ nuôi tôm đã dần chuyển đổi hình thức nuôi tôm truyền thống ao đất, sang nuôi tôm trong ao lót bạt; nuôi tôm 2, 3 hay nhiều giai đoạn kết hợp lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động.
Theo đó, mô hình nuôi tôm lót bạt 2, 3 giai đoạn được xem là mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC, với diện tích toàn tỉnh hơn 4.000ha, chiếm trên 9% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh, đây là mô hình bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, tôm nuôi được kích cỡ lớn, đạt năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Đề (Sóc Trăng) Trần Hoàng Dũng chia sẻ: “Trần Đề là một trong những địa phương nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, trên địa bàn huyện có các công ty, doanh nghiệp chế biến thủy sản triển khai các khu nuôi tôm lớn quy mô hơn 100ha ứng dụng CNC.
Song song đó, hộ nuôi tôm tại huyện đã dần chuyển đổi nuôi tôm ao đất sang nuôi tôm CNC nên năng suất tôm nuôi tăng đáng kể. Theo tính toán mô hình nuôi tôm công nghệ cao có sản lượng tôm nuôi sau thu hoạch khoảng 20 tấn/ha/vụ, lợi nhuận thu về hàng tỷ đồng/năm…”.
Ngoài phát triển mạnh các mô hình nuôi tôm công nghệ cao thì trên địa bàn tỉnh khâu liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng vật tư, thu mua chế biến thủy sản xuất khẩu với các hộ nuôi, HTX được thực hiện xuyên suốt. Nhờ đó, tạo vùng nguyên liệu ổn định, an toàn cung ứng cho nhà máy chế biến trong tỉnh..
Phát triển nuôi tôm công nghệ cao bền vững
Việc ứng dụng công nghệ số, các quy trình tiên tiến, phát triển nuôi tôm theo hướng thâm canh, siêu thâm canh, CNC là một trong những xu hướng tất yếu đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng định hướng.
Để thực hiện tốt hơn nữa các ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao cũng như mô hình nuôi tôm hiện đại và liên kết chuỗi ngành hàng thủy sản bền vững, theo đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cần rà soát quy hoạch nuôi tôm của tỉnh phù hợp vùng sinh thái theo hướng tập trung, xem xét yếu tố vùng nuôi tôm ứng dụng CNC để đầu tư các công trình và cơ sở hạ tầng đồng bộ với nhu cầu của sản xuất.
Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm biển tập trung, ưu tiên thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp, thoát đối với các vùng nuôi tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng CNC; đầu tư hệ thống điện 3 pha, đặc biệt với vùng nuôi tôm CNC; phát triển giao thông phục vụ tốt cho sản xuất và logistics.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, làm đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy liên kết Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - các tổ chức tín dụng - nhà mạng - nhà bán lẻ/nhà phân phối…
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho rằng, để phát triển ngành tôm nước lợ bền vững cần rất nhiều yếu tố từ quy hoạch, phát triển vùng nuôi, cơ sở hạ tầng, khâu liên kết…
Tuy nhiên, một trong nhiều giải pháp ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện trong phát triển ngành tôm là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, hợp tác với các cơ quan nghiên cứu công lập để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phát triển ngành tôm; hỗ trợ thúc đẩy các nhà sản xuất, kinh doanh và cung ứng các sản phẩm phục vụ cho nuôi thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, chất lượng hàng hóa nuôi phục vụ nuôi tôm; đào tạo cán bộ có trình độ kỹ thuật trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm; nâng cao năng lực tiếp nhận và ứng dụng khoa học tiên tiến của người nuôi tôm…
Cùng với những “chiến lược” và sự quyết tâm của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng; sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc phát triển ngành nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC và khâu liên kết tiêu thụ tôm thương phẩm, sau thu hoạch của hộ nuôi và HTX, tương lai ngành tôm của tỉnh Sóc Trăng sẽ phát triển vững mạnh vươn lên tầm cao mới và không chỉ dừng lại ở con số hơn 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu như trong năm 2021…