Do đặc thù du lịch ở nước ta có chu kỳ mùa vụ (du lịch biển chủ yếu tập trung vào mùa Hè), lượng du khách tập trung đông vào một thời điểm khiến quá tải hệ thống thu gom rác thải, nước thải... gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động du lịch và dịch vụ biển không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị mà còn tác động lên không gian của các đô thị ven biển.
Chỉ tính riêng lượng chất thải phát sinh từ các tàu du lịch trên vịnh Bắc bộ đã ở mức trung bình 11,3kg rác thải/tàu/ngày đêm. Hiện nay, qua khảo sát các tàu du lịch biển trên vịnh Bắc bộ cho thấy, có tới 77% số tàu thải chất thải trực tiếp ra vịnh, chỉ có 20% số tàu mang chất thải vào bờ để xử lý.
Cùng với đó, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa ở các khu vực ven biển và những tác động của con người đối với môi trường được thể hiện rõ qua việc thống kê lượng nước thải sinh hoạt tại các đô thị ven biển. Ước tính tại các khu vực ven biển, lượng nước thải phát sinh sẽ vào khoảng 122-163 triệu m3/ngày, đây là một sức ép lớn đến môi trường biển. Trong nước thải sinh hoạt có chứa hàm lượng các chất hữu cơ, hợp chất chứa nitơ, chất rắn lơ lửng, các thành phần vô cơ, vi sinh vật, vi trùng gây bệnh khác... nếu không được quản lý, kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước biển ven bờ.
Theo ước tính của các nhà khoa học, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương. Nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn hoặc mắc kẹt giữa các ngư cụ dẫn đến việc sinh cảnh bị phá hủy.
Số liệu từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho thấy, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới. Ô nhiễm rác thải biển không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực. |
Theo số liệu quan trắc nhiều năm, hàm lượng chất rắn lơ lửng luôn ở mức tương đối cao tại vùng ven biển đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Hàm lượng amoni (NH4+) tại hầu hết các khu vực đã ở mức cao vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt là ở khu vực biển ven bờ miền Bắc. Hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước biển vượt ngưỡng cho phép tại hầu hết các khu vực cảng biển và đang có xu hướng gia tăng.
Tại huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), ước tính mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 8-10 tấn, chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt. Lượng rác thải thu gom trên huyện đảo này hiện mới đạt mức 6-8 tấn/ngày, trong đó phần lớn là rác thải sinh hoạt. Nguồn rác thải từ các hộ gia đình, chợ, khách sạn… được tập kết về bãi rác Voòng Xi, thuộc khu 4, thị trấn Cô Tô để chôn lấp. Tuy nhiên, số rác thải trên chủ yếu mới được thu gom tập trung ở các tuyến đường trung tâm thị trấn. Trong khi đó, một số khu vực như xã Thanh Lân, Đồng Tiến và các bãi biển có đông khách du lịch, việc thu gom rác thải lại rất hạn chế.
Tại huyện đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng), lượng chất thải chủ yếu tập trung từ hai nguồn là dân cư trên đảo và hoạt động du lịch. Trung bình mỗi ngày đảo Cát Bà phát sinh 58,6m3 chất thải rắn các loại, thu gom được khoảng 40,74m3 (chiếm 71%). Trong đó, rác thải phát sinh do hoạt động sinh hoạt, thương mại du lịch chiếm 80-85%; rác thải xây dựng, chế biến nuôi trồng thủy sản chiếm 10-13%, rác thải y tế khoảng 3-5%, các loại khác chiếm khoảng 0,7-1,2%.
Theo thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ, dầu mỡ đang diễn ra ở mức khá cao và vượt mức cho phép ở gần các khu du lịch, khu đông dân cư trải dài từ Bắc vào Nam; đặc biệt là vùng cửa sông tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và dọc theo ven biển đồng bằng sông Cửu Long.
Hoạt động dầu khí, vận tải biển, với quy mô khoảng 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí cùng 272 bến cảng biển đang hoạt động với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm, nhiều năm qua có đóng góp lớn cho nền kinh tế. Ngoài nước thải lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này phát sinh khoảng 5.600 tấn rác thải dầu khí, trên 15.000 tấn dầu mỡ trôi nổi, trong đó 23 - 30% là chất thải rắn nguy hại chưa xử lý.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản làm tăng đáng kể lượng chất thải, chủ yếu là từ phân bón và thức ăn. Với tổng diện tích nuôi tôm là hơn 600.000ha trên cả nước, hằng năm, gần 3 triệu tấn chất thải rắn thải bỏ ra môi trường.
Bên cạnh đó, tài nguyên thiên nhiên biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững. Cỏ biển trên toàn vùng biển nước ta từ Quảng Ninh đến Hà Tiên đã mất khoảng 40-60%; rừng ngập mặn mất đến 70% và khoảng 11% các rạn san hô bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng phục hồi. Thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam và ven các đảo, ở độ sâu từ 0-20 m, hiện chỉ còn khoảng trên 5.583 ha. Tại một số khu vực như đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng), thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), vùng biển tỉnh Quảng Nam…, thảm cỏ biển hầu như không có cơ hội để phục hồi tự nhiên do có quá nhiều tác động từ hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản… Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% rạn san hô, 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng, tập trung chủ yếu ở các vùng có đông dân cư như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung và một số đảo khác.
Các hệ sinh thái biển đang bị khai thác thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Một kết quả nghiên cứu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế khác cũng cho thấy, hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác. Trong đó, có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt, sản lượng đánh bắt giảm đáng kể. Nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường biển trong những năm gần đây đã làm cho nhiều loài sinh vật biển giảm mạnh về số lượng, có loài đã tuyệt chủng cục bộ. Có đến 236 loài thủy sinh quý hiếm bị đe dọa ở cấp độ khác nhau, trong đó, có hơn 70 loài sinh vật biển đã bị liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản bị khai thác ngày càng cạn kiệt cả số lượng và chất lượng. Các nguồn cá dự trữ bị suy giảm từ 4 triệu tấn vào năm 1990 xuống còn 3 triệu tấn như hiện nay...
Ở nhiều vùng biển đặc trưng, sự suy giảm nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học đã thấy rõ. Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận năm 2004. Đây không chỉ là khu dự trữ sinh quyển mà còn có tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú và đa dạng. Theo thống kê, tại Cát Bà có 196 loài cá biển, 132 loài san hô, 532 loài động vật đáy… sự đa dạng sinh học và nguồn lợi ven biển đóng góp lớn cho sự phát triển của Cát Bà. Tuy nhiên, khoảng gần 10 năm gần đây, một số nguồn lợi quan trọng tại đây đang ở tình trạng suy giảm nghiêm trọng.
Tương tự, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), nơi vốn được ghi nhận là có tài nguyên phong phú và đa dạng sinh học lớn, rạn san hô ở đây thuộc loại tốt nhất miền Bắc, với trữ lượng lớn, chỉ riêng khu vực Đông Bắc đảo - một khu vực nhỏ mà đã có đến hơn 80 loài được ghi nhận. Tuy nhiên, những năm gần đây, trữ lượng san hô cũng bị suy giảm mạnh, độ phủ của rạn ở nhiều nơi trước đây đạt đến 90%, nhưng đến nay những điểm tốt nhất chỉ còn 30 - 50%.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1989 đến nay, cả nước có hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn hàng hải, tràn ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu. Sự cố tràn dầu gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Ô nhiễm dầu làm giảm sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái. Khi cháy loang trên mặt nước, dầu tạo thành váng và bị biến đổi tính chất. Hàm lượng dầu trong nước tăng, các màng dầu làm giảm khả năng trao đổi ôxy giữa không khí và nước, dầu tràn chứa độc tố làm tổn thương hệ sinh thái.
Ngoài các sự cố tràn dầu trên biển, tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý xuống môi trường nước biển ven bờ cũng đã gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là sự cố môi trường biển do Công ty Trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra khiến hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) vào đầu tháng 4/2016 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước.
Để thực sự đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) đã nêu, việc ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.
Theo đó, cần kiểm soát hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước biển bằng biện pháp áp dụng các công cụ kinh tế và chính sách trong quản lý môi trường biển, như: Lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác…
Cần có sự liên kết phối hợp liên tỉnh, liên vùng và liên ngành chặt chẽ, hiệu quả trong việc kiểm soát các nguồn trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ, đặc biệt là nguồn thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ… dọc theo bờ biển, trên các đảo, cụm đảo; bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển.
Trong giai đoạn tới, cần tập trung tăng cường năng lực ứng phó nhanh, hiệu quả với các sự cố môi trường ở các vùng cửa sông ven biển và trên biển; xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ khối doanh nghiệp trong hoạt động giám sát và ứng phó sự cố môi trường biển; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện, năng lực ứng phó sự cố của tàu, thuyền hoạt động trên biển hoặc đi qua các vùng biển Việt Nam.