Báo động ô nhiễm môi trường đất sản xuất nông nghiệp
10:16 - 21/04/2022
(MTNT)- Theo thống kê, hiện chúng ta đang có khoảng 11,6 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn môi trường đất sản xuất nông nghiệp lại đang bị suy thoái và yếu dưới nhiều khía cạnh khác nhau (đất bị xói mòn, bị rửa trôi chất dinh dưỡng, bị giảm các vi sinh vật hữu cơ trong đất…).
Tốc độ suy thoái đất rõ rệt nhất thường rơi vào những vùng có địa hình phức tạp như: Trung du miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.


Xói mòn đất biểu hiện rõ nhất ở các khía cạnh như: Đất bị bí chặt, lý tính của đất bị suy thoái. Ví dụ đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long do dùng cơ giới hóa nhiều, máy gặt đập liên hợp rất nặng, bón toàn phân hóa học nên đất bị dí xuống, độ xốp giảm đi, khả năng giữ nước không còn, cũng không thoát nước được, rễ cây hút dinh dưỡng rất khó… Một diện tích lớn cây ăn quả nhiễm bệnh ở khu vực này cũng xuất phát từ nguyên nhân căn cơ này. Bộ rễ của cây xoài chỉ phát triển được đến khoảng 40cm, không thể “khoan” tiếp do đất bị bí chặt, dẫn đến việc cây trồng bị nhiễm bệnh.
 
 
Một thực trạng nữa, độ pH trong đất, chất hữu cơ trong đất ngày càng giảm khiến đất sản xuất nông nghiệp ngày càng chua. Ngay cả vùng đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất là đất bazan ở Tây Nguyên, từ khi trồng cà phê những năm 1980 đến nay, khi tái canh chu kỳ hai đã cho thấy độ chua trong đất tăng lên, chất hữu cơ, mùn trong đất giảm đi và những biểu hiện này ngày càng rõ rệt.
 
 
Tốc độ suy thoái đất rõ rệt nhất thường rơi vào những vùng có địa hình phức tạp như: Trung du miền núi phía Bắc hay vùng Tây Nguyên - là nơi thâm canh cây công nghiệp; đồng bằng sông Cửu Long, nơi chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu…
 
 
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và xếp đất thoái hóa vùng Tây Nguyên theo 4 mức độ: Không và thoái hóa nhẹ, có diện tích là 1,84 triệu ha (chiếm 33,7%); thoái hóa trung bình, có 2,5 triệu ha (chiếm 45,8%); thoái hóa nặng, 1,123 triệu ha (chiếm 20,5%).
 
 
Các nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy rằng, trong vòng 30 năm, đất canh tác độc canh cây cà phê đã bị chua hóa nhanh; bình quân pH đất đã giảm từ 0,5 – 1,2 đơn vị; hàm lượng các cation kiềm thổ giảm 40 – 70%; dung tích hấp thu của đất (CEC) giảm 30 – 40%; đã xuất hiện tầng tích sét ở độ sâu 30 – 40 cm; hàm lượng hữu cơ giảm 20 – 40%; đất bí chặt, thoát nước kém dẫn đến gia tăng cường độ xói mòn đất trên bề mặt sau các cơn mưa trên đất dốc. Quá trình chua hóa, giảm hàm lượng hữu cơ, các cation kiềm thổ xảy ra với tốc độ nhanh, rõ hơn trên đất canh tác cà phê có độ dốc từ 7 – 15%; trồng trần (không có cây che bóng).
 
 
Ở các vùng trồng sắn với địa hình dốc (thường là trên 8%), việc canh tác không đi đôi với biện pháp chống xói mòn và rửa trôi đất của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nông dân nghèo đã làm cho đất bị suy thoái nhanh chóng, mất sức sản xuất. Trên các diện tích này sau từ 2 – 3 năm canh tác sắn, hàm lượng hữu cơ đã suy giảm 40 – 60%; đất bí chặt, trơ sỏi đá, năng suất giảm tới 50 – 70% so với đất mới khai phá ban đầu.
 
 
Ngoài ra, có tới 60% nông dân trồng cà phê và 45% nông dân trồng tiêu sử dụng phân bón không hợp lý, mất cân đối và 70% nông dân bón phân hóa học với liều cao hơn nhiều so với khuyến cáo và so với năng suất đạt được. Lượng phân đạm được nông dân bón cho cây thường rất cao, có khi cao hơn 300% so với khuyến cáo; tiếp đến là lượng lân cao hơn từ 50 – 200%; kali đa phần bón thấp hơn so với khuyến cáo; đặc biệt khi giá nông sản cà phê, hồ tiêu cao thì có đến 90 – 100% hộ nông dân bón phân hóa học cao hơn với mong muốn đạt được năng suất và thu nhập tối đa. Tỷ lệ hộ nông dân quan tâm đến phân hữu cơ còn thấp, chỉ khoảng 40%.
 
 
Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng việc sử dụng phân hóa học với lượng cao nhiều năm liên tục đã làm cho tốc độ chua hóa của đất nhanh hơn; chất hữu cơ bị suy giảm nhanh hơn; CEC giảm nhanh hơn; hệ vi sinh vật có hại trong đất phát triển nhanh hơn và do vậy, chất lượng đất bị suy giảm cũng nhanh hơn. Bằng chứng cho thấy rằng trên các diện tích trồng cà phê, hồ tiêu bón phân hóa học với liều cao nhiều năm sau đó trồng tái canh thì sinh trưởng, phát triển của cây chậm hơn và tỷ lệ cây bị còi cọc, bị chết cũng cao hơn so với diện tích sử dụng phân hóa học hợp lý, cân đối.
 
 
Theo quy luật tự nhiên, khi trồng trọt chuyên canh và càng thâm canh cùng với tác động của biến đổi khí hậu thì ngày càng xuất hiện nhiều loại dịch hại trên đồng ruộng. Để bảo vệ thành quả lao động, người nông dân đã sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học với số lượng, chủng loại ngày càng gia tăng; phun với nồng độ và cả liều lượng, tần suất cao hơn so với khuyến cáo; đặc biệt vào các thời điểm giá nông sản cao. Điều này dẫn đến sự nghèo kiệt về tính đa dạng sinh học; mất cân bằng về thiên địch; cân bằng hệ vi sinh vật trong đất bị phá vỡ; hình thành nhiều quần thể có hại cho đất và cây trồng. Từ đó, đất đai bị ô nhiễm, suy thoái, mất sức sản xuất. 
 
 
Tình trạng chặt phá rừng để lấy đất canh tác thường dễ nhận thấy ở những vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, có khi dọc các trục đường giao thông chính; đặc biệt là các thời điểm giá cả của sản phẩm một số loại cây trồng ở mức cao, điển hình là cà phê vào những năm 1990; hồ tiêu vào những năm 2014 - 2016. Rừng bị chặt phá làm cho đất không còn lớp phủ thực vật bảo vệ hoặc có thì độ che phủ kém nên đất nhanh chóng bị mất đi độ màu mỡ, các chất hữu cơ bị đốt cháy, đất bị xói mòn, bạc màu dần. Tốc độ thoái hóa của đất tỷ lệ với mức độ che phủ, lượng mưa và độ dốc của đất.
 
 
Hàng năm, Tây Nguyên bị mất đi một lượng đất vào khoảng 167 triệu tấn, trung bình một ha đất tự nhiên mất gần 29,7 tấn/năm. Lượng đất mất kéo theo một lượng đáng kể chất dinh dưỡng bị mất; cùng với lượng đất mất do xói mòn sẽ bồi lắng sông suối và các công trình thủy lợi, thủy điện làm ảnh hưởng đến an toàn hồ đập trong mùa mưa. Do đất rừng chủ yếu là đất dốc, trong quá trình canh tác không quan tâm đến các biện pháp chống xói mòn, rửa trôi đất vào mùa mưa, giữ ẩm cho mùa khô hay thậm chí không quan tâm bón phân hữu cơ cho đất. Điều này dẫn đến tình trạng sau khoảng vài năm canh tác, đất bị suy kiệt về dinh dưỡng, mất kết cấu, các cation kiềm, kiềm thổ bị mất theo lượng đất trôi hàng năm; chất lượng đất giảm; tầng canh tác mỏng dần dẫn đến mất khả năng sản xuất và có một số diện tích bỏ hoang trở nên hoang mạc hóa.
 
 
Ngoài ra, nạn phá rừng đã góp phần làm gia tăng tốc độ tác hại của biến đổi khí hậu; hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất dày hơn (nắng hạn, mưa, lũ…) cũng góp phần làm gia tăng tốc độ suy thoái đất đai nông nghiệp ở Tây Nguyên.
 
Nông dân càng sử dụng nhiều phân hóa học lại càng tạo điều kiện cho dịch hại phát sinh.


Bên cạnh đó, khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới. Các nhà khoa học đất đã nghiên cứu và khẳng định rằng, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, khả năng tích lũy của chất hữu cơ trong đất nhỏ hơn khả năng phân hủy. Nước ta lại có mưa nhiều, như các tỉnh phía Nam mỗi năm có tới 6 tháng mùa mưa, có những trận mưa cường độ rất lớn. Cộng với các hoạt động canh tác như cày bừa, làm đất thâm canh…, đã làm rửa trôi đi khá nhiều chất hữu cơ khiến đất bị bạc màu.
 
 
Ngoài ra, nông dân ngày càng sử dụng nhiều phân hóa học với hy vọng đẩy năng suất lên, nhưng năng suất không những không tăng mà còn tiếp tục giảm, và nguy hại hơn là càng tạo điều kiện cho sự phát sinh dịch hại. Dịch hại càng gia tăng thì tất yếu sẽ càng tăng việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa chất trên đồng ruộng. Lối canh tác này khiến đại đa số đất Việt Nam đã bị chua hóa.
 
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, tuy nhiên, một trong những tác động rất lớn chính là việc sử dụng vật tư đầu vào bừa bãi, đặc biệt là phân bón và thuốc BVTV đối với đất sản xuất nông nghiệp. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường đất mà còn ô nhiễm cả môi trường nước. Thậm chí nhiều nơi ở khu vực Tây Nguyên hiện đã ô nhiễm cả nước mặt lẫn nước ngầm do sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ.
 
 
Để cải thiện tình trạng báo động của đất sản xuất nông nghiệp hiện nay, cần phục hồi rừng - một trong những biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đất hiệu quả cao. Đồng thời, tăng năng suất nông nghiệp bằng cách sử dụng các kiểu gen cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tránh sự ảnh hưởng đến môi trường đất; thích ứng được với các điều kiện khó khăn của thời tiết, duy trì độ phì nhiêu của đất, tính đa dạng của cây trồng, áp dụng phương pháp luân canh luân cư, trồng đan xen kết hợp các loại cây ngắn hạn và dài hạn.
 
 
Bên cạnh đó, phải bảo vệ và thường xuyên cải thiện môi trường sống, chống ô nhiễm nguồn nước, giảm và loại bỏ sử dụng chất độc để trừ sâu bệnh, giảm sử dụng phân khoáng. Cần áp dụng các biện pháp canh tác chống xói mòn như: Áp dụng hệ thống nông lâm kết hợp, lâm ngư kết hợp với các mô hình đa dạng và phong phú; kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, tăng cường phát triển và mở rộng các mô hình kinh tế vường rừng trại rừng; xây dựng, tu sửa hệ thống kênh mương, thông cống tắc thoát nước, tưới tiêu hợp lý. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của người dân cần được nâng cao, vì thế cần phải thực hiện các công tác truyền thông đại chúng, tuyên truyền và phổ biến cho người dân những kiến thức căn bản về môi trường đất để trên cơ sở đó, họ có trách nhiệm hơn về hành động của mình trong việc bảo vệ môi trường đất.

Đăng Quang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn