Hợp Thành biến rác thải thành tiền
11:33 - 05/04/2022
Trăn trở về môi trường sống vệ sinh, trong lành cho bà con đồng bào, xã Hợp Thành đã xây dựng thành công mô hình sản xuất từ nguồn rác thải gia súc, trấu, mùn cưa, cỏ cây...

Trăn trở về môi trường sống vệ sinh, trong lành cho bà con đồng bào, xã Hợp Thành (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất từ nguồn rác thải gia súc, trấu, mùn cưa, cỏ cây... trên khắp đường làng, ngõ, xóm thành sản phẩm phân hữu cơ vừa rẻ vừa chất lượng, an toàn cho cây trồng.
 

Từ giải pháp bảo vệ môi trường

Cách TP. Lào Cai khoảng 20km, Hợp Thành là xã vùng cao với nhiều dân tộc: Dao, Giáy, Xa phó... sinh sống. Trước đây, Hợp Thành là xã đặc biệt khó khăn. Những năm qua, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế như: Thâm canh lúa nước, đưa các giống ngô, lúa mới vào gieo trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh hoa màu, rau...
 

Đặc biệt, thực hiện Đề án số 5 của Thành ủy Lào Cai về tạo bước đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch trên địa bàn TP. Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020; Đề án số 10 về phát triển văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng con người Lào Cai văn minh, lịch sự, thân thiện, kỷ cương giai đoạn 2017- 2020, Hợp Thành được coi là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc, tiền đề để địa phương khai thác làm du lịch  trải nghiệm về cảnh sắc và văn hóa của một vùng đất. Chính quyền xã đã vận động người dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở, giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo tồn bản sắc các dân tộc; xây dựng nếp sống văn hóa...
 

Nhiều người dân trong xã Hợp Thành đến học tập kinh nghiệm làm phân hữu cơ

Là người gắn bó nhiều với bà con các dân tộc địa phương, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Lào Cai, chia sẻ: “Trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ cây, con giống mới, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, chúng tôi đã đi nhiều thôn bản và hết sức trăn trở với môi trường sống của bà con khi thường xuyên bắt gặp cảnh phân trâu, bò... đầy đường liên thôn, liên xã, rất mất vệ sinh, mất mỹ quan. Dù cũng nhiều lần lồng ghép tuyên truyền cho bà con về việc bảo vệ môi trường nhưng chúng tôi hiểu rằng, thói quen sinh hoạt này không dễ gì thay đổi trong một sớm một chiều khi chỉ tuyên truyền bằng lời”.
 

Mô hình làm phân hữu cơ hình thành để tận dụng nguồn chất thải gia súc được Hội Nông dân TP. Lào Cai triển khai ở thôn Kíp Tước 2. Hàng ngày, nông dân trong thôn thay nhau đi thu gom lá cây, phân trâu bò, cắt cỏ... về mày mò tìm cách ủ thành phân hữu cơ. Anh Lù Văn Rán, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Thành, cho biết: “Được cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật làm phân hữu cơ, chúng tôi bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2021, sử dụng lá cây xanh, trấu, mùn cưa, phân trâu bò, men vi sinh với nhiều công đoạn hun, ủ... để sản xuất ra phân hữu cơ, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, an toàn với môi trường và cây trồng. Tuy nhiên, từ công thức được chuyển giao, chúng tôi cũng phải đi học hỏi nhiều mô hình ở các nơi khác và mày mò tìm hiểu thêm thông tin trên sách báo, internet. Sau vài mẻ hỏng thành phẩm, đến nay chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm, đảm bảo các công đoạn chuẩn để cho ra đời sản phẩm phân hữu cơ có chất lượng đều đặn hơn”.
 

Đến sản phẩm phân bón “cháy” hàng

Sau một năm hoạt động, hiệu quả kinh tế tuy còn khiêm tốn nhưng đường làng ngõ xóm thôn Kíp Tước 2 trở nên sạch, đẹp. Từ việc thu gom rác thải, thói quen chăn thả gia súc của người dân đã thay đổi. Trâu, bò được nuôi nhốt chuồng để tận dụng nguồn chất thải bón ruộng và bán để có thêm thu nhập. Gia đình anh Lù Văn Rán đã tiếp nhận mô hình và trực tiếp đứng ra sản xuất. Anh Rán cho biết: “Đến nay, ngoài nguồn lá cây có sẵn, mọc tự nhiên tại địa phương thì các vật liệu khác đều phải mua như: trấu, mùn cưa mua ở nhà máy sát, các xưởng sản xuất trong xã. Phân trâu, bò mua của dân có giá 300.000 đồng/khối. Nhiều hộ dân trong thôn bảo nhau mua thêm trâu về phát triển kinh tế và tận dụng nguồn phân thải”.
 

Anh Rán vừa nhanh tay đảo lô hỗn hợp các loại vật liệu cho đều để chuẩn bị đưa vào ủ, vừa vanh vách hướng dẫn cho một số hộ dân cách cho lá, cỏ vào máy xay, cách hun trấu để xử lý nấm mốc... Anh giải thích: “Cứ 20 bao trấu trộn với 10 bao mùn cưa, 10 bao cỏ xanh, 1 khối phân trâu, bò thì cho 1kg men vi sinh tưới vào hỗn hợp này. Tất cả các công đoạn sản xuất đều làm bằng tay nên mỗi mẻ dùng số lượng vật liệu như vậy để dễ dàng đảo. Cứ 20 ngày kiểm tra 1 lần xem nhiệt độ có đủ nóng không. Nếu ủ không lên đủ nhiệt độ cần thiết hay thiếu men hoặc nguồn phân phủ không kín thì phải xử lý lại rất vất vả”.
 

Đến nay, cứ 3 ngày gia đình anh Rán sản xuất được 1 tấn phân hữu cơ, khoảng 33 bao, bán với giá 50.000 đồng/bao. Chỉ tranh thủ làm những khi nông nhàn, gia đình anh sản xuất được khoảng 30 tấn phân hữu cơ, thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Sản phẩm phân bón của gia đình anh thường xuyên không có hàng để bán vì sản xuất đến đâu các hộ gia đình trồng rau, cây ăn quả trên thành phố đến mua hết do giá thành rẻ, chất lượng tốt lại an toàn. Khách hàng ưa chuộng sản phẩm phần lớn là các gia đình trồng rau sạch trên sân thượng, các gia trại, trang trại. Có những lúc, khách đặt hàng nhiều, anh Rán phải thuê thêm nhân công địa phương. Anh dự tính mua thêm trang thiết bị như xe ba gác phục vụ việc vận chuyển nguyên vật liệu, nuôi thêm đàn trâu để tận dùng nguồn chất thải... mở rộng sản xuất.
 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cũng cho biết: “ Thành công của mô hình này đã góp phần cải thiện môi trường sống, thay đổi thói quen lạc hậu của đồng bào, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Hơn nữa, trong bối cảnh giá xăng, dầu, phân bón... liên tục tăng cao, việc sử dụng phân bón chất lượng, an toàn với giá thành rẻ sẽ giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất. Vì vậy, năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân thêm một mô hình với quy mô lớn hơn để có được nguồn cung phân bón dồi dào hơn”.

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn