Ngư dân Lê Xuân Tiến là người duy nhất trong nhiều thập kỷ qua đánh được nhiều cá vàng dương ở vùng biển Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)
Người duy nhất "thuần phục" được cá vàng dương
Trong lịch sử ngư dân huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), ngư dân Lê Xuân Tiến, trú tại thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng (tỉnh Hà Tĩnh) là người đầu tiên cũng là duy nhất săn được cá vàng dương với số lượng lớn.
Ngư dân Lê Xuân Tiến, cho biết: "Nghề đánh cá bằng lưới vây có truyền thống lâu đời của ngư dân Cẩm Nhượng. Gia đình tôi cũng vậy, ngay từ nhỏ tôi đã theo bố ra biển đánh bắt cá. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa từng có ai đánh được cá vàng dương với số lượng lớn. Loài cá này rất hiếm gặp, nếu may mắn chỉ đánh được 5 đến 7 con".
Được người dân địa phương gọi là "thợ săn" cá vàng dương, bởi ngư dân Lê Xuân Tiến là người đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua đánh bắt được loài cá này với số lượng kỷ lục.
Ông Tiến đã từng 4 lần đánh được cá vàng dương số lượng lớn, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Năm 2015, lần đầu tiên ngư dân Tiến đánh được 1 tấn cá vàng dương bán được 120 triệu đồng.
Lần thứ 2, vào ngày 24/1/2021, ông săn được 2 tấn cá vàng dương trị giá 520 triệu đồng. Ngày 16/4, ngư dân Tiến được mẻ cá vàng dương thứ 3, trọng lượng khoảng 2 tấn, bán được hơn 500 triệu đồng. Lần cuối cùng "trúng" lớn nhất khi đánh được 4 tấn cá, thu về 1 tỷ đồng vào ngày 23/4/2021.
Nhớ lại lần đầu chạm trán cá vàng dương, ngư dân Lê Xuân Tiến, kể: "Lần đầu tiên tôi gặp loài cá này vào năm 2015. Khoảng 4h sáng, chúng tôi gồm 10 thành viên cùng nhau ra khơi cách đất liền khoảng hơn 6 hải lý để đánh bắt cá như thường ngày. Đến 9h sáng, tôi phát hiện có 1 đàn cá lạ bơi nổi trên mặt nước đang kiếm mồi. Ngay lập tức tôi kêu gọi anh em trên thuyền chuẩn bị sẵn sàng để ra lưới.
"Tôi cho thuyền chạy chậm rồi thả dần lưới xuống để bao xung quanh đàn cá, vây hết chúng lại. Lưới đánh ra dài 300m, rộng 40m, cao 50m. Sau khi vây được đàn cá trong lưới, chúng tôi tiến hành kéo chúng lên thuyền. Quá trình "vật lộn" với đàn cá lạ từ lúc phát hiện đến khi đưa được chúng lên thuyền mất hơn 2 giờ đồng hồ", ngư dân Lê Xuân Tiến, nhớ lại.
Ngư dân Lê Xuân Tiến, tâm sự: "Tôi đi biển hơn 40 năm, nhưng đó là lần đầu tiên tôi gặp loài cá này và cũng không biết nên gọi chúng là gì. Tôi được ông bạn nói đây là cá vàng dương nên mới biết. Cá lạ nên tôi chỉ bán với giá 120.000/kg, thu về 120 triệu đồng. Những lần sau này tôi toàn bán với giá từ 260.000-300.000đồng/kg mà vẫn nhanh chóng được bán hết".
Theo ngư dân Lê Xuân Tiến, những năm gần đây nhiều người nuôi thủy sản như: ngao, sò, ốc… chính là nguyên nhân số lượng lớn cá vàng dương vào gần bờ kiếm ăn.
Cá vàng dương rất hiếm khi xuất hiện nhưng một khi chúng xuất hiện thì rất dễ thấy. Cá vàng dương thường di chuyển theo đàn lớn, chúng bơi cách mặt nước 10m. Những đuôi cá màu ánh vàng khi bơi sẽ quạt nước, tạo ra luồng sáng lớn có thể phát hiện cách xa hàng trăm mét.
Giữ gìn, phát huy nghề đánh cá xa khơi
Đây là loài cá này rất thông minh, chúng thường sinh sống ở các khu vực nhiều đá ngầm, rạn san hô nên các ngư dân rất dễ bị rách lưới khi tay nghề còn non.
Ngư dân Lê Xuân Tiến ví săn bắt cá như một trận đánh: "Đã có nhiều người bắt gặp loài cá này nhưng chưa ai đánh bắt được số lượng lớn vì loài cá này rất thông minh. Khi gặp nguy hiểm chúng thường bơi vào khu vực đá ngầm, rạn san hô để ẩn nấp. Đã có nhiều người bị rách, thậm chí mất lưới vì vướng phải đá ngầm khi không am hiểu địa hình dưới lòng biển.Đi biển lâu năm nên ông Tiến thuộc lòng các khu vực có đá ngầm, rạn san hô, biết hình dáng, kích thước của chúng ở dưới đáy biển. Nếu phát hiện cá ở khu vực này, tôi thường dùng thuyền để đuổi cá ra khu vực an toàn để dễ dàng đánh bắt.
Có trường hợp đàn cá không chịu ra, ông Tuyến và bạn tàu phải đánh cá ngay trên bãi đá ngầm, rạn san hô. Ông cho thuyền chạy trước đàn cá khoảng 30m, sau đó thả lưới và chạy xung quanh để bao vây đàn cá.
Khi đã vây được đàn cá, các thành viên trên thuyền mỗi người một nhiệm vụ, phối hợp với nhau một cách nhanh chóng, chính xác để đưa cá lên thuyền.
Đánh cá kiểu này rất nguy hiểm, bắt buộc người đánh phải biết được mực nước khu vực đó cao bao nhiêu, ở dưới bãi đá ngầm có những thứ gì để tránh lưới bị mắc kẹt, mất luôn lưới".
Từng có lần để hàng tấn cá vàng dương thoát khỏi tay mình, ông Tiến nhớ lại: "Hôm đó 23/4/2021, thuyền chúng tôi ra khơi lúc 1h sáng thì phát hiện 1 đàn cá vàng dương lớn và tiến hành đánh cá như thường ngày. Tuy nhiên, có 1 thành viên trong thuyền đã vô ý làm tréo lưới (các phần lưới bị chồng lên nhau) khiến cá bị tuột mất.
Đến khoảng 3h cùng này, chúng tôi bắt gặp thêm 1 đàn cá vàng dương. Lần này tôi dặn các thuyền viên phải cẩn thận, làm việc nhanh chóng, phối hợp nhịp nhàng tránh sai sót như lần trước. Mẻ cá đó chúng tôi đánh được khoảng 4 tấn cá, bán được khoảng 1 tỷ đồng".
Đời sống ấm no nhờ cá vàng dương
Sau những chuyến đi biển bội thu, ngư dân Lê Xuân Tiến vừa là chủ phương tiện, vừa là thuyền trưởng được hưởng 40% giá trị; 9 thuyền viên còn lại chia đều 60%. Năm 2021, ông Tiến bỏ túi gần 1 tỉ đồng, các thành viên đi trong thuyền cũng được hơn 150 triệu đồng.
Trải qua hơn 600 năm hình thành và phát triển, người dân thuộc xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đã sinh sống bằng nghề đánh cá trên biển và xem đó là nghề truyền thống của địa phương.
"Gia đình hoàn cảnh khó khăn, lại là con út trong nhà có 6 anh chị em nên tôi đã đi biển từ rất sớm. Nghỉ học lớp 7, tôi theo cha đi biển và công việc này đã ngấm và trở thành một phần trong tôi. Từ đó tôi đam mê, tìm hiểu để nâng cao kinh nghiệm nghề.
Tuy nhiên do kiểu đánh bắt tận diệt, ô nhiễm môi trường và nhiều nguyên nhân khác đã khiến lượng hải sản ở vùng biển này ngày càng sụt giảm.
Vì thế, ngư dân đã không còn mặn mà nghề biển. Nhiều người đã tìm kiếm công việc trên bờ để thay thế cho nghề "lênh đênh"- ngư dân Lê Xuân Tiến, trăn trở.
Ông Tiến cho biết, trước đây nghề đánh cá bằng lưới "vây" được xem như nghề truyền thống của địa phương. Nhưng hiện nay chỉ có mình ông theo nghề vì nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt.
Hi vọng khôi phục nghề truyền thống của địa phương, ngư dân Lê Xuân Tiến bộc bạch: "Tôi đã lớn tuổi chỉ có thể đi biển thêm vài năm nữa. Hi vọng ngày có thêm nhiều thuyền được đóng mới để tôi có thể truyền đạt lại kinh nghiệm, kỹ năng cho các thuyền bạn và thế hệ trẻ. Giúp họ có thêm nguồn thu nhập và mục đích sâu xa hơn là giữ gìn nghề truyền thống địa phương".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, cho biết: "Đây là loài cá quý, rất ít gặp, ngư dân có kinh nghiệm đánh bắt, may ra mới biết được vùng biển cá vàng dương xuất hiện, nếu gặp chỉ cũng được đàn cá 7,8 con. Trong nhiều thập kỷ qua, chỉ có ngư dân Lê Xuân Tiến là người đánh bắt được nhiều cá vàng dương nhất ở vùng cửa Nhượng, Cẩm Xuyên".
"Nhờ đánh bắt được những mẻ cá vàng dương, mà kinh tế gia đình của ngư dân Lê Xuân Tiến khấm khá lên, đây cũng là động lực cho ngư dân vùng biển Cẩm Nhượng có động lực với nghề biển, tiếp tục ra khơi bám biển" - ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh", nói.
|