Cao Bằng phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết sản phẩm
Nhiều hợp tác xã kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Cao Bằng đã đầu tư trang thiết bị, tổ chức sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản phẩm hiệu quả.
|
Nhiều hợp tác xã kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Cao Bằng đã đầu tư trang thiết bị, tổ chức sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản phẩm hiệu quả. |
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ba Sạch, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng là đơn vị liên kết trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân. Các mặt hàng phân phối chủ yếu như: gạo nếp Pì Pất, miến dong, bún khô, đỗ xanh, đỗ đen, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, lạp sườn, thịt lợn hun khói và các sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học.
Năm 2021, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại 1 số địa phương trong tỉnh; tổ chức triển khai một số mô hình nông nghiệp như: trồng đỗ tương, đỗ đen, lạc đỏ, ngô ngọt, bí thơm và chăn nuôi gia cầm cung cấp cho thị trường. Hiện nay, HTX hoàn thiện hồ sơ trình UBND Thành phố thẩm định hồ sơ OCOP cho các sản phẩm gạo nếp Pì Pất và các loại bún khô.
Ông Lại Đức Thứ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ba Sạch chia sẻ: HTX làm cầu nối giữa người sản xuất và tiêu thụ với phương châm sản xuất sạch, phân phối sạch và tiêu dùng sạch. Chúng tôi tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản của Cao Bằng đến với người tiêu dùng toàn quốc.
Qua sử dụng, đa số người tiêu dùng đánh giá cao sản phẩm của Cao Bằng vì chất lượng đảm bảo, an toàn cho sức khỏe, giá cả hợp lý.
Là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đầu năm 2020, HTX nông nghiệp Yên Công, xã Hưng Đạo (Thành phố) đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhà lưới, máy nghiền mùn cưa, máy sấy sản phẩm, trên 500 giá khung sắt để phôi nấm.
Do áp dụng đầy đủ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch nên vụ đầu tiên, HTX thu hoạch được hơn 10 tấn nấm. Năm 2021, HTX tiếp tục mở rộng diện tích trồng nấm hơn 4.000 m2, cấy hơn 10 vạn phôi nấm, cho thu hoạch gần 50 tấn nấm hương. Hiện nay, HTX nhận các đơn đặt hàng đầu mối từ các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thái Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn. Giá nấm tươi 70 nghìn đồng/kg, bán lẻ 100 nghìn đồng/kg.
Bà Tạ Thị Thu Yên, Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Công tâm sự: Sản phẩm nấm hương của HTX được sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu đầu vào không có tạp chất, trong quá trình sản xuất được đơn vị quan tâm, chú trọng xử lý tốt các khâu để nuôi cấy nấm hiệu quả nên chất lượng nấm đảm bảo, được người tiêu dùng đón nhận. Hiện nay, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, năm 2021, toàn tỉnh có 127 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Nhiều HTX chủ động thích ứng linh hoạt trong tình hình diễn biến của dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành nghề như: chăn nuôi, cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, trồng và bảo vệ rừng, thu hoạch và thu mua sản phẩm nông nghiệp, vệ sinh môi trường, chế biến nông sản.
Một số HTX chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, sản xuất hàng hóa có giá trị cao như: trồng nấm hương, nuôi bò 3B, trồng nho đen công nghệ cao… Đặc biệt, các HTX giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh.
Ông Đàm Văn Độ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng cho biết: Việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang mô hình HTX kiểu mới tạo thuận lợi cho các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ổn định, nhất là đối với một số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Vai trò của HTX được nâng lên thông qua việc thực hiện tốt các khâu tổ chức sản xuất, mở rộng các dịch vụ, mở rộng các chuỗi liên kết từ cung ứng sản phẩm đầu vào tới tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường.
Thời gian tới, để tạo động lực cho HTX kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp giai đoạn mới như củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế HTX trong lĩnh vực nông nghiệp;
Gắn hoạt động của HTX nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm, nông nghiệp thông minh. Tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sản phẩm từ nghề truyền thống; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông qua mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả; quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên HTX;
Thực hiện tốt hơn nữa các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ các HTX nông nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm gắn với thực hiện chương trình OCOP ở địa phương. Nhất là thực hiện tốt công tác tư vấn hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, khôi phục sản xuất trong điều kiện tác động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19;
Khuyến khích các nhóm hộ đồng sở thích, tổ hợp tác thành lập HTX nông nghiệp với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản vươn ra thị trường, hướng đến xuất khẩu...