Hiệu quả bảo vệ môi trường tại các vùng nuôi thủy sản
10:27 - 24/11/2021
(MTNT)- Để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường (BVMT) tại các vùng nuôi thủy sản, thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương đã tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tốt các biện pháp quản lý, chăm sóc ao nuôi, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh, chống nóng, chống sốc; quản lý tốt chất thải, nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; khuyến khích các hộ nuôi thủy sản tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản thâm canh; hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất, khuyến khích sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong chăm sóc thủy sản và xử lý môi trường.
Các địa phương đã tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tốt các biện pháp quản lý, chăm sóc ao nuôi, quản lý tốt chất thải, nước thải.


Tỉnh Nam Định đã định hướng nuôi thủy sản quy mô lớn, tập trung, liên kết cùng nhau phát triển, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các hộ nuôi, góp phần khống chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và giúp kiểm soát tốt lượng lớn chất thải bởi việc chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải, công nghệ nuôi tiên tiến.
 
 
Tiêu biểu như huyện Hải Hậu, đến nay đã có 650/2.300ha nuôi thủy sản theo phương thức thâm canh. Toàn huyện đã có trên 200 ao nuôi với diện tích trên 25ha tại 80 hộ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc ao nuôi, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị tự động kiểm tra, kiểm soát các yếu tố lý hóa (oxy, pH, độ kiềm, nhiệt độ...) trong môi trường ao nuôi và gửi thông tin trực tuyến về chủ hộ qua phần mềm trên điện thoại hoặc máy tính. Nhờ đó, đã giảm được chi phí, thuận lợi trong quản lý ao nuôi, nâng cao hiệu quả BVMT.
 
 
Có thể kể đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm chất lượng cao áp dụng công nghệ 4.0 của Công ty TNHH Hoàng Đức xã Hải Triều, Công ty TNHH Dịch vụ Xuân Hà An xã Hải Đông; hay 20 hộ áp dụng nuôi tôm trong bể với tổng số trên 200 bể tại xã Hải Đông. Đây là phương pháp nuôi an toàn, dễ kiểm tra chất lượng môi trường nuôi và tôm nuôi, giảm phụ thuộc vào thời tiết và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
 
 
Ngoài ra, công tác hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các biện pháp BVMT vùng nuôi thủy sản được tăng cường. Từ tháng 4 - 11 hàng năm, Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện đều phối hợp với Chi cục Thủy sản, Chi cục chăn nuôi và thú y tiến hành thu mẫu quan trắc môi trường, mẫu nước và mẫu tôm đại diện tại các vùng nuôi. Các kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, dịch bệnh được thông báo kịp thời đến các vùng nuôi, hộ nuôi, kèm theo khuyến cáo và các biện pháp xử lý môi trường, dịch bệnh bất thường. Hoạt động quan trắc, cảnh báo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, trị bệnh, BVMT cho các vùng nuôi.
 
 
Tại nhiều vùng nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh đã hình thành các tổ chức cộng đồng do người nuôi thành lập, phối hợp chặt chẽ với Ban Nông nghiệp xã để cảnh báo thông tin về dịch bệnh, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp xả thải nước ao nuôi bị bệnh ra nguồn nước cấp. Nhờ đó năm 2020 dù phải chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài hơn trung bình nhiều năm nhưng nhờ chủ động nâng cao chất lượng BVMT, ngăn chặn dịch bệnh đã giúp các vùng nuôi không chịu thiệt hại lớn, nhiều ao nuôi thủy sản chỉ bị chậm lớn.
 
 
Tại Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 19.500 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, nước ngọt 14.110 ha, nước mặn, lợ 5.350 ha... tập trung chủ yếu ở các huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn...
 
 
Huyện Hoằng Hóa là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối lớn, với 2.969 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao là 136,4 ha. Tổng sản lượng thủy sản bình quân hằng năm (giai đoạn 2016-2020) ước đạt 23.230 tấn; giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2020 của huyện ước đạt 881,7 tỷ đồng.
 
 
Để tăng cường công tác BVMT trong nuôi trồng, chế biến thủy sản, ngoài việc tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức BVMT cho nhân dân, nhất là nhân dân các xã vùng biển; cấp ủy, chính quyền huyện Hoằng Hóa còn tích cực triển khai các giải pháp quản lý, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở chế biến thủy sản. Theo đó, UBND huyện đã phối hợp cùng các ngành chức năng chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BVMT đến từng cơ sở chế biến; yêu cầu tất cả các cơ sở ký cam kết BVMT; phải đảm bảo tất cả các chất thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định. Các địa phương và mỗi người dân phát huy vai trò kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với những cơ sở có hành vi vi phạm về BVMT.
 
 
Huyện Hậu Lộc hiện có khoảng 1.900 ha nuôi trồng thủy sản, với các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như: Tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao Bến Tre... Trong năm 2020, huyện đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi được trên 191 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở các xã: Đa Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Hòa Lộc, Phú Lộc, Thuần Lộc; duy trì 571 ha nuôi ngao Bến Tre.
 
 
Nhằm nâng cao hiệu quả BVMT tại các vùng nuôi thủy sản, huyện Hậu Lộc đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tốt các biện pháp quản lý, chăm sóc ao nuôi, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh, chống nóng, chống sốc; quản lý tốt chất thải, nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là những ao nuôi có bệnh; khuyến khích các hộ nuôi thủy sản tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản thâm canh; hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất, khuyến khích sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản và xử lý môi trường; hướng dẫn tu sửa công trình thủy lợi nhỏ, cầu cống nhỏ, chủ động nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi…
 
 
Tại Bạc Liêu, các cấp chính quyền tỉnh luôn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo để doanh nghiệp, bà con nuôi trồng thủy sản nhận thức rõ và đặt vấn đề BVMT lên hàng đầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng siết chặt quản lý về môi trường, xem đó như một giải pháp cần thiết để bảo vệ ngành nuôi tôm của tỉnh phát triển bền vững.
 
 
Toàn tỉnh có 139.780 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng 200.000 tấn/năm gồm nhiều mô hình nuôi như: Tôm thẻ siêu thâm canh; tôm sú, tôm thẻ thâm canh và bán thâm canh; mô hình kết hợp tôm-lúa; mô hình quảng canh cải tiến kết hợp....
 
 
Trong các mô hình hiện nay, nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội. Đây là mô hình có tỷ lệ thành công trên 70%, năng suất bình quân hơn 22 tấn/ha/năm, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ lớn, chất lượng tôm đảm bảo... Mô hình này phát triển mạnh ở các địa phương ven biển như: Thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải.
 
 
Toàn tỉnh hiện có 30 công ty, doanh nghiệp nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, điển hình như: Tập đoàn Việt-Úc (khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu), Công ty TNHH một thành viên Long Mạnh (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình), Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu), Công ty TNHH Huy Long An - Bạc Liêu (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình), Công ty cổ phần chăn nuôi C.P, chi nhánh Bạc Liêu (xã Vĩnh Thịnh, Huyện Hoà Bình)... là những đơn vị có qui mô sản xuất lớn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 500 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh với gần 3.000 ha, sản lượng thu hoạch năm 2020 đạt 47.500 tấn.
 
 
Hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao theo hướng thân thiện với môi trường được các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng theo hình thức khép kín. Đó là khu nuôi được bố trí theo hệ thống gồm: Ao ương dưỡng, ao tôm thịt, ao lắng; khu xử lý chất thải được đầu tư hoàn chỉnh để xử lý chất thải triệt để. Cụ thể, nước thải trong ao nuôi được dẫn về hố tách chất thải qua túi lọc lưới; phân tôm có kích thước nhỏ nên lọt qua túi lưới đi vào hệ thống biogas, vỏ tôm sau khi được tách hết nước mặn sẽ dùng nước ngọt rửa, pha loãng và sử dụng làm phân bón cho trồng cây, thức ăn cho gà vịt. Không chỉ xử lý được chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà nước sau quá trình xử lý có thể tái sử dụng để tiếp tục nuôi tôm, giúp người nuôi chủ động hơn trong điều kiện nguồn nước nuôi khan hiếm.
 
 
Việc tận dụng chất thải từ ao nuôi làm phân bón, biogas đang là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp giải quyết vấn đề chất thải với khối lượng lớn từ hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh, giảm thiểu tối đa việc xả thải trực tiếp ra môi trường. Người nuôi tôm cũng tận dụng được nguồn khí từ biogas phục vụ sinh hoạt và một phần nhỏ trong sản xuất.
 
 
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả BVMT tại các vùng nuôi thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu các địa phương cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước có thể ảnh hưởng đến vùng nuôi. Khi phát hiện thuỷ sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết rải rác cần hướng dẫn biện pháp xử lý khắc phục kịp thời.
Hồng Phúc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn