Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới
09:37 - 16/11/2021
Triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sau 10 năm dốc lực, đến nay Bình Định đã đạt được những kết quả khả quan.

Khắp nơi hào hứng

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Bình Định, trong năm 2021, Bình Định triển khai kế hoạch thực hiện công nhận 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đến nay, Bình Định đã tổ chức thẩm định xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn). Đối với 7 xã còn lại là xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn), xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn), xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), xã Cát Minh và Cát Hưng (huyện Phù Cát) và xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) dự kiến sẽ tổ chức thẩm định trong tháng 11, 12/2021 và trình Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bình Định xem xét, cho ý kiến công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021.

Riêng xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2016 đã tự đăng ký xây dựng xã NTM nâng cao. Phước Sơn tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư các công trình trường học đạt chuẩn, tập trung phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe nhân dân, giữ vững an ninh trật tự. Đến cuối năm 2020, xã Phước Sơn đã cơ bản hoàn thành 100% tiêu chí và đang đề nghị cấp thẩm quyền công nhận.

Diện mạo nông thôn của thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) ngày càng khởi sắc nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: V.Đ.T.

Diện mạo nông thôn của thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) ngày càng khởi sắc nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: V.Đ.T.

“Trong xây dựng xã NTM nâng cao, tiêu chí khó nhất là về cảnh quan môi trường. Địa phương đã đầu tư các xe thu gom rác thải để mở rộng việc thu gom rác ở các tuyến đường; vận động nhân dân nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Đến nay đã có trên 70% hộ dân trong xã đăng ký thu gom tác thải tập trung”, ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, chia sẻ.

Đến năm 2020, Bình Định đã có 4 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đó là thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Riêng huyện Tuy Phước, UBND tỉnh Bình Định đã trình Bộ NN-PTNT xem xét thẩm định và trình Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

“Về việc triển khai kế hoạch huyện Phù Cát đạt chuẩn NTM, trong tháng 11/2021 ngành chức năng sẽ tổ chức thẩm tra kết quả thực tế và hồ sơ đề nghị công nhận là huyện đạt chuẩn NTM, báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh xem xét, cho ý kiến trong tháng 12/2021, để hoàn chỉnh hồ sơ cấp tỉnh trình Trung ương thẩm định và công nhận”, ông Đào Văn Hùng cho hay.

Trong xây dựng nông thôn mới, Bình Định bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa ở nông thôn gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Ảnh: V.Đ.T

Trong xây dựng nông thôn mới, Bình Định bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa ở nông thôn gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Ảnh: V.Đ.T

Đối với các xã đã hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Bình Định yêu cầu tiếp tục xây dựng xã NTM nâng cao. Ngoài ra, khi đã đảm bảo các điều kiện về hạ tầng giao thông, phát triển sản xuất, văn hóa xã hội, hệ thống chính trị, tỉnh sẽ tập trung đầu tư để các xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao lên phường.

Hiện nay, Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Bình Định đang xem xét, điều chỉnh giảm 9 xã của thị xã Hoài Nhơn trong kế hoạch xây dựng NTM, do đã chuyển lên phường trong năm 2020; đồng thời, bổ sung xã An Dũng (huyện An Lão) vào kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

“Trong những tháng còn lại của năm 2021, để hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác xây dựng NTM đã đề ra; các cấp, ngành, địa phương ở Bình Định tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng đạt 100% các chỉ tiêu phấn đấu năm 2021, góp phần giành thắng lợi kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra”, ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ.


Nâng cao về chất

Trong xây dựng NTM, Bình Định đã đặc biệt chú trọng nâng cao về chất. Bình Định đã huy động và phát huy tốt các nguồn vốn đầu tư để tập trung phát triển hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các tiêu chí.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, Bình Định đã thành lập mới 6 HTXNN, gồm: HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, HTX Dịch vụ và chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Phước An (huyện Tuy Phước), HTX Thanh niên Hoài Sơn (thị xã Hoài Nhơn), HTX Chăn nuôi gia cầm Mỹ An (huyện Phù Mỹ), HTX Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn (huyện An Lão) và HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Vĩnh An (huyện Vĩnh Thạnh). Bình Định cũng đồng thời phê duyệt, hỗ trợ 2 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống tại xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) và xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn).

Bình Định đang phát triển chăn nuôi bò và xây dựng thương hiệu 'Bò thịt chất lượng cao Bình Định'. Ảnh: V.Đ.T

Bình Định đang phát triển chăn nuôi bò và xây dựng thương hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”. Ảnh: V.Đ.T

Chức năng của những HTX mới thành lập ở Bình Định cho thấy phong trào HTX ở tỉnh này đã lần dò tìm đến những hoạt động gần gũi với thực tế sản xuất, sản phẩm thế mạnh của từng địa phương. Thật vậy, Bình Định đang trên đà đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị bền vững gắn với sản xuất hàng hóa quy mô lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực.

Đặc biệt, Bình Định ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phù hợp điều kiện sản xuất an toàn, có thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất; kết hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại gắn với xây dựng NTM.

Bình Định cũng đang tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn.

Xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn; bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa ở nông thôn gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.

Bình Định đang phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: V.Đ.T

Bình Định đang phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: V.Đ.T

Tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phát huy vai trò tự quản, tính tích cực của nhân dân tham gia đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn nông thôn, triển khai hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.

Đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, chất lượng và có hiệu quả.

“Trong 10 tháng đầu năm 2021, ngành chức năng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh công nhận 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh năm 2021. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các địa phương thành lập mới các HTX nông nghiệp hoạt động gắn với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm lợi thế của địa phương và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Đề nghị Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tiếp tục phối hợp, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất để phát huy lợi thế, phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Định.


Vũ Đình Thung - Lê Khánh
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn