Cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng
13:47 - 27/10/2021
(MTNT)- Thời gian qua, cùng với việc đất rừng bị thoái hóa, đa dạng sinh học bị mất đi thì nạn chặt phá rừng trái phép đã thu hẹp diện tích và khiến cho gần 10 triệu ha đất rừng không được sử dụng, bị thoái hóa và trở thành đồi trọc, tác động trực tiếp đến kế sinh nhai cũng như thu nhập của hàng triệu người dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số. Vì vậy, Chính phủ luôn quan tâm tới việc nâng cao thu nhập cho người trồng cây gây rừng. 
Các hộ khoanh nuôi bảo vệ rừng sắp tới có thể nhận được 1 triệu đồng/ha/năm nhằm bảo đảm chất lượng độ che phủ rừng.


Bên cạnh đó, rừng trồng mới không thể thay thế được rừng già, rừng nguyên sinh, bởi khi bị phá đi, lớp thực bì dày từ 50cm – 1m cũng không còn, khi có mưa lũ sẽ gây ra tình trạng xói lở, lũ ống, lũ quét. Chất lượng rừng ngày càng giảm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiên tai, lũ lụt, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, tài sản của con người.
 
 
Đồng thời, đi kèm với tỷ lệ che phủ rừng cần đảm bảo tiêu chí về chất lượng rừng vì trong diện tích che phủ rừng phần lớn là diện tích rừng trồng kinh tế, gồm cây công nghiệp và nguyện liệu giấy, rừng trồng không có thực bì, sau chu kỳ 5 – 10 năm khai thác, rừng vừa được phủ xanh sẽ lại bị mất đi. Đồng thời, cây trồng phủ xanh cần có giá trị kinh tế, không ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của các cây tầng thấp để có thể nhân rộng các mô hình sản xuất dưới tán rừng như: Mây, sa nhân, thảo quả, nuôi ong… giúp người dân có thêm thu nhập, yên tâm giữ rừng.
 
 
Một trong các nội dung được đề cập tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là việc nâng cao tỷ lệ che phủ rừng gắn liền với ổn định đời sống của người dân làm nghề rừng. Trước đây các hộ khoanh nuôi bảo vệ rừng chỉ nhận được 50.000 đồng/ha/năm, hiện nay lên tới 250.000 đồng/ha/năm, theo lộ trình sắp tới có thể nâng lên thành 1 triệu đồng/ha/năm mới bảo đảm chất lượng độ che phủ rừng từng bước được nâng cao. Diện tích khoanh nuôi, bảo vệ rừng cũng cần nâng lên 2 triệu ha mới, từng bước đảm bảo cho chất lượng của 10,3 triệu ha rừng tự nhiên hiện có. Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm ngành lâm nghiệp thu được 30.000 tỷ đồng. Ngày 20/10/2020, Việt Nam chính thức ký kết hợp tác về tín chỉ các-bon từ rừng. Nhờ đó, nước ta bán được 10 triệu m3 CO2, với giá 5 USD/m3 CO2.
 
 
Bên cạnh đó, nạn chặt phá rừng hiện đang là vấn đề đáng lo ngại ở nước ta và các quốc gia khác. Tháng 02/2021, cả nước có gần 59 nghìn ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm; tính chung cả 2 tháng đầu năm 2021 diện tích rừng bị chặt, phá là 118 nghìn ha. Một số tỉnh có diện tích chặt phá, lấn chiếm nhiều nhất trong tháng 2 là: Kon Tum 25,8 ha, Yên Bái 14,7 ha, Kiên Giang 6 ha, Bắc Kạn gần 4,4 ha, Sơn La 2,4 ha, chiếm 90% diện tích bị chặt phá, lấn chiếm của cả nước.
 
 
Trong 10 năm trở lại đây, lợi nhuận từ rừng trồng lấy gỗ hoặc trồng các loại cây ngắn ngày, như gừng, thạch đen cũng rất cao. Vì vậy, nhiều hộ dân cố ý khai thác rừng, phá rừng tự nhiên trái phép để lấy đất sản xuất, trồng rừng mới. Cháy rừng cũng là một trong các nguyên nhân làm giảm diện tích rừng hiện có, trong tháng 2 có 14,2 ha rừng bị cháy; tính từ đầu năm tổng diện tích rừng bị cháy là gần 83 ha, trong đó Quảng Ninh đứng đầu với gần 10,2 ha, tiếp theo là Bắc Kạn 2,1 ha, Bắc Giang 1,1 ha.
 
 
Trồng rừng và bảo vệ rừng là một trong những việc làm hết sức thiết thực để để bảo vệ môi trường. Đồng thời bảo vệ rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng tăng là một trong các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững. Từ đó, nhiều dự án trồng rừng đã và đang triển khai trên phạm vi toàn quốc đem lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng và bảo vệ rừng.
 
 
Tại Bắc Kạn, để nâng cao chất lượng rừng trồng, tỉnh tập trung xã hội hóa hệ thống vườn ươm rộng khắp theo phương châm “Ươm cây gần nhất với chân lô” để thuận tiện, giảm chi phí vận chuyển, cung cấp cây giống bảo đảm chất lượng. Từ năm 2016 - 2020, hệ thống vườn ươm cố định cung cấp cây giống các loại từ 9,5 - 26,2 triệu cây/năm cho kế hoạch trồng rừng của tỉnh. Toàn tỉnh đã trồng được hơn 34.000 ha rừng, trung bình mỗi năm trồng khoảng 7.000 ha, đạt hơn 104% so với mục tiêu đề ra, trong đó, có 17.619 ha là rừng trồng cây gỗ lớn. Sản lượng gỗ khai thác đạt 160.000 m3. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đã đạt 72,9%, cao nhất cả nước, chất lượng rừng trồng cũng nâng lên gấp 1,5 lần. Trong đó, đối với rừng keo, số diện tích được chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân đều đặn chiếm hơn 50%. Các loại cây khác cũng được bón phân đều là điều chưa từng có trước đây. Các loài cây đa mục đích, như: Quế, hồi được phòng, trừ sâu bệnh hại rất tốt.
 
 
Đồng thời, tỉnh quyết liệt chỉ đạo chuyển rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Đến nay, tỉnh đã tích cực cải tạo chuyển đổi 5.000 ha diện tích rừng hiện đang kinh doanh với mục đích cây gỗ nhỏ với chu kỳ kinh doanh dưới 8 năm sang cây gỗ lớn.
 
 
Từ chủ trì của Bộ NN&PTNT và tài trợ của Chính phủ CHLB Ðức thông qua ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW), tỉnh đầu tư gần 3 triệu Euro (đồng tiền chung châu Âu) thực hiện dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (gọi tắt là KFW8), giúp người dân cải tạo rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Ðến nay, dự án đã thực hiện được gần 1.000 ha. Theo đó, mỗi ha cây keo tăng giá trị kinh tế từ 2,5 - 3 lần; cây thông tăng giá trị từ 2 - 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ.
 
 
Bắc Kạn còn tập trung nâng cao các biện pháp quản lý kinh doanh rừng trồng, tiến tới đạt tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận quản lý FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp). Hiện tỉnh đã triển khai thực hiện quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC tại các huyện: Chợ Mới, Ngân Sơn. Có chứng chỉ FSC, giá gỗ nguyên liệu cao hơn từ 25 - 35% so với giá gỗ cùng loại và cùng chất lượng và sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 921 ha của 322 chủ rừng được cấp chứng nhận FSC.
 
 
Tại Thừa Thiên-Huế, một số người dân thay vì chọn trồng keo ngắn tuổi đã chuyển sang trồng keo lâu năm và được cấp chứng chỉ FSC. Theo đó, cây keo có chứng chỉ FSC phải trồng từ 7-10 năm mới có thể thu hoạch nhưng bán cao gấp đôi so với cây keo trồng từ 4-5 năm.
 
 
Hiện diện tích trồng keo, tràm đang có xu hướng giảm dần do tỉnh đang thay đổi, vận động người dân chuyển từ trồng keo ngắn ngày sang trồng cây rừng bản địa như: Lim, chò, sao đen... có hiệu quả kinh tế cao, góp phần hạn chế sạt lở ở sườn đồi, núi, phủ xanh tán rừng và có giá trị kinh tế gấp 2-4 lần so với cây keo ngắn tuổi.
 
 
Từ năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã có cơ chế chính sách hỗ trợ 50% giá cây giống keo lá tràm, keo tai tượng, sao đen (ươm bằng hạt hoặc nuôi cấy mô) đạt tiêu chuẩn cho hộ nông dân trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao hoặc cho thuê trong vùng quy hoạch sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn. Tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ 50% giá cây giống cây bản địa (lim xanh, lát hoa, trám) cho các hộ dân trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giao hoặc cho thuê trong quy hoạch. Nhờ vậy, giai đoạn 2016 - 2020 tổng diện tích rừng kinh doanh gỗ lớn trên toàn tỉnh ước đạt hơn 9.000ha, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất...
 
 
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Nghệ An sẽ có 18 huyện trồng 148.000ha gỗ lớn, trong đó diện tích chuyển từ rừng gỗ nhỏ 19.000ha, rừng trồng mới 72.000ha, trồng lại 57.000ha.
 
 
Hưởng ứng Quyết định số 524 ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, tỉnh Lâm đồng đã triển khai trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn, hướng tới khôi phục và phát triển môi trường xanh nhưng vẫn hài hòa lợi ích kinh tế của đối tượng tham gia.
 
 
Tỉnh đã xây dựng kế hoạch và lồng ghép việc hỗ trợ sinh kế trên một số loại đất trồng như: Trồng 11.319.885 cây ăn quả, cây đa mục đích trong vườn cà phê, bờ vùng, bờ thửa; trồng xen khôi phục độ che phủ trên đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định (trong tổng diện tích 52.000ha toàn tỉnh) là 2.013.800 cây.
 
 
Hay tại tỉnh Kon Tum thời gian qua đã đẩy mạnh phát triển rừng bền vững và trồng dược liệu dưới tán rừng, thu hút người dân tham gia phát triển, cải thiện sinh kế từ rừng. Mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2020-2025 là bảo vệ trên 609.468 ha rừng hiện có, trồng mới thêm 10.000 ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 63,75%.
 
 
Hoạt động sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đã thu hút một lực lượng lớn lao động địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ, trồng rừng, góp phần đáng kể tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng.
 
 
Những năm qua nước ta đã hứng chịu nhiều tác động nghiêm trọng của thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan theo chiều hướng ngày càng gia tăng, để lại hậu quả nặng nề. Do đó, yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng nguyên sinh tự nhiên vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài có sự định hướng của Chính phủ, và trên hết cần có sự đoàn kết, chung sức của người dân nhằm phát triển đất nước theo hướng bền vững.
Huy Long
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn